Nhìn từ bên ngoài, nếu không quan sát kĩ, ít ai có thể nghĩ ngôi nhà này được làm từ container. Anh Mỹ, chủ nhà vui vẻ chia sẻ một câu chuyện thú vị: “Lúc nhà đã hoàn thiện, có một anh thợ điện xuống nhà để lắp ráp hệ thống. Sau 3 ngày, anh hỏi tôi rằng nghe đồn ở khu này có một căn biệt thự được xây bằng container nhưng không biết nó nằm ở đâu.”
Biệt thự “không móng” độc đáo được thiết kế bởi KTS Nguyễn Cửu Long, gây ấn tượng mạnh mẽ cả bên trong lẫn bên ngoài
Biệt thự “độc nhất vô nhị” Mỹ Thanh (khu phố 5, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP. HCM) nằm trên khuôn viên 555m2 gồm một trệt và một lầu . “Do đất nằm sát bờ sông Sài Gòn nên rất yếu, nếu xây dựng theo phương pháp truyền thống thì chi phí làm móng khá tốn kém. Nhưng với căn nhà container này, tôi chỉ tốn chưa đến 30 triệu đồng để xây các khối đỡ (sáu khối cho một container), tiết kiệm được 900 triệu đồng ở phần thô xây dựng” - anh Mỹ cho biết.
Căn nhà được hoàn thành trong vòng 4 tháng thi công mà không hề tốn một viên gạch nào.
So sánh với chất lượng công trình được xây bằng gạch, xi măng như bình thường, anh Mỹ khẳng định: “Tôi đã tham khảo kỹ về những tài liệu làm nhà từ container. Ở nước ngoài, mô hình này phát triển và được áp dụng khá rộng rãi. Container khi vận chuyển hàng hóa trên biển phải chịu nhiều va đập, bị nước biển ăn mòn thì niên hạn sử dụng là 30 năm. Còn trên đất liền, hạn dùng của container theo tôi là vĩnh cửu”.
Phía ngoài, tường nhà vẫn để lộ ra khoảng lồi lõm của container tạo nên nét giản dị, mộc mạc cho căn biệt thự
Diện tích 250m2 của tầng trệt được bài trí thông thoáng. Không gian sinh hoạt mát mẻ, dễ chịu gồm một phòng khách, phòng sinh hoạt gia đình, bếp và sảnh. Tầng trệt dãy ở giữa ngôi nhà gồm 3 cặp container xếp so le nhau, tạo nên hình khối đặc biệt cho ngôi nhà. Các khu sinh hoạt được thiết kế liên thông với nhau, đem lại lợi ích tiện nghi cho gia đình
Đá phong thủy được bài trí ngay chính giữa ngôi nhà tạo ra nét độc đáo riêng biệt.
Phòng khách hiện đại được bố trí hài hòa, đẹp mắt được sắp xếp theo một cặp container cạnh nhau
Bàn thờ Thổ Địa và Thần Tài kết hợp làm nơi đặt đồ vật phong thủy và biểu tượng gia đình.
Thiết kế quầy bar liền kề với bếp và bàn ăn trong gia đình.
Bàn ăn với 2 màu đen – trắng đương đại mang lại cảm giác ấm cúng cho gia đình.
Họa tiết tinh tế của chiếc khăn trãi bàn tạo nên nét duyên dáng, hài hòa cho căn phòng.
Cầu thang, vách dẫn lên tầng lầu của ngôi nhà được làm từ một số tấm đỡ của container đã gia công hoàn thiện. Sau đó áp với phần bê tông tạo độ bền, phủ thêm một lớp sơn màu.
Phòng thờ cúng được thiết kế riêng biệt bởi một container. Thiết kế sang trọng, tạo nên sự tôn nghiêm. Kệ tủ đựng sách màu trắng tinh tế, sàn nhà được ốp gỗ trên mặt container tạo cảm giác dễ chịu cho chủ nhà, đi lại không phát ra tiếng ồn.
Phòng ngủ chính của vợ chồng anh Mỹ lấy màu trắng làm chủ đạo, kệ tủ áp tường 3 chiều thông minh sử dụng cho nhu cầu giải trí và làm việc.
Không gian rộng rãi, thoáng mát tiếp ánh sáng mặt trời, mang lại luồng sinh khí mát mẻ cho ngôi nhà.
Không gian chan hòa ánh sáng, hạn chế bức xạ của mặt trời nhưng vẫn tươi mát khi chủ nhà sử dụng kính cường lực để lắp cho toàn bộ hệ thống cửa trong nhà.
Phòng tắm hướng liền với cửa sổ thoáng mát đem lại cảm giác thư giãn cho gia đình sau một ngày làm việc vất vả.
Những chiếc đèn tối màu đơn giản được thiết kế lạ mắt làm điểm nhấn cho khuôn viên sảnh của biệt thự
Trong khuôn viên của biệt thự được anh Mỹ và bà xã là cô Nguyễn Thị Thanh trồng rất nhiều loại hoa và cây xanh, cuộc sống xanh tươi luôn chan hòa và gần gũi với thiên nhiên.
Tường rào độc đáo được dựng lên từ những vách container cho dây leo quanh nhà.
Anh Mỹ chia sẻ: “Ngồi ở hiên nhà, được ngắm nhìn khoảng sân tươi đẹp và hưởng chút gió trời từ mé sông cùng gia đình thì còn gì thú vị bằng!”
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet