Dừng chân ở Bến Có, Trà Vinh, bạn sẽ bất chợt thấy một quầy bán bánh tập trung đông khách đường xa ghé mua. Ai nấy đều tất bật mang bỏ túi 2 - 3 đòn bánh tét, trả tiền và lên xe. Khi hỏi ra mới biết đây chính là bánh tét trà cuôn nổi tiếng ở Trà Vinh.
Không giống như các loại bánh tét khác, chỉ được làm vào dịp gần Tết sau đó đi giao rộng rãi trên cả nước, bánh tét Trà Cuôn được những người thợ làm bánh chế biến quanh năm. Chất lượng món ăn luôn làm hài lòng cả những thực khách khó tính nhất.
Khoanh bánh tét khi cắt ra khá đẹp mắt, lúc thưởng thức còn ngon hơn vì dẻo, mềm và thơm. Ảnh: Thảo Nghi |
Để có được đòn bánh tét ngon, dẻo, người làm phải chú trọng từng khâu tỉ mỉ. Họ chọn những tàu lá chuối tươi, khổ rộng vừa phải, đem đi phơi nắng cho hơi rám màu, lau kỹ và xếp lại gọn gàng. Khi gói bánh thì chọn nếp sáp ngon, có độ dẻo phù hợp không lẫn gạo hay nếp tạp khác, đãi sạch để ráo và trộn đều với nước cốt lá ngót. Chính loại nước cốt lá ngót này đã làm cho chiếc bánh có màu xanh và mùi thơm đặc trưng khi tháo lá ra.
Đậu xanh sử dụng trong bánh tét Trà Cuôn cũng phải là loại hạt to, tròn, đem đi nấu chín. Mỡ heo để chế biến dày, thịt mỡ được xắt thành thỏi dài vuông, tẩm ướp gia vị rồi mới đem đi gói cẩn thận. Nhiều nơi còn cho thêm trứng muối vào giữa phần nhân để thêm phần hấp dẫn.
Bánh tét khi ăn sẽ cắt ra thành từng khoanh nhỏ, nếu chưa vừa miệng có thể dùng chung với nước tương, củ kiệu, tôm khô hoặc dưa món. Bạn sẽ cảm nhận được độ mềm, dẻo và thơm của nếp. Phần nhân thịt mỡ cũng không gây ngán, ngược lại tan chảy trong miệng khiến nhiều thực khách yêu thích và muốn ăn thêm. Giá một đòn bánh tét được bán ở trà vinh là 30.000 đồng loại nhỏ, 40.000 đồng loại trung và 50.000 đồng loại lớn. Bánh mua về có thể dùng được từ 7 đến 10 ngày.
Thảo Nghi
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet