Cũng giống nhiều thanh niên mê xe khác, Chris Collins sớm biết nơi giúp anh thỏa mãn đam mê. Đó là những phiên bản độ đặc biệt, những mẫu xe với động cơ được chế lại và hệ thống treo siêu nhạy.
Trong khi đã sở hữu vài chiếc trong số những sản phẩm được giới mộ xe tôn sùng nhất, trong đó có những cái tên như Subaru WRX và BMW M3, thì vẫn chưa phải tất cả những gì Collins muốn. Anh vẫn mơ về một chiếc thật đặc biệt.
Năm 2011, ở tuổi 26, Collins cuối cùng cũng đón nhận chiếc xe mơ ước: Toyota Corolla 1985.
Toyota Corolla GTV 1985 của Chris Collins. Trong khi các quy định ở cấp bang là rào cản đối với dân mê xe khi muốn nhập xe Nhật vào Mỹ, thì các cơ quan điều tiết lại có ngoại lệ với những xe trên 25 năm. Ảnh: NY Times. |
Đó không phải bất cứ chiếc Corolla nào đó. "Hàng" của Collins là một chiếc Corolla GTV coupe của thị trường nội địa Nhật, với công suất 205 mã lực và có ít điểm chung với những mẫu sedan dẫn động cầu trước mà khách hàng Mỹ vẫn mua dưới thương hiệu Toyota.
Collins thuộc nhóm những người hâm mộ luôn thèm muốn những chiếc xe Nhật với những đặc điểm giống hệt xe trong một showroom ở Tokyo. Chiếc Corolla của anh có những trang thiết bị như các sản phẩm ở Nhật. Collins ước tính có chưa tới 24 chiếc tương tự tại Mỹ.
"Một chiếc GTV còn hiếm hơn nhiều so với Maserati, Ferrari hay Lamborghini. Tôi biết nhiều người có những xe như thế, hoặc Bentley và Porsche. Nhưng tôi là người duy nhất có GTV".
"Chứng minh thư" cho biết nguồn gốc chiếc Corolla GTV của Collins. Ảnh: NY Times. |
Câu nói của Collins đã tóm gọn sự hấp dẫn của một đẳng cấp xe nhưng không phải lúc nào cũng được đánh giá cao về phong cách hay đặc tính. Thay vào đó, xe sản xuất cho thị trường Nhật - J.D.M. (Japanese Domestic Market) - lại có một lượng fan không nhỏ một phần nhờ số lượng có hạn và ý nghĩa văn hóa, cũng như ảnh hưởng của phim hoạt hình Nhật và môn thể thao drift, hay sự nổi tiếng của loạt phim tốc độ Fast and the Furious.
Sở hữu một chiếc xe J.D.M. là không hợp pháp - do quy định ngặt nghèo về an toàn cũng như khí thải tại Mỹ - nhưng lại giống như phần thưởng. Và với việc "lọt khe" khó khăn của xe Nhật vào Mỹ, xe J.D.M. có "nguy cơ" tăng lên.
Một số người say mê chẳng màng đến khoảng cách, và giá cả đắt đỏ, tìm xe ở Nhật để nhập vào Mỹ, thậm chí coi thường luật pháp. Một số khác lại mua một mẫu xe tương tự dành cho thị trường Mỹ rồi dần biến nó thành xe Nhật, dù cho sự khác biệt bên ngoài giữa 2 xe vốn chỉ những người thành thạo mới nhận ra.
Toyota Sprinter Trueno 1984 của Kirk Dunlap, với màu sơn nguyên bản đen-trắng. Ảnh: Classic JDM Imports. |
Một phần của sự thay đổi là thông số về sức mạnh của chiếc xe. "Động cơ được chỉnh lại thật khác biệt, xe tăng thêm công suất và xe Nhật cũng dễ nâng cấp hơn các phiên bản Mỹ", Kirk Dunlap, người sở hữu 4 chiếc J.D.M cho biết.
Một trong số đó là Toyota Spinter Trueno 1984 với màu sơn nguyên bản "Panda Car". Tông màu đen-trắng lấy từ "Initial D", bộ phim hoạt hình và truyện tranh nổi tiếng của Nhật kể về một tài xế trẻ tuổi trở thành vô địch đua đường phố.
Nhưng không chỉ có động cơ khiến các nhà sưu tập xe để ý đến. Khi một người tên Scott biến chiếc Subaru Legacy 1997 bản Mỹ thành Legacy GTB phiên bản giới hạn J.D.M., anh chuyển vô-lăng và hệ thống lái từ trái sang phải. Ngoài ra, Scott còn lắp thêm hệ thống điều khiển điều hòa dạng bộ ổn nhiệt, thiết bị không có trên dòng Legacy bán ra ở Mỹ cho đến vài năm gần đây.
Minh Thủy
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet