Nội dung
Hủ tiếu bột lọc, hủ tiếu cá, hủ tiếu sườn, hủ tiếu hồ... là những biến tấu khác nhau của hủ tiếu mê hoặc thực khách.

Hủ tiếu cá
8 món hủ tiếu hấp dẫn của sài gòn

Hủ tiếu cá hấp dẫn thực khách với những cọng bánh to gần gấp đôi cọng bánh phở và những lát cá lóc trắng phau tươi ngon. Đi kèm hai thành phần trên là loại nước lèo có màu mờ mờ đục đục như làn sương nhưng tươi ngọt do được hầm hoàn toàn bằng xương heo và cá tươi.

Hủ tiếu cá ở Sài Gòn thường được bán trong các tiệm mì Tàu. Tuy nhiên nổi tiếng và được biết đến nhiều nhất là hủ tiếu cá Nam Lợi trên đường Tôn Thất Đạm. Đây là quán có thâm niên lâu nhất (60 năm), mắc nhất Sài Gòn (70.000 đồng) và phong cách phục vụ bị phàn nàn nhiều nhất. Nếu không thích quán "sang, chảnh" này, bạn có thể thưởng thức hủ tiếu cá tại quán 134 Ký Con, khẩu phần nhiều hơn, giá rẻ hơn (45.000 đồng).

Hủ tiếu hồ
8 món hủ tiếu hấp dẫn của sài gòn

Gọi là "hủ tiếu hồ" nhưng “cọng” hủ tiếu mà ta thấy thực chất là những miếng bột mỏng gần giống bánh ướt nhưng dày hơn và có hình vuông (cỡ 40 x 40mm). Riêng chữ "hồ", có ý kiến cho rằng trong nguyên bản của người Tiều phần nước lèo có pha thêm một chút bột năng để có được độ sệt. Cũng có người cho rằng chữ "hồ" này để gợi nhớ về cộng đồng người Tiều tập trung ở tỉnh Hồ Nam (phía Nam Trung Quốc).

Không như các món mì, hủ tiếu khác, hủ tiếu hồ chỉ dùng chung với lòng heo khìa cùng cải chua. Cách ăn này hình thành từ thói quen dùng cải chua để hãm béo của người Tiều.

Hủ tiếu bột lọc
8 món hủ tiếu hấp dẫn của sài gòn

Hủ tiếu bột lọc không chỉ lạ với cọng hủ tiếu được làm bằng bột lọc, vuông vức, to vừa phải, dai mà vẫn mềm mà ở những lát cật heo xắt to bản thơm, giòn sần sật đã được xử lý hết mùi hôi đặc trưng.
Điểm cộng của món ăn này là vị dai dai của cọng hủ tiếu to, vuông vức. Song nó cũng là một hạn chế trong khâu chế biến, bởi nếu không canh đúng thời gian ngâm, cọng hủ tiếu dễ bị mủn, gãy, mất ngon.

Hủ tiếu sa tế
8 món hủ tiếu hấp dẫn của sài gòn

Là một đặc sản của người Tiều và chỉ được lưu truyền trong cộng đồng này nên hủ tiếu sa tế khó tìm thấy hơn các món hủ tiếu khác.

Hủ tiếu sa tế quyến rũ thực khách với nồi nước dùng kết hợp trên 20 loại gia vị khác nhau như tỏi, hành tím, gừng, sả, đại hồi, tiểu hồi, quế, ớt khô, ớt bột, đậu phộng, mè rang… Sự tổng hòa của các loại gia vị này tạo nên món nước dùng thanh dịu mà không kém phần nồng nàn, mang đủ vị cay, chua, béo, mặn, ngọt độc đáo.

Hủ tiếu sa tế nai là ngon nhất song thỉnh thoảng chúng ta vẫn bắt gặp món ăn này đi cùng lòng heo hay thịt bò.

Hủ tiếu sườn non
8 món hủ tiếu hấp dẫn của sài gòn

Bên cạnh những thành phần quen thuộc của món hủ tiếu là lòng heo, gan, thịt bằm, tôm... thì điểm nhấn ấn tượng của món ngon này là dẻ sườn non to vừa được ninh khá mềm nhưng không bị bở, hòa chung với phần nước lèo đậm đà. Ngoài miếng sườn non ấn tượng, vị ngọt của nước dùng hoàn toàn được nấu bằng sườn nón chứ không thêm gia vị cũng thu hút không kém.

Hủ tiếu bò viên
8 món hủ tiếu hấp dẫn của sài gòn

Cách ăn hủ tiếu với bò viên khá phổ biến ở Sài Gòn. Đa phần ăn bò viên cùng cọng hủ tiếu mềm và mì sẽ ngon hơn là cách ăn với cọng hủ tiếu dai. Có nhiều tiệm người Hoa quen gọi món này là "phở" do cách ăn rất gần với phở bò viên của người Việt.

Hủ tiếu Nam Vang
8 món hủ tiếu hấp dẫn của sài gòn

Hủ tiếu Nam Vang có nguồn gốc từ Campuchia nhưng do người Hoa chế biến. Nguyên liệu chính là hủ tiếu và nước dùng là thịt bằm nhỏ nấu cùng lòng heo. Nhờ cách chế biến này nên nước dùng có vị ngọt khá đặc biệt.

Nếu như tô hủ tiếu nguyên bản ở Pnompenh chỉ bao gồm thịt heo bằm và xắt miếng, ăn chung với xà lách và giá sống thì khi du nhập Sài Gòn, món ăn này đã "bổ sung" thêm gan, tim, bao tử, phèo, tôm và trứng cút.

Hủ tiếu Mỹ Tho
8 món hủ tiếu hấp dẫn của sài gòn

Hù tiếu Mỹ Tho là một biến thể của hủ tiếu Nam Vang. Có hai cách thưởng thức hủ tiếu Mỹ Tho là khô và nước. Mỗi cách đều có điểm cộng khác nhau. Nhưng với thực khách sành ăn, hủ tiếu khô với điểm nhấn nước sốt chua ngọt ẩn dưới lớp thịt bằm, sườn non, xá xíu, con tôm luộc kia khá đặc biệt. Nhất là khi vị chua ngọt này hòa với vị mặn của lớp tôm khô cháy tỏi phía trên, vị ngon càng khó cưỡng. Nêm thêm một chút chanh, ngắt thêm vài cọng giá sống, rau cần, hòa lẫn với bánh hủ tiếu mới thấy hết cái ngon của tô hủ tiếu trứ danh.

Quán hủ tiếu Mỹ Tho ngon nhất Sài Gòn có lẽ là hủ tiếu Cả Cần góc Nguyễn Phi Phương – Hùng Vương. Song có một điều đáng lưu ý là quán chia theo ca với 2 chủ khác nhau. Ca buổi chiều được đánh giá nấu món này ngon hơn. Đó cũng là lý do khách đến quán từ trưa đến tối đông hơn buổi sáng.


ST: Raceteam​

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Từ khóa
Cùng chuyên mục

Phở cuốn làng Ngũ Xã

Cũng thịt bò, bánh phở, rau thơm... nhưng không phải thái sợi bánh nhỏ ra chan với nước dùng mà để miếng vuông cuốn lại như nem. Người từ nơi xa đến biết tiếng phở cuốn thế nào cũng phải ghé qua nếm thử.

Xem thêm  

Quán cuối tuần: Chả cá Hà Nội

Quán khá ấn tượng với bảng hiệu làm từ tấm gỗ hình một con cá. Nội thất được trang trí với những bức tranh sơn dầu phố phường Hà Nội. Thực khách đến đây còn được nghe văng vẳng giai điệu ả đào.

Xem thêm  

Trám - đặc sản dân dã

Trám có vào mùa cuối tháng 7 đầu tháng 8. Trám có thể nhồi thịt, kho cá hoặc đem om cũng vẫn giữ vị bùi, béo. Bát cơm gạo mới trắng tinh có mấy miếng trám đen kho cá là cả một bữa tiệc đồng quê.

Xem thêm  

Tứ xứ bánh canh

Bánh canh được làm chủ yếu từ bột gạo, một số nơi ở miền nam có thêm bánh canh làm bằng bột lọc. Tại Huế có hai loại là bánh canh Nam Phổ và bánh canh cá tràu, tức cá lóc. Cách làm sợi bánh cũng như nước dùng của hai loại này khác nhau nhiều.

Xem thêm