Bạn có biết rằng những vi khuẩn ẩn nấp trong phòng tắm có thể là mầm mống gây ra những căn bệnh vô cùng nguy hiểm?
Theo nghiên cứu gần đây của giáo sư Charles Gerba đến từ đại học Arizona, phòng tắm là nơi tập trung nhiều vi khuẩn nhất trong không gian nhà bạn. Điều này có tác động không tốt để môi trường sống, không khí cũng như sức khỏe của các thành viên trong gia đình.
Vậy làm thế nào để phòng tắm luôn sạch sẽ, thoáng mát và không còn vi khuẩn. 7 mẹo hữu ích nhưng siêu đơn giản sau đây sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề này.
1. Vệ sinh vòi hoa sen
Bên cạnh vấn đề cặn bã xà phòng, vòi hoa sen còn là nơi ẩn náu của vi khuẩn Mycobacterium Avium - một tác nhân gây ra các bệnh liên quan đến phổi. Giáo sư Gerba cho biết, sử dụng một vòi hoa sen mà không được vệ sinh lâu ngày có thể làm hàng triệu vi khuẩn thâm nhập vào phổi của chúng ta.
Vậy bạn nên làm gì với vòi hoa sen?
Hãy bắt đầu với phần trên cùng. Bạn đổ một chút giấm trắng vào trong chiếc túi ni-lông (lượng giấm trắng đủ để làm ngập hoàn toàn phần trên cùng của vòi hoa sen). Sau đó, buộc chặt chiếc túi và ngâm qua đêm. Sáng hôm sau, lấy vòi sen ra khỏi túi ni-lông và rửa sạch với nước.
Tiếp theo, hãy cho những tấm vải lót và những chiếc màng chắn của vòi hoa sen vào trong máy giặt để loại bỏ cặn xà phòng và nấm mốc rồi phơi khô chúng. Đối với những lỗ nhỏ trên vòi hoa sen, hãy nhỏ một vài giọt giấm trắng. Chú ý là nên nhỏ trực tiếp lên từng lỗ nhỏ một. Sau một giờ, đem ra chà xát bằng một miếng vải sợi nhỏ. Rồi lại tiếp tục rửa sạch và lau khô bằng một miếng vải sợi khác.
Thân vòi sen thường gặp ít vấn đề về vi khuẩn hơn, do vậy vệ sinh một lần một tuần là đủ. Tuy nhiên để giúp thân vòi luôn sáng bóng, hãy ngâm nó vào nước nóng và để ráo.
2. Vệ sinh các khe tường trong phòng tắm
Bạn có biết rằng, các khe tường là nơi lý tưởng cho sự phát triển của vi khuẩn. Cách tốt nhất để giữ vệ sinh khu vực này là cứ 6 tháng, bạn nên vít kín lại những khe tường này để ngăn ngừa ẩm mốc và bụi bẩn. Còn với việc vệ sinh hàng ngày, hàng tuần, thì bạn nên làm gì?
Cực kỳ đơn giản mà hiệu quả, hãy dùng bàn chải có nhúng thuốc tẩy và chà bất kì khu vực nào bị đổi màu, sau đó rửa sạch. Hãy đảm bảo rằng phòng tắm của bạn luôn luôn được thông thoáng.
3. Vệ sinh gạch, tường, trần
Gạch lát, tường, trần là nơi còn sót lại của xà phòng, bụi bẩn và các tế bào da sau khi bạn sử dụng phòng tắm. Vô hình chung, nó tạo ra một không gian thuận lợi cho vi khuẩn hoạt động và phát triển. Vì vậy, bạn cần phải thường xuyên vệ sinh những khu vực này.
Cách vệ sinh những khu vực này cũng vô cùng đơn giản. Đầu tiên, phun lên gạch, tường và trần nhà một lượng dung dịch tẩy rửa vừa đủ. Sau đó, bật vòi hoa sen và để ở chế độ nước nóng cho đến khi hình thành đám hơi nước. Tắt vòi sen và đóng chặt cửa phòng tắm để cho hơi nước và dung dich tẩy rửa hòa trộn vào nhau trong vòng 20 phút.
Tiếp theo, lau sạch tất cả các bề mặt bằng một miếng vải sạch. Với những khu vực trên cao, bạn có thể sự dụng một cây lau sàn khô và sạch để việc lau chùi trở nên dễ dàng hơn.
Để giảm thiểu vết xước trên bề mặt sứ, hãy sử dụng sáp chuyên dùng cho bề mặt xe ô tô và sơn một lớp mỏng lên tường và trần nhà mỗi năm 1 lần. Như vậy, nước sẽ đọng thành hạt và dễ dàng vệ sinh hơn. Tốt hơn hết, hãy sử dụng sơn chống nấm mốc ngay từ đầu cho các bức tường và trần nhà tắm.
4. Bồn cầu
Bạn có chắc rằng bồn cầu của bạn đã sạch sẽ, không còn sót vi khuẩn sau mỗi lần bạn xả nước? Giáo sư Gerba khẳng định rằng, hàng nghìn, hàng triệu con vi khuẩn sẽ bám lại trong bồn cầu ngay cả sau khi bạn đã xả nước. Những vi khuẩn còn sót lại như E.coli và Salmonella thậm chí có thể bay vào không khí, bám trên ghế và các bề mặt khác bất cứ lúc nào.
Bạn nên giữ vệ sinh bồn cầu bằng cách nào?
Hãy bắt đầu bằng cách đổ một chút dung dich Natri Cacbonat vào trong bồn cầu, cọ và chà mạnh trong vòng vài phút. Nếu bạn vẫn thấy những đốm nhỏ, hãy dùng một hòn đá ẩm cọ lên trên bề mặt để loại bỏ các vết bẩn. Tuy nhiên, bạn nên cọ một cách nhẹ nhàng để không làm hỏng bề mặt bồn cầu và nhớ làm sạch bàn chải sau khi sử dụng. Bạn nên chắc chắn rằng bàn chải bạn dùng có thể dễ dàng cọ được khu vực giữa thành ngồi và bên trong bồn cầu. Như vậy, toàn bộ bồn cầu mới được vệ sinh một cách sạch sẽ nhất có thể.
Tiếp theo, để vệ sinh bàn chải, bạn hãy đổ một chút thuốc tẩy lên trên bề mặt bàn chải, đợi trong vài phút rồi rửa sạch với nước. Đừng quên cọ rửa hộp đựng bàn chải với nước xà phòng ấm và để dựng lên. Trong trường hợp các vật dụng tích tụ quá nhiều bụi bẩn khó loại bỏ, bạn có thể đầu tư một chiếc máy hút bụi áp lực nhỏ. Chiếc máy này cho phép bạn đánh bật các vết bẩn ở những khu vực khó tiếp cận nhất.
Ngoài ra, để giảm thiểu tối đa sự hoạt động của các vi khuẩn trên bồn cầu, bạn phải luôn đóng nắp sau khi sử dụng bồn cầu và sử dụng quạt thông gió.
5. Bồn rửa
Bạn sẽ phải rùng mình vì bồn rửa là nơi tích tụ một số lượng vi khuẩn khổng lồ. Các cống chìm là nơi tập trung nhiều vi khuẩn nhất, thậm chí còn nhiều hơn cả bệ ngồi của bồn cầu. Giáo sư Gerba đã phát hiện ra, số lượng vi khuẩn bám lại ở miệng cống tương đương với số lượng vi khuẩn bám trên một cái thớt thái thịt sống.
Còn chỗ vòi nước thì sao? Đó là khu vực bạn chạm tay vào sau khi sử dụng nhà vệ sinh, vì vậy thật dễ hiểu khi đây là nơi tập trung một lượng lớn vi khuẩn.
Bạn nên làm gì để vệ sinh bồn rửa?
Hãy đổ giấm trắng hoặc dung dịch Natri Cacbonat xuống chỗ thoát nước của bồn rửa và rửa lại bằng nước nóng. Đối với vòi nước, nên sử dụng khăn lau khử trùng dùng một lần để giảm thiểu vi khuẩn một cách tối đa. (Vì nếu bạn sử dụng khăn lau nhiều lần cho nhiều khu vực khác nhau trong nhà, vi khuẩn có thể di chuyển từ điểm này sang điểm khác. Thậm chí giáo sư Gerba đã tìm thấy vi khuẩn bồn cầu trong bồn rửa của nhà bếp). Vì vậy hãy cẩn thẩn ngay trong cả việc vệ sinh khăn lau.
6. Khăn lau
Khăn tay là vật dụng mà có nhiều người sử dụng. Hơn nữa, đó là đồ dùng khá ẩm ướt nên dễ dàng tạo cơ hội cho vi khuẩn hoạt động và phát triển.
Bạn phải làm gì để giữ vệ sinh khăn lau?
Sử dụng các chất khử trùng mỗi khi giặt khăn lau. Nhớ thay khăn lau thường xuyên sau 3 - 4 ngày sử dụng.
Cách tốt nhất để giữ vệ sinh khăn lau là trải những chiếc khăn ướt lên một thanh dài và ở nơi thoáng gió. Đừng treo chúng lên móc, bởi vì như vậy sẽ hình thành những nếp gấp và vi khuẩn có thể dễ dàng ẩn náu ở đó.
Đừng quên làm sạch thanh treo khăn vì nó cũng là nơi vi khuẩn còn bám trụ lại. Bạn cũng nên chú ý tránh treo khăn gần nhà vệ sinh.
7. Quạt thông gió
Quạt thông gió là thiết bị giúp phòng tắm giảm nấm mốc và đỡ ẩm ướt. Cánh quạt có chức năng hút các hạt bụi bẩn trong không khí và thải ra ngoài. Vì vậy, những hạt bụi bẩn này rất có thể sẽ bám trụ và sót lại trên các cánh quạt và lỗ thông hơi
Bạn nên vệ sinh quạt thông gió như thế nào?
Đầu tiên hãy ngắt mạch điện. Sau đó tháo vỏ, ngâm với nước ấm và xà phòng. Sử dụng thiết bị vòi hút chân không để hút mọi chất bẩn ra khỏi cánh quạt, rồi lau sạch bằng vải ẩm. Tiếp theo, bạn hãy loại bỏ bụi bẩn từ động cơ và các khu vực xung quanh, cọ sạch và hút các mảnh vỡ ra bên ngoài.
Cách tốt nhất để giữ vệ sinh quạt thông gió là lắp đặt trên cánh quạt bộ đếm thời gian để quạt có thể tự khởi động mỗi khi bạn sử dụng phòng tắm.
Phòng tắm là nơi sinh hoạt thường xuyên của gia đình vì thế nó luôn cần phải được sạch sẽ và đảm bảo vệ sinh. Hi vọng 7 mẹo nhỏ trong bài viết sẽ giúp ích cho bạn trong việc vệ sinh phòng tắm và mang đến cho bạn một không gian trong lành hơn.
Xem thêm Mẹo gia đình hay:
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet