Ông không phải bác sĩ. Ông cũng chưa từng học qua nghề y. Ông là người làm giáo dục. Thế nhưng, hàng chục năm qua, nhờ bài thuốc đặc biệt của ông, mà đã có vài ba trăm người thoát chết khỏi nọc độc của các loài rắn.
Nghề gia truyền
Ông Bùi Hồng Thái đang kể về cách chữa trị rắn cắn bàng ống nứa và 3 lá trầu, cau.
Từ thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa), hỏi đường về nhà ông thầy chữa rắn cắn ở xã Thạch Bình không khó, bởi danh tiếng về tài nghệ chữa rắn cắn của ông Bùi Hồng Thái được rất nhiều người biết đến. Tôi đến nhà mới biết ông đang ốm. Nghĩ có người đến nhờ chữa bệnh, bà vợ vội gọi ông dậy. Ông Thái năm nay đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng dáng người vẫn quắc thước, tóc bạc như tơ, giọng nói ấm lạ. Nghe tôi đề cập đến vấn đề muốn tìm hiểu về cách thức chữa rắn cắn, ông bảo, ông chữa rắn cắn không phải bằng thuốc, mà bằng “thuật”. Bởi ông chỉ dùng chiếc ống nứa và 3 lá trầu, 1 quả cau để chữa cho người bị rắn cắn.
Vừa nói, ông Thái đứng dậy hạ đĩa trầu trên bàn thờ tổ tiên xuống cho tôi xem. Ông cho hay, đĩa trầu ấy ông mới vừa chữa cho một người ở tỉnh Hà Nam bị rắn hổ mang cắn. Mỗi lá trầu, ông chia thành 3 miếng, dù lớn nhỏ đều phải tách theo đường gân của lá trầu, còn quả cau phải bổ thành 9 miếng, rồi chia thành 3 phần. “Mỗi phần phải để 3 miếng cau, 3 miếng trầu của một lá rồi mới lấy vôi phết vào 3 phần và gói lại. Sau đó, thổi đều đều 9 lần, khi thổi phải nín hơi dài khoảng 1-2 phút. Nếu bệnh nhân bị rắn cắn ở chân thì phải thổi “đón” từ đầu xuống, đó là nguyên tắc bất di bất dịch” - ông Thái bật mí.
Anh Nguyễn Văn Tấn, người bị rắn hổ mang cắn được ông Thái cứu sống.
Theo ông Thái thì 3 lần thổi đầu tiên phải dài hơi. Sau đó, loại bỏ phần trầu đã thổi, nghỉ khoảng vài ba phút ông mới làm tiếp, tổng cộng có 81 lần thổi với 27 hơi. Kết thúc quá trình chữa trị, người bệnh sẽ tự trở lại trạng thái bình thường, các nọc độc dần biến mất.
Ngồi nghe ông kể chuyện chữa rắn độc cắn cứu được cả trăm người, mà tôi cứ từ ngạc nhiên này đến ngỡ ngàng khác. Ông Thái không thể quên được lần ấy ra tay cứu người đầu tiên trong đời ấy. Hôm đó, bà cụ thân sinh ông đang ốm, khi có người ở làng bên chạy đến nhờ mẹ ông ra chữa cho bà cụ bị rắn hổ mang cắn, nhưng mẹ ông không đi được. Lúc đó, ông vừa đi chăn trâu về, được gọi vào bảo ra chữa cho bà cụ thay mẹ.
Ông Thái kể lại: “Tôi nghe theo, cũng cầm ống nứa của mẹ thường dùng chữa trị cho nhiều người và ra hái ba lá trầu, một quả cau tươi, rồi nhanh chân theo người ta ra nhà bà cụ bị rắn cắn. Khi ra đến nơi, tôi thấy bà cụ nằm trên cái nia ở gốc cây bưởi. Người cụ tím tái, bọt mép sùi ra, mắt nhắm tịt. Tôi nói người nhà khiêng bà cụ vào giường, nhưng người ta bảo không được cho người bị rắn cắn qua bậu cửa. Tôi còn hỏi vì sao? Người nhà giải thích, nếu muốn qua, thì phải đặt một chiếc đòn gánh ở ngưỡng cửa rồi cho người bị rắn cắn dẫm chân lên chiếc đòn gánh mà vào nhà mới sống được”.
“Nghe xong, tôi bảo người nhà cứ đưa bà cụ vào giường cho ấm áp, nếu để nằm ở ngoài sẽ bị nhiễm lạnh, khó cứu hơn. Khi bà cụ được con cháu đưa vào giường, tôi bắt đầu chia ba lá trầu thành chín dẻ, quả cau tươi được bổ thành chín miếng, rồi cầm ống nứa và lẩm nhẩm đọc những câu thần chú được mẹ truyền cho, và bắt đầu thổi dọc từ đầu bà cụ xuống chân. Mỗi miếng cau và một dẻ trầu như vậy phải thổi chín lần. Tất cả là tám mươi mốt lần thổi. Khi tôi thổi đến hơi thứ tám mươi mốt, thì thấy bà cụ bắt đầu cựa quậy và miệng ú ớ đòi uống nước. Sau lần ấy, tôi được mẹ khen và nhiều người trong làng biết tiếng”, ông Thái hồi tưởng.
Từ ngày ấy đến khi trưởng thành, rồi bà cụ thân sinh qua đời, ông Thái trở thành người nối nghề gia truyền chữa rắn cắn. Điều khiến làng trên, xóm dưới nể phục tài nghệ của ông là không những chỉ chữa trị rắn cắn cho người, mà ông còn chữa được cho trâu, bò khi bị rắn cắn. Ông bảo, có lần con trâu mộng của một bác hàng xóm bị rắn cạp nia cắn. Trâu đau quá nên lao xuống ao, ai cũng nghĩ là nó sẽ chết. Nhưng rồi nhờ ông ra tay chữa trị, mà con trâu ấy thoát chết.
Chiếc ống nứa và đĩa trầu cau ông Thái dùng để chữa rắn cắn.
Chưa “bó tay” ca nào?
Bẵng đi vài chục năm, quãng thời gian ông thoát ly gia đình công tác trong ngành giáo dục, ông không chữa rắn cắn cho ai. Thế nhưng, cách chữa rắn cắn do mẹ ông truyền dạy, thì không thể quên được. Và từ năm 1988, khi về nghỉ chế độ, ông lại ra tay chữa trị cứu người.
Từ ngày về hưu, bỗng dưng trong lòng ông luôn nghĩ tới việc phải tiếp tục nghề gia truyền của mình. Vì vậy, ông Thái cất công đi tìm, chọn bằng được một ống nứa để làm công cụ chữa bệnh. Ông bảo, cái khó khăn nhất là giai đoạn bỏ công đi tìm chọn ống nứa. Bởi cái ống nứa ấy không hề đơn giản chút nào. Nếu nhìn bằng mắt thường, thì chiếc ống chỉ nhỉnh hơn ngón tay cái và dài chừng 20cm. Nhưng thực chất, chiếc ống nứa ấy chứa đựng rất nhiều điều huyền bí, mà theo ông khi dùng nó để thổi, nếu chỉ quay nhầm đầu này sang đầu kia, thì không những không thổi nọc độc rắn ra ngoài mà lại khiến nó chạy ngược vào tim người bệnh càng nhanh. Như để giải thích cho tôi hiểu rõ vấn đề, ông ví rằng: Người ta kéo một cây tre, hay cây luồng ra khỏi bó dễ dàng, thì phải kéo tuột xuôi đằng gốc, còn nếu kéo ngược sẽ bị tác dụng ngược… Và ông đưa chiếc ống nứa lên mà bảo: “Cái ống này đã theo tôi hơn ba chục năm nay rồi đấy!”.
Nếu tính thời gian, ông Thái đã có hơn 30 năm chữa bệnh rắn độc cắn để cứu người từ khi về hưu. Hơn 30 năm qua, tổng số bệnh nhân bị rắn cắn do ông cứu chữa khỏi lên đến trên vài trăm người đó là chưa kể gần trăm con trâu. Chưa có ca nào ông Thái chịu “bó tay”, nan giải đến mấy miễn là người còn ấm là ông đều cứu được. Bây giờ tiếng lành đồn xa, không chỉ có người địa phương, các huyện lân cận mà ngay cả ở tỉnh ngoài như Ninh Bình, Hòa Bình, Hà Nam, Hà Nội… khi có bệnh nhân bị rắn cắn đều tìm đến gặp ông để mong được cứu lấy mạng sống.
Ông tâm sự: Cái nghề này làm phúc là chính, nếu không có tâm, chẳng thể làm được gì cả. “Cách đây mấy năm, có người ở huyện Cẩm Thủy đến rước (ông hay dùng từ “rước” thay cho “đón”) tôi đi chữa giúp một cô gái bị rắn hổ chì cắn. Người ta đã đến rước, thì tôi không thể từ chối nếu mình đang khỏe. Khi tôi đến nơi, cô gái ấy đang nằm ở trạm y tế xã, vết thương bắt đầu phát nặng, mạch đập rất yếu. Tôi đang chuẩn bị chữa, thì cô y tá ở trạm bảo là để cô ấy tiêm trợ tim cho người bệnh. Tôi bảo, nếu cô tiêm thuốc trợ tim, thì tôi không chữa được nữa, vì tim sẽ đập nhanh và dẫn nọc độc của rắn càng nhanh. Thế là cô y tá dừng tiêm và tôi bắt đầu thổi trầu. Tôi thổi một lúc, thì cô gái ấy bắt đầu khóc và kêu đau. Tôi nghĩ, thế là mình đã chiến thắng, vì nếu càng thổi mà cô ấy không cảm thấy đau thì mới là lo. Còn ngược lại, người bị rắn cắn mà nhờ tôi chữa phải thấy đau chạy xuống đầu ngón chân, ngón tay thì mới khỏi” - ông Thái kể lại.
Anh Nguyễn Văn Tấn (40 tuổi, trú tại thôn La Thạch, xã Thạch Định, Thạch Thành), người thoát chết nhờ ông Thái chữa, cho biết: “Năm 1991, trong lúc đi làm đồng, tôi bị rắn hổ mang cắn vào bắp chân phải, toàn thân tê dại, xung quanh vết rắn cắn bị thâm đen. Được người nhà cõng tới nhà bác Thái, với ống nứa và 3 lá trầu, 1 quả cau, bác Thái đã chữa khỏi cho tôi”.
Ông Thái kể rằng, cách đây hơn sáu chục năm về trước, lúc đó ông mới lên tám tuổi, bà cụ thân sinh ra ông vốn có cái nghề gia truyền chữa trị rắn độc cắn. Nhà có bốn chị em, ông là con trai độc nhất nên được bà cụ truyền nghề cho. Lần đầu tiên, ông chữa cho một người già ở cùng xã, ông cứ ngỡ mình không chữa được, nhưng rồi bà cụ bị rắn hổ mang cắn ấy nhanh chóng khỏe lại và thoát khỏi bàn tay tử thần.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet