Mercedes-Benz CLK-GTR
Năm 1998, với 1,1 triệu bảng Anh, người ta có thể sở hữu một chiếc du thuyền cỡ trung bình hoặc một căn hộ rộng rãi ở trung tâm London. Nhưng CLK-GTR mới là lựa chọn sành điệu.
Siêu xe này giống hệt chiếc đã giúp Mercedes hai lần giành chiến thắng tại các cuộc đua Le Mans 24h hồi những năm 1990. Phiên bản dân dụng của nó chỉ được sản xuất hạn chế với số lượng 25 chiếc. CLK-GTR không được bán ở showroom. Chúng chỉ dành cho một số "khách hàng" siêu cấp.
Gói hàng đặc biệt này được chia ra thành 8 mẻ 3 chiếc và một mẻ 4 chiếc để sản xuất. Mỗi mẻ mất một tháng để hoàn thành. Các kỹ sư biến thành các thợ thủ công tinh xảo, dốc sức để làm chính xác theo đơn đặt hàng. Cải tiến bao gồm vỏ xe được làm bằng sợi Kevlar và cũng giống những chiếc xe thể thao khác, ghế ngồi có thắt lưng 3 điểm và túi khí kép.
Khung xe liền khối (monocoque) được làm hoàn toàn từ sợi carbon, động cơ 6,8 lít do hãng Ilmor phát triển. Hộp số tay 6 cấp được kiểm soát thông qua cần được gắn trên vô-lăng.
Khi mang ra so sánh, cả McLaren F1 và CLK-GTR đều được trang bị động cơ hàng khủng, hệ thống khí động lực hiệu suất cao và sử dụng những công nghệ tiên tiến. Nhưng nếu McLaren F1 được xây dựng dựa trên công nghệ xe đua thì CLK-CTR lại là một chiếc xe đua được thuần hóa để sử dụng trên xa lộ.
Jaguar XJ220
Những chiếc Jaguar vẫn tỏa sáng và gây chú ý bởi năng lực mạnh mẽ khó bì kịp. Hơn thế, nó còn chứng tỏ rằng một chiếc xe hơi có thể đẹp đến mức nào.
Trong suốt ba năm liên tiếp, Jaguar XJ220 giữ vương miện dành cho chiếc xe nhanh nhất thế giới, trước khi bị McLaren F1 giành ngôi. Câu chuyện thú vị này bắt đầu vào một ngày đẹp trời năm 1984, khi giám đốc kỹ thuật của Jag là Jim Randle nảy ra ý tưởng sáng tạo một chiếc siêu xe với động cơ 500 mã lực. Nhưng phải mất 4 năm, dự án đầy tham vọng đó mới trở thành hiện thực.
Động cơ 6,2 lít V12 của chiếc siêu xe được trưng bày lần đầu tại triển lãm motor ở Birmingham (Anh) vào năm 1988. Phong cách thể thao với cửa mở lên trên và tốc độ tối đa có thể lên đến 322 km/h.
Năm 1989, Ford nắm quyền sở hữu Jaguar và lên kế hoạch sản xuất. Nhưng phiên bản này có nhiều khác biệt so với chiếc xe theo ý tưởng: ngắn hơn 20 cm, động cơ V12 bị thay thế bằng động cơ 3,5 lít V6, 524 mã lực và có thể đạt tốc độ 343 km/h, tăng tốc lên 161 km/h từ vị trí xuất trong 8 giây.
Trong khi đó, phiên bản cải tiến của XJ220, XJ220-C là một chiếc xe bóng bẩy từng là kẻ chiến thắng tại cuộc đua Le Mans vào năm 1994, nhưng sau đó bị tuyên bố là không đủ tư cách dự thi trong phần kiểm tra kỹ thuật. Vì thế, XJ220 vẫn là chiếc siêu xe đỉnh nhất mà Jag đã tạo ra.
Ford GT40
Ford vẫn luôn được coi là một nhãn hiệu tạo ra những chiếc xe cho người tiêu dùng bình thường. Vì lý do này, dường như không có gì để viết về nó trong lịch sử của loại xe đua.
Rồi Ford đã giành được quyền sở hữu Lola 63, chiếc xe từng có màn trình diễn nghèo nàn tại Le Mans những năm trước đó. Tuy nhiên, Ford đã dùng sản phẩm này như một bệ phóng và phát triển thành một chiếc xe đua thành công, thống trị những vòng đua 24h trong vòng 4 năm liên tiếp. Đó chính là chiếc Ford GT40.
Năm 2002, Bill Ford tiết lộ chiếc Ford GT concept tại American Motorshow và 45 ngày sau, họ thông báo rằng chúng sẽ có mặt tại các showroom.
Cao hơn và dài hơn so với phiên bản gốc, Ford GT giống như một hooligan quyến rũ. Được trang bị động cơ mạnh nhất của Ford, loại 5,4 lít 540 mã lực. Bên cạnh đó là công nghệ làm mát khí nạp của hãng Eaton, thân và cửa xe được làm bằng nhôm giúp giảm tải trọng xe đồng thời khiến chiếc xe thêm nổi bật.
* Ảnh: Chi tiết ba siêu xe hàng khủng |
Minh Thủy (theo Automotoportal)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet