Tại Hồng Kông, hơn 200.000 người phải sống trong căn hộ chật hẹp ngột ngạt và những chiếc lồng. Quá chật và tối tăm, điều kiện sống ở những căn phòng này gần như không thể chịu nổi.
Phòng bếp kết hợp phòng vệ sinh và phòng giặt
Hiệp hội Tổ chức Cộng đồng SoCO đã hợp tác với nhiếp ảnh gia Benny Lam để thực hiện những bức ảnh về cuộc sống của người dân Hồng Kông tại khu phố nghèo và tạo nên một buổi triển lãm tranh sống động.
Ông Cheung, 73 tuổi trong ngôi nhà với lồng sắt.
Ông thường đùa rằng: “Tôi chưa chết nhưng cái giường của tôi thì chẳng khác gì cỗ quan tài với bốn tấm ván”.
Trong một tòa nhà cũ, một căn phòng rộng 75 mét vuông được chia thành 17 căn phòng bằng những tấm ván gỗ. Với diện tích vỏn vẹn 2 mét vuông, mỗi căn phòng giống như một chiếc hộp nhỏ nhưng giá thuê lại chạm mức 1300 Đô la Hồng Kông (khoảng gần 4 triệu VNĐ). Tại một trong những “chiếc hộp nhỏ” đó, ông Cheung đã ăn, ngủ và nghỉ ngơi trong suốt 5 năm qua. Cư dân trong những “chiếc hộp nhỏ” cùng nhau sử dụng chung 2 nhà vệ sinh và hoàn toàn không có phòng bếp. Khi được hỏi về vấn đề nhà ở xã hội và phân phối đất đai, ông Cheung tỏ ra vô cùng bức xúc.
Ông Lee Cang cùng vợ và con
Ông Lee Cang và gia đình trong căn phòng được chia. Gia đình ông Lee Cang gồm 3 người sinh sống trong một căn phòng rộng gần 10 mét vuông.
Người con trai 17 tuổi cao lớn mỗi đêm lại phải chen chúc trên chiếc giường bé xíu. Sau khi phát hiện bị bệnh ung thư, ông Lee Cang phải dựa vào phúc lợi xã hội mới đủ sống. Trong khi đó, vợ ông với “giấy phép xuất cảnh hai chiều” không thể làm việc ở đây ngoại trừ thu nhặt phế liệu để kiếm tiền.
Theo Báo cáo nghiên cứu của SoCO, 51,9% người được phỏng vấn nhận được phúc lợi xã hội trong khi 46,9% phải tự lo.
Ông Wong, 64 tuổi
Ông Wong trong căn phòng ngăn vách.
Ông Wong đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn phải làm việc ngày đêm để trả tiền thuê căn nhà bé nhỏ của mình. Tại Hồng Kông, cứ 3 người thì có 1 người phải sống dưới mức nghèo tương đương 290.000 công dân đã già nhưng không nhận được hỗ trợ.
Gia đình 4 người nhà Leung
Gia đình Leung sống trong căn phòng được ngăn bằng vách
Căn phòng vỏn vẹn gần 4 mét vuông và chiếc giường tầng đã chiếm hết không gian. “Căn hộ” này quá nhỏ đối với một gia đình bốn người khi không có cả nơi để nấu ăn và con cái thì phải nằm bò ra giường để học mà không có đèn và bàn. Những đứa trẻ chỉ có một ước mơ rằng một ngày nào đó, chúng sẽ có một căn phòng của riêng mình hoặc đơn giản là một góc học tập nho nhỏ.
Hai chị em gái ngồi học trên giường.
Căn phòng hẹp đến nỗi chỉ đủ kê một chiếc giường tầng và một cái móc treo quần áo, hai chị em phải ngồi học trên giường. Cô em ngồi cuối giường trong khi cô chị ngồi ở đầu giường để học. Không có chỗ để kê bàn học và cũng không có cửa sổ, căn phòng chỉ có một chiếc quạt nhỏ để phục vụ các em khi học bài. Có những khi chưa hoàn thành xong bài tập thì các em đã đầm đìa mồ hôi vì nóng. Thú vui duy nhất của các em là trèo lên trèo xuống trên chiếc giường tầng.
Một người đàn ông ngủ dưới gầm cầu thang.
Ngay cả khi phòng ngủ ở tận dưới gầm cầu thang thoát hiểm, không có phòng riêng, giường là chiếc đệm kê sát vào đất thì người đàn ông sống ở đây vẫn phải trả tiền thuê “nhà”.
“Hoàng tử gác mái”
Ngoài gầm cầu thang, mái nhà của tòa chung cư – nơi thường để trồng cây – cũng được sử dụng để “cho thuê”. Tầng áp mái được chia làm hai tầng nhỏ, tầng dưới là nhà bếp và phòng vệ sinh còn tầng trên để sinh hoạt. Không khí vô cùng oi bức khi khí nóng bốc từ dưới lên và ánh nắng mặt trời thiêu đốt từ trên xuống – người ở trọ đã tự ví mình là con cá hấp khi mô tả điều này. Ngoài ra, vào mỗi sáng anh “thức dậy không cần đồng hồ báo thức vì ánh nắng mặt trời quá nóng”, không còn lựa chọn nào khác là phải đi xuống tầng dưới.
Những người già sống trong những chiếc “chuồng cũi”
Người dân ở đây thức dậy với thực tế tàn nhẫn rằng họ sẽ không bao giờ có thể chạm tới sự lung linh, hào nhoáng của Hồng Kông. Mức lương của họ ngày càng ít ỏi so với sự leo thang của giá nhà đất và chi phí sinh hoạt. Có những người già đã phải chết trong nhưng chiếc “chuồng cũi” của họ. Những người còn trẻ thì sống đơn độc và không có lối thoát ra khỏi cuộc sống, họ chỉ biết chờ đợi cái chết trong những chiếc “lồng”.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet