Tử vong vì bị bạch tuộc đốm xanh cắn
Vào tầm 2 giờ sáng ngày 7/7, chị Văn Thị T. cùng chồng là anh Hoàng Xuân (trú thôn Hà Giang, xã Vinh Hà, huyện Phú Vang) ra kéo lưới ở khu vực biển Hòn Chảo thuộc huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên - Huế) giáp ranh với vùng biển Đà Nẵng. Đến khoảng 3h sáng, khi vợ chồng anh Xuân đứng trên thuyền đang kéo lừ thì chị T. bất ngờ bị con bạch tuộc bò lên cắn vào chân, rồi ngất đi.
Ngay khi đó, anh Xuân đã chạy thuyền vào bờ và thuê xe đưa vợ vào Bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng, tuy nhiên khi vừa tới đến bệnh viện thì bác sĩ bảo chị T. đã tử vong do bị trúng độc bạch tuộc cắn.
Trước đây, vào ngày 20-6-2004, tại tỉnh Bình Thuận cũng đã có hơn 80 người dân bị ngộ độc do ăn phải bạch tuộc đốm xanh, trong đó có 02 người thiệt mạng.
Một cán bộ của Viện Hải dương học cho biết, trước đây tại các tỉnh Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, ngư dân bắt được nhiều bạch tuộc đốm xanh nhưng lại đem ra chợ bán với giá rẻ. Có người ăn phải đã bị ngộ độc với triệu chứng: tê môi miệng, buồn nôn, chóng mặt, chảy nước dãi, tay chân tê liệt.
Bạch tuộc đốm xanh độc như thế nào?
Bạch tuộc đốm xanh có tên khoa học là Hapalochlaena, gọi chung là bạch tuộc hay mực tuộc. Chúng phân bố ở vùng biển tây Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và sống trong các rạn đá, vùng nước nông, có thủy triều. Màu sắc của bạch tuộc có thể thay đổi theo điều kiện môi trường, độ sâu của nước, độ chiếu sáng của mặt trời, từ xanh lục đến nâu đỏ; màu sắc xuất hiện sặc sỡ khi chúng bị kích động hay chuẩn bị tấn công.
Kích thước của chúng có thể nhỏ hoặc lớn, chiều dài 6-20cm, có tám vòi. Chúng vừa là loài ăn thịt vừa làm mồi cho một số động vật khác. Chính vì thế chất độc (tetrodotoxin) của chúng vừa có tác dụng tự vệ, vừa để tấn công con mồi. Tetrodotoxin có chủ yếu trong tuyến nước bọt của bạch tuộc, ngoài ra còn có trên các phần mềm khác của thân bạch tuộc. Tetrodotoxin là một độc tố thần kinh có độc tính rất cao. Độc tố của một con bạch tuộc 25g có thể giết chết 10 người nặng 75kg.
Theo các nhà khoa học, vòi bạch tuộc đốm xanh có nhiều chất độc cực mạnh, nhất là ở tuyến nước bọt. Nọc độc của nó gấp 50 lần rắn hổ mang. Nếu ngư dân bị loài này cắn có thể chết ngay, ăn phải thịt nó cũng bị ngộ độc. Một con nhỏ, khoảng 25 gr, có đủ độc tố làm 10 người ăn phải bị ngộ độc.
Bạch tuộc đốm xanh rất dễ nhận dạng, dài 6-20 cm, có 8 tay vòi, hình đốm tròn, thân màu xanh. |
Khi bị kích động hoặc chuẩn bị tấn công, màu sắc của các con mực bạch tuộc này trở nên sặc sỡ. Đó chính là lúc chúng tiết chất độc từ tuyến nước bọt. Chất độc này rất nguy hiểm đối với hệ thần kinh, nhất là ở trẻ em và người già.
Biểu hiện của ngộ độc bạch tuộc đốm xanh
Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Mai - Nguyên Viện phó Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM thì nạn nhân bị ngộ độc có thể qua đường ăn uống và đường da (do bạch tuộc cắn). Thời kỳ nung bệnh qua đường ăn uống có thể từ 30 phút đến 3 giờ sau khi ăn. Qua đường da, sau 1-5 phút có thể xuất hiện triệu chứng nhiễm độc và có thể tử vong trong vòng 10-20 phút.
Khi bị ngộ độc, nạn nhân có triệu chứng tương tự như ngộ độc cá nóc: lúc đầu là cảm giác khó chịu, mặt đỏ và xị ra, đồng tử co rồi giãn ra, có thể buồn nôn, nôn, tiêu chảy, tay chân mỏi rũ, có khi rét run, đầu ngón tay ngón chân tê dại. Trường hợp nhiễm độc nặng xuất hiện liệt toàn thân, người mềm ra, chân tay mất khả năng vận động, da tím tái, nhiệt độ và huyết áp giảm, khó thở, sau cùng là liệt cơ hô hấp, ngừng thở, trụy tim mạch và chết.
Cách phòng ngộ độc tốt nhất là không nên sử dụng bạch tuộc đốm xanh làm thực phẩm.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet