Về khoản hàng giả hàng nhái tràn lan thị trường thì trung quốc cũng là số một thế giới, từ giày dép, quần áo, phụ kiện cho đến những món đồ công nghệ tinh vi, đắt đỏ. Đặc biệt, hơn một nửa số điện thoại thông minh “rởm” được bày bán nhan nhản tại quốc gia này lấy theo tên nhãn hiệu samsung và Xiaomi, khiến hai công ty này không khỏi điên đầu.
Với Samsung, ông trùm sản xuất điện thoại thông minh đến từ Hàn Quốc với tầm ảnh hưởng rộng lớn toàn cầu thì việc bị làm giả làm nhái cũng không có gì khó hiểu. Nhưng kể cả với Xiaomi, một thương hiệu nội địa nổi lên với việc sản xuất những mẫu điện thoại na ná iPhone song với giá rẻ hơn nhiều cũng bị làm nhái nốt, thật đúng là “nhái của nhái”.
Nhái từ hình thức đến nội dung
Sau khi chiếc iPhone 4S đột ngột “hi sinh” vào tháng 1, Mel Li 27 tuổi quyết định sẽ mua và dùng tạm một chiếc điện thoại rẻ tiền trong lúc cân nhắc giữa các dòng máy “xịn”, cũng như tích cóp đủ tiền để đổi máy. Cô đã mua một chiếc điện thoại không có nhãn hiệu nhưng trông giống hệt mẫu Samsung Galaxy Note 3 nhưng giá “rất bèo”. Không chỉ thế, hệ điều hành và giao diện của máy cũng chẳng có gì khác biệt, và khi cầm trên tay, nó đích thực là chiếc Note 3 trứ danh.
Ứng dụng chấm điểm hệ thống Android của Trung Quốc là Antutu cũng trình làng một báo cáo, ghi nhận 31% trong tổng số 10 triệu thiết bị có cài đặt công cụ này là các mẫu máy nhái Samsung. Trong khi đó, số lượng giả mạo điện thoại xiaomi còn cao hơn, lên tới 37%. Điều đó có nghĩa, trong số 10 triệu điện thoại thông minh sử dụng hệ điều hành Android và cài đặt ứng dụng đánh giá Antutu, gần 70% là sản phẩm giả mạo theo hai thương hiệu nói trên. Mặt khác, 30% còn lại cũng chẳng phải hàng xịn, bởi đã có thêm 4% là nhái của Huawei và 25% nhái theo HTC. Thêm vào đó, Antutu chỉ “rà soát” các phiên bản điện thoại Android, vậy nên những mẫu điện thoại “hao hao” iPhone tạm được gạt sang bên!
Nóng mặt trước các hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ trắng trợn (đặc biệt các sản phẩm nhái lại còn có mức giá cạnh tranh “ăn đứt” bản gốc, cụ thể như chiếc Redmi 2A “rởm” của Xiaomi có thể được mua với giá chỉ 80 USD trên thị trường Trung Quốc), Xiaomi đã cho chạy một dịch vụ xác thực sản phẩm của mình trên website. Theo đó, người dùng có thể nhập mã bảo vệ của điện thoại để xem máy của mình có phải hàng chuẩn chính hãng hay không. Ngoài ra, nhiều diễn đàn công nghệ trên toàn thế giới cũng chia sẻ các cách thức để người dùng kiểm tra các thiết bị của mình.
Thị trường suy giảm, hàng thật gặp khó, hàng nhái gặp thời
Thời gian này, việc làm ăn của Samsung không được thuận lợi. Tuần trước, hãng dự báo lợi nhuận vận hành chỉ đạt khoảng 6,1 tỷ USD trong quý II, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái và đánh dấu 7 quý sụt giảm lợi nhuận liên tiếp của ông trùm công nghệ xứ Hàn. Mẫu Galaxy S6 cũng có doanh số không như mong đợi và không thể lấy lại đà tăng trưởng cho Samsung.
Xiaomi cũng gặp khó ngay trên sân nhà, sau khoảng thời gian tăng trưởng thần tốc trong năm 2014. Nửa đầu năm 2015, hãng ghi nhận tốc độ tăng trưởng dưới mức kỳ vọng 33%. Bên cạnh các nguyên nhân chủ quan thì không thể phủ nhận sự suy giảm nhu cầu smartphone trên thị trường Trung Quốc 6 tháng đầu năm nay đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới doanh thu và lợi nhuận của nhiều hãng sản xuất, không cứ gì Xiaomi hay Samsung. Theo hãng nghiên cứu thị trường IDC, lượng tiêu thụ điện thoại thông minh trung bình hàng năm tại Trung Quốc đã giảm 4%.
Có lẽ bởi vậy mà những mẫu điện thoại nhái càng có cơ “hoành hành”. Đơn cử như ví dụ về cô Mel Li đưa ra ở đầu bài, một chiếc điện thoại rẻ tiền giống hệt Galaxy Note 3 từ cấu hình cho tới ngoại hình đã được cô lựa chọn “dùng tạm”. Tuy nhiên, rất nhiều người dân Trung Quốc và các quốc gia đang phát triển, với ngân sách eo hẹp, lại cực kỳ hào hứng “dùng lâu dài” những phiên bản điện thoại thông minh không tên tuổi vừa rẻ vừa đẹp thay vì xài hàng xịn cho “sang”.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet