Bánh gối là một trong những món ăn quen thuộc và hấp dẫn của ẩm thực dân dã Hà thành, không thể thiếu trong những ngày trời se lạnh. Mặc dù nó có mặt cả trong các nhà hàng sang trọng, nhưng ký ức về nó gắn với thú ăn chơi nhẹ nhàng, “la cà vỉa hè” theo cách nói của dân Hà thành xưa vốn chuộng tiếng Pháp. Cũng vì vậy mà khá nhiều con phố Hà Nội nổi danh nhờ bánh gối.
Chưa rõ nguồn gốc bánh gối từ đâu. Bánh gối Việt tương tự như bánh Đỉnh Nhĩ hay bánh Quai Vạc của Trung Quốc, nên có thể nó là phiên bản Việt, có tiền thân là hai thứ bánh Trung Hoa trên, được Hoa Kiều mang vào Việt Nam từ mấy thế kỷ về trước. Từ thời thuộc Pháp đến gần đây, bánh này vẫn còn được dân Hà thành gốc gọi là bánh “Pa - tê - sô”, dù nó rất khác với bánh “Pâté chaud” theo thực đơn hiện tại ở châu Âu.
Với Hà Nội một thời bao cấp, tên gọi “bánh gối” lại vô cùng thân thuộc vì nó giống lắm cái gối trẻ em, có hình bán nguyệt, xung quanh viền một lớp vải mỏng, mềm mềm, xếp nếp xoăn xoăn điệu đà, trông rất đáng yêu. Cho đến những năm 80 thế kỷ trước, gối may kiểu này luôn xuất hiện cùng với niềm vui đón em bé sơ sinh về nhà.
Làm nhân cho bánh gối khá đơn giản. Nó bao gồm thịt lợn luộc thái nhỏ (hoặc thịt lợn xay/băm), mộc nhĩ, miến, củ cà rốt hoặc su hào thái nhỏ, cùng một số gia vị khác. Khâu cần chú ý đặc biệt là vỏ bánh và nước chấm. Bí quyết làm vỏ bánh là chọn bột chất lượng cao, gia giảm phù hợp, sao cho vỏ bánh có thể cán thật mỏng, nhưng vẫn mềm và dẻo, bao bọc được khối nhân bên trong, khi đem rán vỏ không bị rách vỡ. Bánh gối thường ăn lúc còn nóng (hẳn vì thế mà mang tên Tây là “Pâté chaud” – bánh nóng), cùng với nước chấm và rau sống.
Bánh gối luôn thấp thoáng trong tâm tưởng người Việt ở trời Âu. Khi ngắm và thưởng thức các thứ bánh xinh xinh, hình bán nguyệt ấy trên bàn ăn, một cảm giác lạ mà quen cứ vương vấn trong lòng. Vỏ chúng vẫn làm từ bột mì, nhưng công thức làm nhân khác nhau, đậm tính dân tộc: nhân mặn từ thịt trộn với nấm, nhân xúc xích, nhân phó mát trắng (pho mát từ sữa đã rút kem (white/cottage cheese), nhân ngọt làm từ mứt hoa quả.
Bánh gối Việt luôn thấp thoáng trong tâm tưởng người Việt ở trời Âu
Bánh gối Việt gần giống với món bánh pierogi ở Ba Lan (món bánh có vỏ giống bánh gối nhưng được hấp hoặc chiên và được ăn kèm với kem chua), bánh pelmeni ở Nga (một loại bánh bao mang ý nghĩa may mắn của nước này), bánh vareniki của người Ukraine (cũng là một kiểu bánh bao có hình dạng bánh gối).
Tuy có điểm tương đồng về hình dạng nhưng cách chế biến của bánh gối với những loại bánh này khác nhau. Các “đồng minh bánh gối” ở châu Âu thường được đem luộc chín hoặc hấp. Với bánh nhân mặn, sau khi luộc chín, người ta xếp chúng ra đĩa, rồi phủ một lớp hành phi thơm sẵn với bơ, đôi khi cho vào chảo rán với bơ, thêm chút hành thái nhỏ. Với bánh nhân ngọt, luộc xong bày lên đĩa phủ chút đường hoặc kem ngọt. Nhiều nơi còn áp dụng cả cách nướng các thứ bánh vỏ bằng bột mì cán mỏng này.
Dù ngoại hình có giống nhau, bánh gối Việt có hương vị rất khác, đặc biệt nữa là lại có mép bánh vặn như xoắn thừng. Mắt người phương Tây thường thích thú dõi theo tay người Việt nặn thành hình chiếc bánh gối. Không nhất thiết phải rán vì người Âu không chuộng món rán, mà có thể đem nướng bánh gối và tạo bánh thành hình tam giác, hay chữ nhật.
Mắt người phương Tây thường thích thú dõi theo tay người Việt nặn thành hình chiếc bánh gối
Bánh gối do người Việt ở nước ngoài làm cũng có tạo hình tam giác hoặc chữ nhật
Người Châu Âu không chuộng đồ rán nên món bánh Việt này thường được đem nướng
Bánh gối nướng còn có lợi thế là có thể ăn nguội mà vẫn giữ được độ giòn, nên có thể làm sẵn trước rồi đem bày lên bàn tiệc. Nếu thích ăn nóng, bạn có thể cho vào lò nướng 5 – 10 phút trước khi ăn. Bánh gối với rau sống và nước chấm Việt thường hết veo tại các bữa ăn Việt ở châu Âu.
Ngoài vai trò món khai vị, bánh gối nướng thường được hoan nghênh ở các liên hoan nhẹ, bữa ăn nhẹ vào buổi tối.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet