Lắng nghe tiếng… ngáy!
Nhờ nhiều công trình nghiên cứu đại trà trong thập niên gần đây, hiện không còn ai nghi ngờ mối liên hệ mật thiết giữa tiếng ngáy và nhiều căn bệnh nghiêm trọng liên quan đến rối loạn biến dưỡng. Nếu nghĩ đau đâu chắc bệnh gần đó thì lầm với tiếng ngáy. Không đến 10% trường hợp ngáy nặng nề rít rống là do thanh quản. Còn lại thì đó là dấu hiệu thậm chí mang ý nghĩa báo động cho bệnh khác nằm rất xa vùng hầu họng!
Ngáy thì khó ai tránh khỏi. Có khác chỉ khác ở tần số và cường độ. Ngáy nhẹ nhàng, ngáy riu riu thì không sao, thậm chí tốt vì gia chủ ngủ ngon. Nhưng ngáy nặng ì ạch từng cơn đồng thời đi kèm với nhiều hồi ngừng thở trong giấc ngủ thường là hậu quả của tình trạng béo phì và tăng mỡ trong máu. Hậu quả là nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não dễ như chơi.
Thầy thuốc vì thế thường khuyên nạn nhân của tiếng ngáy dạng này nên đưa "ca sĩ về đêm" trước đến thầy thuốc tai-mũi-họng, sau đến thầy thuốc tim mạch nếu nhận thấy tiếng ngáy ngày càng khó chịu cho cả đôi bên.
Có một điều chắc hơn đinh đóng cột là người ngáy quá lớn sớm muộn cũng là nạn nhân của tình trạng thiếu dưỡng khí ở các cơ quan trọng yếu như não bộ, thành tim, cầu thận, đáy mắt … Khi đó từ nạn nhân chuyển sang bệnh nhân chỉ là chuyện "thủ tục hành chính"!
Không ai vô cớ bỗng đổi giọng
Vấn đề lại không chỉ có thế. Thông thường thì bệnh tiểu đường, nếu không đo lượng đường trong máu, thường khó phát hiện vì có thể biểu lộ qua nhiều triệu chứng nhiều khi mơ hồ, như ăn nhiều, thèm ngọt, uống nhiều nhưng vẫn khát, tiểu nhiều, sụt cân, mệt mỏi, mờ mắt, tê tay chân, đau nhức, vết thương ngoài da lâu lành…khiến thầy thuốc dễ bị lạc hướng chẩn đoán nếu không lưu ý căn bệnh này.
Theo báo cáo đầy thuyết phục của các nhà nghiên cứu ở khoa Nội tiết thuộc Đại học Erlangen (Đức), ngáy là dấu hiệu báo động gắn liền mật thiết với bệnh tiểu đường. Lượng đường trong máu càng không ổn định thì tiếng ngáy càng to, điệu ngáy càng nhức óc người phải nghe và nhất là tình trạng ngừng thở trong lúc ngủ càng dễ xuất hiện.
Đáng lo hơn nữa là cho dù không ăn gì hết trong đêm, lượng đường trong máu ở người ngáy lớn có khuynh hướng gia tăng vào buổi sáng hôm sau. Tình trạng này càng rõ nét hơn nữa nếu người bệnh đồng thời dư cân và ít vận động.
Người bệnh tiểu đường bớt ngáy thấy rõ nếu đường huyết ổn định với liệu pháp có hiệu quả như mong muốn. (Ảnh minh họa)
Chuyên gia ngành nội tiết dựa vào đó đã khuyên đồng nghiệp đừng quên hai nhân tố quan trọng trong quá trình điều trị và theo dõi bệnh tiểu đường. Đó là dùng tiếng ngáy và tình trạng mệt mỏi khi thức dậy như hai tiêu chí đánh giá diễn tiến, vì hai dấu hiệu này cũng có giá trị như đo đường trong máu mà không cần xét nghiệm, nghĩa là vừa đỡ tốn, vừa đỡ đau.
Đừng xem thường tiếng ngáy, nhất là khi gia chủ trước đó không ngáy hay tuy có ngáy nhưng với giai điệu khoan thai. Không ai vô cớ bỗng đổi giọng. Rất thường khi tiếng ngáy nặng nề như bị ai bóp cổ cộng thêm tình trạng nay mệt, mai mỏi, bữa kia càng thêm mỏi mệt là lời nhắc khéo về bệnh tiểu đường. Can thiệp cho sớm bao giờ cũng an toàn hơn đợi nước đến chân mới tính đến chuyện nhảy nhót.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet