Trẻ em luôn yêu thích đồ chơi và không hề biết hay quan tâm đến những mối nguy hại tồn tại xung quanh khi chơi chúng, chẳng hạn như tiếp xúc với đủ loại vết bẩn, vi khuẩn... Nếu đồ chơi không được làm sạch đúng cách và thường xuyên, bé yêu của bạn có thể bị mắc các bệnh do bụi bẩn, vi trùng, vi khuẩn gây nên.
Vì thế, các bố mẹ nên xem xét làm sạch đồ chơi cho con bằng những cách đơn giản, an toàn và thân thiện với môi trường sau đây:
1. Các biện pháp làm sạch cơ bản
- Làm sạch đồ chơi bị bẩn thông thường
Dùng khăn sạch (hoặc giấy ăn, khăn ướt dành cho bé) để lau sạch đồ chơi bị rơi xuống đất bẩn hoặc tiếp xúc với các bề mặt bẩn thỉu khác.
- Làm sạch đồ chơi có thể ngậm được
Vệ sinh đồ chơi bằng nhựa cao cấp, có độ bền cao, đặc biệt là những thứ bé ngậm trong miệng như núm vú giả, miếng ngậm nướu... thật kỹ lưỡng bằng cách luộc trong nước sôi khoảng 10 phút.
Sau khi vớt ra, để đồ chơi nguội hẳn mới đưa lại cho trẻ. Luôn luôn kiểm tra đồ chơi sau khi luộc để đảm bảo chúng không có bất kỳ hư hại nào có thể đe dọa đến con của bạn.
Đối với đồ chơi không thể luộc trong nước sôi thì nên làm sạch bằng xà phòng pha loãng với nước nóng. Và phải rửa lại với nước sạch nhiều lần để xà phòng trôi đi hoàn toàn.
Nên làm sạch đồ chơi trẻ em hay ngậm trong miệng bằng nước sôi.
- Làm sạch đồ chơi bị dây thức ăn
Sử dụng một miếng mút hoặc miếng bọt biển ấm để lau sạch đồ chơi bằng nhựa/gỗ nếu vô tình làm dây thức ăn lên chúng.
- Làm sạch đồ chơi với giấm ăn
Pha giấm ăn và nước sạch theo tỉ lệ 1/1 vào trong bình xịt. Xịt dung dịch lên đồ chơi bị bẩn, để yên trong 15 phút rồi lau sạch bằng khăn hoặc giấy ăn. Bạn cũng có thể rửa sạch và phơi khô nếu muốn.
- Làm sạch đồ chơi với bột baking soda
Ngoài giấm ăn, bạn có thể sử dụng bột baking soda để vệ sinh đồ chơi cho bé. Trộn lẫn 4 muỗng canh bột baking soda với 1 lít nước ấm, bôi hỗn hợp lên đồ chơi bẩn và dùng khăn sạch để lau.
- Làm sạch đồ chơi bằng máy giặt, máy rửa bát
Với đồ chơi có dán nhãn giặt được bằng máy hoặc chịu nhiệt tốt, bạn có thể sử dụng máy giặt hoặc máy rửa bát để làm sạch. Nên đặt chế độ nước nóng và hong khô đồ chơi sau khi giặt ở mức nhiệt thấp.
- Làm sạch đồ chơi trong phòng tắm
Luôn bóp toàn bộ nước đọng bên trong đồ chơi ra ngoài sau khi bé nghịch trong lúc tắm. Bởi vì, nước bẩn tồn đọng trong đồ chơi sẽ tạo ra môi trường ẩm ướt giúp vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi nảy nở nhanh chóng.
2. Làm sạch đồ chơi bằng vải, bông, lông thú...
Nếu đồ chơi yêu thích của con bạn là những thứ làm bằng vải, nhồi bông... thì khả năng bé tiếp xúc với bụi bẩn và vi khuẩn là rất cao. Vì đây đều là những chất liệu dễ bám bụi và các chất bẩn khác nhau.
Bạn có thể áp dụng một chất tẩy rửa đơn giản, thân thiện với trẻ nhỏ theo cách sau để làm sạch đồ chơi bằng vải/nhồi bông cho bé.
Thấm ướt một miếng bông lớn và vắt nhẹ cho ra bớt nước.
Đổ một ít dầu gội đầu của bé lên miếng bông. Bóp nhẹ cho dầu gội thấm đều vào miếng bông.
Chà xát miếng bông có dầu gội lên đồ chơi. Đặc biệt chú ý đến một vài vị trí bẩn nhất như xung quanh mũi, mắt và tai của thú nhồi bông.
Bạn nên thực hiện với 2 lần dầu gội cho đến khi lớp vải/bông sạch lên trông thấy.
Sau đó, giặt sạch và phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Với một số loại đồ chơi thì ánh nắng gián tiếp sẽ tốt hơn vì đảm bảo được độ bền.
3. Bí quyết sắp xếp đồ chơi khoa học
Bên cạnh việc vệ sinh thì chuyện sắp xếp đồ chơi của trẻ nhỏ sao cho ngăn nắp, khoa học cũng là điều khiến cho nhiều gia đình phải đau đầu.
Cách tốt nhất để bạn có thể kiểm soát và lưu trữ đồ chơi của con thật gọn gàng là cố gắng sắm một chiếc tủ đựng riêng biệt. Mẫu tủ/kệ mở nhiều ngăn, có thể kết hợp thêm giỏ đựng đồ là lựa chọn hoàn hảo nhất dành cho bạn.
Ví dụ như chiếc tủ ba tầng với 9 ngăn nhỏ dưới đây cung cấp rất nhiều không gian trữ đồ và bạn sẽ thấy khoản chi tiêu của mình là rất đáng giá.
Kiểu tủ/kệ mở kết hợp những chiếc giỏ đựng đồ là lựa chọn hoàn hảo để lưu trữ đồ chơi của bé.
Bằng cách phân loại đồ chơi vào những giỏ nhỏ, con bạn có thể dễ dàng tiếp cận với loại đồ chơi mà chúng yêu thích. Ngay cả khi đồ chơi có bị đổ hết ra ngoài thì việc thu dọn cũng rất nhanh chóng, chỉ tốn của bạn vài phút đồng hồ mà thôi.
Hàng dưới cùng để các giỏ đựng đồ chơi bằng gỗ, bóng và khối xếp hình.
Thoạt nhìn thì những chiếc giỏ trông khác nhỏ nhưng bạn sẽ phải ngạc nhiên và thích thú khi những món đồ chơi có phần cồng kềnh như máy bay,... được để vừa khít bên trong.
Ngoài ra, thiết kế tủ/kệ bao giờ cũng rất chắn chắn nên bạn không phải lo lắng đến an toàn cho con nhỏ. Để chắc chắn hơn nữa, bạn hoàn toàn có thể bắt vít, thêm bản lề để cố định tủ với bức tường trong nhà.
Hàng giữa để đồ chơi bằng nhựa, đồ có thể ngậm được và đồ chơi bằng vải mềm.
Hàng trên cùng dành cho đồ chơi sử dụng pin, có thể ném, tung hứng...
Nếu đồ chơi quá to, không thể đựng vừa trong các giỏ thì bạn hãy chuyển sang phương án khác là lưu trữ chúng ở những vị trí khuất trong nhà, ví dụ như gầm cầu thang, ngăn tủ kín đáo... Khi nào bé muốn chơi thì lấy ra và lại cất gọn vào chỗ cũ.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet