1. Lau dọn, tẩy uế bàn thờ
Theo quan niệm dân gian, ông Công, ông Táo là những vị thần trông coi bếp núc, đất đai của gia đình. Hàng năm cứ vào ngày 23/12 âm lịch là ông Công, ông Táo sẽ cưỡi cá chép về chầu trời để bẩm báo những việc đã xảy ra của gia đình trong suốt cả năm vừa qua.
Đây cũng là thời điểm thích hợp để lau dọn bàn thờ thần linh, gia tiên. Song, có người làm trước khi cúng ông Công ông Táo, có người làm sau. Vậy như thế nào mới đúng?
Người xưa cho rằng, bao sái bàn thờ sau khi thắp hương ông Công ông Táo mới là đúng. Lúc này các vị thần linh đã đi vắng, việc lau dọn, tẩy uế sẽ không làm ảnh hưởng đến việc thờ cúng.
Nếu bao sái bàn thờ ngay trong ngày cúng ông Công ông Táo, tốt nhất nên thực hiện trong khoảng thời gian từ 13h đến 17h55. Hoặc, bạn có thể dọn dẹp bàn thờ vào ngày hôm sau hoặc một ngày lành khác, xong xuôi trước ngày 30 tháng Chạp là được, vì ngày đó ông Công ông Táo sẽ quay trở lại trần gian.
Một số lưu ý khác khi bao sái bàn thờ:
- Phải làm vào ban ngày, không nên làm vào buổi tối.
- Trong lễ tiễn ông Công ông Táo, gia chủ phải xin phép sửa sang bàn thờ để đón Tết.
- Khi lau dọn phải dùng khăn sạch, nước sạch hoặc nước đun từ các loại thảo mộc, rượu gừng... để lau bàn thờ.
- Tuyệt đối không được xê dịch bát hương khi lau dọn.
2. Tỉa chân hương, thay tro bát hương
Vào những ngày Rằm, mùng 1 hay giỗ chạp,… các gia đình đều thắp hương. Sau một năm, chân hương trong bát hương sẽ rất nhiều. Lúc này gia chủ nên tỉa bớt chân hương để bàn thờ trông gọn gàng hơn, đây cũng là việc thể hiện lòng thành kính với bề trên.
Ngoài ra, quá nhiều chân hương, lớp mới chồng lên lớp cũ sẽ gây khó khăn khi cắm hương. Chưa kể đến việc khi thắp hương, tàn hương rơi xuống có thể làm cháy bát hương, gây hỏa hoạn.
Còn trong phong thủy, bàn thờ là nơi tụ khí, nếu bát hương quá đầy sẽ cản trợ khí lưu chuyển, ảnh hưởng đến vận may của gia chủ. Hơn nữa khi bát hương đầy, nếu chân hương không cắm được xuống mặt tro của bát hương sẽ làm mất đi sự linh ứng trong việc thắp hương. Vì vậy việc tỉa chân hương là rất cần thiết.
Khi tỉa chân hương, gia chủ nên để lại số chân hương lẻ như 3, 5, 7, 9. Số chân hương còn thừa sẽ màng đi hóa (đốt) sau khi làm lễ.
Gia chủ cũng có thể thay tro mới vào bát hương. Lưu ý, tro thêm vào bát hương phải là tro rơm.
3. Thay bàn thờ hoặc bát hương nếu cần thiết
Khi bao sái bàn thờ vào ngày cuối năm, bạn nên kiểm tra bàn thờ và bát hương một lượt. Nếu bàn thờ xuống cấp, đã cũ hỏng mục nát hay bát hương bị nứt vỡ, sứt mẻ thì phải thay mới, nếu không sẽ gây ảnh hưởng tới đường công danh, tài lộc của gia đình.
Nếu bàn thờ đã cũ, không còn phù hợp với không gian sống, bạn cũng có thể thay cái mới. Lưu ý, trước khi thay bàn thờ hay bát hương mới, gia chủ cần thắp hương để xin phép thần linh, gia tiên rồi mới được làm.
Khi thay bát hương mới, bạn cần giữ lại phần cốt của bát hương và một số chân nhang cũ. Bát hương, bàn thờ cũ có thể mang đi hóa.
4. Làm lễ mời an vị Táo quân vào ngày cuối năm và cúng tất niên
Sau khi lau dọn bàn thờ sạch sẽ, gia chủ nên chờ đến ngày cuối năm để làm lễ mời Táo quân và các vị thần linh trở về nhà. Thông thường, lễ cúng này sẽ làm vào ngày 30 Tết hoặc có thể sớm hơn, tùy thuộc vào điều kiện của từng gia đình.
Hoặc, gia chủ có thể làm lễ mời an vị thần linh và lễ tất niên cùng lúc, vào buổi trưa hoặc chiều 30 Tết đều được.
(*) Thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo!
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet