Tuy sử dụng máy rửa bát có thể tiết kiệm thời gian nhưng rửa bát bằng tay truyền thống cũng vẫn có những ưu điểm riêng của mình. Theo các nhà nghiên cứu Thụy Điển, khi gia đình rửa bát bằng tay hàng ngày, trẻ sẽ giảm nguy cơ mắc các bệnh dị ứng. Tiến sĩ Bill Hesselmar, chuyên gia dị ứng thuộc Khoa Nhi, Đại học Gothenburg cho biết: "Nguy cơ trẻ mắc các bệnh về dị ứng ở các gia đình rửa bát bằng tay thấp hơn 40% so với rửa bát bằng máy".
Điều này được lí giải vì rửa bát bằng tay chỉ làm sạch các vết bẩn bên ngoài mà khó diệt được sạch các vi khuẩn mắt thường không nhìn thấy. Tuy nhiên đây lại là một điều tốt khi hàng ngày cơ thể của bé sẽ kích thích hệ miễn dịch, sản sinh ra các cơ chế chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn.
Tại Việt Nam, các gia đình hiện vẫn ưa chuộng rửa bát bằng tay dù máy rửa bát cũng được bày bán trong siêu thị từ khá lâu. Lí do được đưa ra hầu hết do lo sợ máy rửa bát không sạch khi trong món ăn hàng ngày của người Việt Nam sử dụng quá nhiều gia vị có mùi nặng và dầu mỡ. Mặc dù vậy, hiện nay các bà nội trợ cũng đang mắc các sai lầm chết người trong công việc tưởng chừng như đơn giản này.
Các sai lầm thường gặp khi rửa bát
1. Cho trực tiếp nước rửa chén lên bát đĩa.
Một quan niệm phổ biến là dung dịch rửa chén càng đậm đặc thì hiệu quả sẽ càng cao hơn. Do đó, rất nhiều chị em thường xuyên cho trực tiếp nước xà phòng lên bát đĩa. Cách làm này khiến cho lượng hóa chất bám lại trên bề mặt chén đĩa (dù đã rửa sạch và không còn sờ thấy nhờn rít). Lần sau, khi sử dụng chính cái bát đó để đựng đồ ăn, hóa chất sẽ ngấm vào thực phẩm và ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình một cách dần dần và từ từ.
Hãy là một bà nội trợ thông thái - hòa nước rửa chén vào nước, đánh cho tung bọt rồi mới sử dụng.
2. Tráng bát đĩa không sạch
Quét nhà, lau nhà, giặt quần áo, tắm cho con, dạy bé học,...- một núi việc mà còn phải nấu cơm, rửa bát hai lần một ngày khiến nhiều chị em rút ngắn công đoạn. Rất nhiều gia đình tráng luôn bát đĩa dưới vòi nước cho đến khi không thấy bọt xà phòng hay sờ hết nhờn rít là ổn.
Trên thực tế, hóa chất lúc này vẫn còn bám trên bề mặt bát đĩa nếu chỉ xối qua loa và xoa xoa bằng tay. Để làm sạch hẳn, bạn cần tráng ít nhất hai lần nước - lần một vẫn dùng giẻ rửa bát, lần hai bằng tay.
3. Ngâm bát đĩa lâu trong nước xà phòng
Nhiều bà nội trợ khi thấy xoong, nồi bị bám két do thức ăn cháy liền ngay lập tức ngâm trong dung dịch nước rửa bát pha loãng. Sau một đêm tỉnh dậy, thức ăn đã bở ra dễ dàng được rửa sạch. Việc này khiến hóa chất càng ngấm sâu vào trong bề mặt xoong nồi.
Đặc biệt, bạn không bao giờ được ngâm bát, đũa, nồi,...bằng tre hoặc gỗ vì một khi đã ngấm hóa chất thì không thể nào rửa sạch hết được. Hóa chất sẽ ngấm sâu vào tận thớ gỗ vào bám vào thức ăn khi chế biến.
4. Lấy quá nhiều nước rửa bát
Các bà nội trợ hay có tâm lí càng nhiều dung dịch tẩy rửa càng sạch, càng nhiều bọt càng sạch. Tuy nhiên, việc lạm dụng nước rửa bát khiến cho việc rửa sạch hóa chất càng tốn nhiều thời gian và công sức hơn.
5. Không đeo găng tay khi rửa bát
Có rất nhiều chị em lười đeo găng vì lí do cảm giác khó khăn trong khi thao tác khiến bát đĩa rửa không sạch. Đây chỉ là lí do ngụy biện khi bạn chỉ cần mua đúng loại găng tay có kích cỡ phù hợp với mình là có thể dễ dàng sử dụng.
Các hóa chất độc hại có trong nước rửa bát sẽ trực tiếp làm hỏng da tay của bạn. Khi đó, đôi tay sẽ trở nên nhăn nheo, thô ráp, thậm chí bị nứt nẻ. Nguy hại hơn nữa, các hóa chất có thể thẩm thấu dễ dàng qua da, xâm nhập vào cơ thể.
Bí quyết giúp rửa bát sạch mà an toàn
1. Sử dụng nước nóng
- Tẩy vết cháy xoong nồi: Khi xoong nồi cháy sẽ rất khó để rửa sạch bình thường. Lúc này, bạn cần ngâm ngay vào một chậu nước nóng, để nguội một lát rồi dùng bọt biển chà nhẹ nhàng. Trong khi vừa kì cọ, bạn đổ thêm một ít nước ấm để làm mềm thức ăn cháy bám két ở đáy xoong nồi. Sau khi sạch sẽ, rửa lại thật sạch một lần nữa với nước rửa bát.
- Tẩy đồ nhựa: Hộp nhựa đựng thức ăn thường bị bám mùi rất khó chịu dù đã dùng nước rửa bát? Không sao! Hãy ngâm vào nước muối nóng một lúc trước khi rửa lại bằng nước rửa bát. Mẹo nhỏ này vừa giúp sạch dầu mỡ mà còn bay hết các mùi thức ăn ám.
- Các vật dụng bằng tre, gỗ như đũa, thìa, thớt...rất dễ bị ẩm, mốc. Để tẩy rửa đồ tre gỗ, hãy ngâm đồ gia dụng nhà bếp trong nước nóng để khử trùng. Làm như vậy khoảng hai, ba lần các vết mốc sẽ không còn.
2. Sử dụng chanh/giấm
- Những khe, kẽ trên thớt rất khó để làm sạch và đây sẽ là nơi trú ẩn hoàn hảo của vi khuẩn. Chà xát chanh lên bề mặt thớt trong khoảng 5-10 phút. Axit của chanh sẽ thấm vào trong thớ gỗ, làm bong vết bẩn, diệt vi khuẩn.
- Xoong nồi bằng inox, đồng, thiếc sẽ được đánh bóng và trở nên sáng loáng chỉ cần nửa quả chanh. Chanh có tính axit cao, dễ dàng làm mờ hay làm bong các lớp đen dưới nồi. Thêm vào đó, trước khi chà các loại xoong, nồi, nhúng miếng chanh vào muối. Chúng sẽ loại bỏ những chất bẩn không nhìn thấy rõ ở đáy nồi và làm sáng bề mặt.
- Chị em có thể tự chế nước rửa bát bằng nửa lát chanh và một chút baking soda. Dung dịch nước rửa bát tự chế sẽ đánh tan mỡ, sáng bóng và không hại da tay.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet