Ảnh minh họa.
Thắp hương nên thắp mấy nén?
Theo quan niệm của Phật giáo, hương là một trong sáu lễ vật dâng cúng cần thiết, gồm: hương, hoa, đăng (đèn, nến), trà, quả, thực. Có một số ý kiến khác nhau về số nén hương cần dâng, nhưng tựu chung người ta thường dâng theo số lẻ 1, 3, 5, 7, 9, bởi số lẻ là cơ số, là số động, biểu trưng cho sự phát triển. Việc thắp bao nhiêu nén hương tùy lễ và mang ý nghĩa khác nhau (lưu ý, số nén hương ở đây là nói đến số lượng cắm trên mỗi bát hương).
- Thắp 1 nén chỉ có phần Nhân ở đó, nhằm duy trì bàn thờ hàng ngày.
- Thắp 3 nén là nghi thức phổ biến nhất, tượng trưng cho tam tài: Thiên - Địa - Nhân (trời, đất và con người). Thông thường lễ gia tiên, giỗ, Tết không làm lễ lớn thì thắp 3 nén.
- Thắp 5 nén là ngũ hành tương sinh, hay dùng khi làm lễ lớn bố cáo thiên hạ như khai trương công trình, động thổ, lễ lớn của tổ tiên, của Quốc gia hay trong các đàn cầu cúng tiền tài…
- Thắp 7 nén là dâng hàng Thánh mẫu.
- Thắp 9 nén là dâng tới hàng Phật...
Tùy đàn lễ lớn nhỏ mà thỉnh mời, dâng hương, nhưng với những lễ lớn, chuyện Tam bảo, Tam thế… chỉ làm ở chùa chiền hoặc do các thầy cúng làm lễ, trong gia đình không nên làm. Ngày Tết thắp hương nhiều, khi cúng thắp 3 nén cho mỗi bát hương, nếu muốn duy trì bàn thờ thì chỉ thắp 1 nén là đủ. Người ta có thể sử dụng hương vòng để duy trì sự cháy liên tục của hương trên bàn thờ trong những ngày tết hoặc ngày lễ giỗ.
Tư thế thắp hương
Trước khi thắp hương nên sắp xếp ổn thỏa những vật phẩm cúng dường như hoa, quả tươi, nước sạch… Khi thắp hương chú ý phong thái của bản thân phải đoan chính, nghiêm trang, không vội vàng, hấp tấp. Khoảng cách giữa chỗ đứng với bát hương vừa phải, không quá xa hoặc quá gần.
Khi lấy hương phải thận trọng, nhẹ nhàng, không nên để hương bị rơi vãi hoặc đổ xuống đất. Khi cắm hương, cố gắng dùng hai tay cắm đẻ biểu thị sự kính cẩn. Nếu vị trí bát hương không thuận cho việc cắm bằng hai tay thì ta cắm bằng tay phải. Hương cắm cần ngay thẳng, tránh nghiêng lệch làm mất sự nghiêm trang, đồng thời làm cho cây hương dễ đổ hoặc đốm lửa giữa các nén hương cháy không đều, dễ bị tắt.
Xử lý hương tắt khi đang cúng
Hương tắt trong khi cúng ngoài lý do hương kém chất lượng, thắp hương tại nơi có nhiều gió hoặc còn có thể do những nguyên nhân khác gây nên. Theo quan niệm dân gian, khi cầu cúng nếu hương tắt ở phần trên là ở Thiên, liên quan đến nóc nhà, bàn thờ... Hương tắt ở đoạn giữa là Nhân, liên quan đến thành viên gia đình. Hương tắt đoạn cuối là Địa, liên quan đến mồ mả, đất cát... Thắp nén tâm hương đêm giao thừa mà bị tắt thì năm đó làm ăn thất bát hoặc gia cảnh gặp điều xui. Nếu đang cúng lễ mà hương tắt thì cứ để thế châm lửa lại, đừng nhổ ra đốt rồi cắm lại sẽ trở thành hương thừa, cầu cúng mất linh nghiệm. Nên thắp hương nơi kín gió để hương không bị tắt.
Quy phạm trong sử dụng hương
Quy phạm trong tôn giáo phần lớn đã được quy định chi tiết trong giới luật của kinh điển tôn giáo, nhưng đôi khi cũng căn cứ theo mỗi người, mỗi khu vực mà có sự khác biệt. Dưới đây sẽ lấy một số ví dụ về quy phạm thường gặp trong sử dụng hương:
- Dùng hương có nguồn gốc từ hương liệu thiên nhiên làm chính, tránh hương hóa học vừa làm tổn hại đến sức khỏe của bản thân, vừa không thể biểu đạt được lòng thành.
- Nơi sử dụng hương: Không hạn chế, từ các nơi cúng dường chư Phật như đọc kinh, trai giới, lễ tụng, giảng kinh thuyết pháp, thỉnh cầu... Tại gia đình có thể dùng ở bàn thờ, phòng khách...
- Cất trữ hương: Để ở nơi cố định, khô ráo và sạch sẽ. Tốt nhất lựa chọn những hộp hương có thể đậy kín để đựng các loại hương phẩm khác nhau. Không để hương chưa đốt trên bàn thờ.
- Khi lấy hương phải thận trọng, nhẹ nhàng, không nên để hương bị rơi vãi hoặc đổ xuống đất.
- Cần thường xuyên lau rửa sạch sẽ những đồ vật thường xuyên tiếp xúc với hương như thìa hương, lư hương, hộp hương.
- Khi thắp hương: Cần chú ý phong thái của bản thân phải đoan chính, nghiêm trang. Khoảng cách giữa chỗ đứng với bát hương quá xa hoặc quá gần đều không tốt.
- Trước khi thắp hương nên sắp xếp ổn thỏa những vật phẩm cúng dường như hoa quả tươi, nước sạch.
- Số lượng: Không cần nhiều, mỗi bát chỉ nên dùng 1 nén hương, nếu là bát mới có thể dùng 3 nén. Không cần thiết một lúc châm cả bó hương cúng, mùi khói quá nồng sẽ khiến không khí bị ô nhiễm.
- Khi đốt hương cần có tâm trạng bình tĩnh, thái độ ôn hòa, tránh lo lắng, vội vã.
- Khi thắp hương, phải châm hương một cách cung kính, khi châm hương nếu có ngọn lửa, cần dùng bàn tay phẩy tắt lửa, hoặc cầm hương vẩy lên xuống để dập lửa. Không được phép dùng miệng thổi tắt lửa.
- Nếu đến chùa dâng hương, khi bước vào nên bước vào từ cửa bên phải của chính điện, đồng thời bước chân trái vào trước là tốt nhất.
Chú ý không được dẫm lên bậu cửa, cũng không nên có những động tác như nhìn trước ngó sau, chải đầu vuốt tóc...
- Sau khi châm hương, phải cầm hương với tư thế tay trái ở bên ngoài, tay phải ở bên trong, để hai tay giơ cao ngang mày, cung kính hành lễ.
- Sau khi thắp hương làm lễ trước tượng Phật, dùng hai tay để cắm hương vào lư hương, bắt đầu làm lễ cúng dường chư Phật Bồ tát.
- Khi dâng hương, miệng nên ngậm lại, ngoài việc thầm cầu trong lòng, hoặc tụng niệm nhỏ, không nên nói chuyện với người đứng bên cạnh.
- Trong thời gian thắp hương, không nên đưa mũi lại gần để ngửi hương.
- Sau khi việc cúng hương hoàn tất, xung quanh lư hương nếu có tàn hương rơi vãi, nên dùng khăn sạch để lau. Không được dùng miệng để thổi bay những tàn hương ở bên cạnh lư hương.
- Nếu hương bị tắt, có thể nhấc ra châm lại, ở chùa có thể thu lại thành bó, dùng đồ đựng sạch sẽ để đốt, không nên tự ý vứt bỏ.
- Không thắp hương liên tục, kể cả lễ tết. Chỉ thắp khi cúng dường, như lúc chuẩn bị xong mâm cỗ tất niên, mâm cúng giao thừa, thắp lại lần nữa đúng khi chuyển giao năm mới. Thắp hương hay khấn liên tục chỉ gây phiền nhiễu cho gia tiên, là điều không tốt, nhất là khi đồ cúng vẫn giữ nguyên không có bổ sung mới. Như vậy đồng nghĩa với việc mời gia tiên về ăn đi ăn lại, tỏ rõ thái độ không thành tâm và coi thường của gia đình.
Cách thắp hương que, hương tháp, hương vòng
Hương que
Hương que đã xuất hiện vào thời kỳ Tống Minh. Thời gian cháy của hương que tương đối lâu, vì thế còn được gọi là hương tiên hoặc hương trường thọ. Ngoại hình của hương que dài và thẳng, có thể phân thành hai loại có lõi và không có lõi. Hương que nhỏ có thời gian đốt tương đối ngắn, khói sinh ra cũng ít, thường được sử dụng trong gia đình bình thường. Hương que to có thời gian đốt dài hơn, đa số được sử dụng để cúng hương trong đình chùa.
Hương tháp
Hương tháp tức là dùng các loại bột hương như trầm hương, đàn hương, đinh hương, nhũ hương nhào với nước rồi ép thành hình chóp nhọn nhỏ. Thông thường, tháp hương kiểu này sẽ được đặt trực tiếp lên đĩa hương phẳng để đốt, cũng có thể được đốt trong lư hương có rải tàn hương. Sau khi đốt, tàn hương sẽ có dạng tháp nhọn, không bị rơi vãi ra xung quanh, sử dụng tương đối tiện lợi, thời gian đốt hương tháp sẽ ngắn hơn so với thời gian đốt hương que. Thường sử dụng ở gia đình.
Hương vòng
Khi chế tác hương vòng, thông thường sẽ ép bột hương thành dạng sợi dài, sau đó cuộn cẩn thận thành dạng vòng xoắn ốc, phơi khô. Hương vòng đốt lâu hơn hương que. Thông thường, hương vòng có sự phân biệt về kích thước to, nhỏ, thô, mảnh. Loại cỡ lớn, thường sẽ thô hơn, có thể trực tiếp treo lên để đốt hoặc đặt trên giá hương trong lư hương để đốt, thường dùng ở chùa viện, đạo quán hoặc từ đường. Hương vòng loại nhỏ đa số là được dùng khi cúng dường hoặc trong tu hành cá nhân, thắp ở ban thờ Phật chứ không phải trên bàn thờ gia đình.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet