Trong khi chúng ta những người đam mê xe cộ, độ chế...lúc nào chúng ta cũng nghĩ đến đồ chơi... Ôi biết bao là thứ làm chúng ta nhức đầu. Nhưng xung quanh ta còn bao nhiêu người vất vả. Với những người đi xe độ hao xăng thì xăng giảm giá cũng vui nhưng có những người khi biết xăng giảm giá thì lòng họ vẫn trĩu nặng u buồn:
Công nhân KCX Linh Trung 1, TP HCM mua thực phẩm tại khu chợ tự phát
gần công ty sau giờ làm
“Khi giá xăng tăng chừng 200 đồng/lít thì thì bó rau muống sẽ “nhảy” từ 2.500 đồng lên 3.000 đồng nhưng khi xăng giảm 2.000 đồng/lít thì giá bó rau muống vẫn vậy, không chịu nhúc nhích. Ai cũng trông ngóng giả cả hàng hóa giảm từng giờ nhưng giá lên rồi dễ gì xuống. Tằn tiện theo giá xăng riết rồi cũng quen” – Chị Thu, công nhân làm việc tại KCX Linh Trung I, Thủ Đức, TP.HCM, chia sẻ.
“Có đi xe máy đâu mà mừng”
Là câu trả lời của nhiều công nhân khi được hỏi “có phấn khởi không khi giá xăng giảm “kỷ lục” hơn 2.000 đồng/lít”. Theo lời nhiều công nhân, vì không đi xe máy nên “không thể mừng được khi xăng giảm, giờ mà ti vi đưa tin thịt, cá, trứng, rau củ đồng loạt giảm giá theo xăng thì mới đúng là mừng”.
Công nhân mong chờ giá giảm từng giờ
Chị Thu lý giải, chi phí đi lại của công nhân không đáng kể, ăn uống, nhà trọ, điện nước mới đáng lo. “Mỗi khi giá xăng mà tăng là giá cả sinh hoạt cũng tăng theo, từ bó rau, quả trứng đến tiền phòng, tiền điện. Cả năm nay, tôi nghe xăng giảm hơn chục lần mà có thấy các thứ khác giảm theo đâu. Khi giá xăng tăng chừng 200 đồng/lít thì thì bó rau muống sẽ “nhảy” từ 2.500 đồng lên 3.000 đồng nhưng khi xăng giảm 2.000 đồng/lít thì giá bó rau muống vẫn vậy, không chịu nhúc nhích”.
Công nhân chịu ảnh hưởng lớn khi giá xăng tăng nhưng khi giá xăng giảm
thì không được thụ hưởng
Anh Hùng, trọ trên phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, làm việc tại KCX Linh Trung (quận Thủ Đức), anh đi làm bằng chiếc xe Dream Tàu, mỗi tháng cũng hết hơn 200.000 đồng tiền xăng. “Nay xăng giảm 2.000 đồng/lít thì mỗi tháng tôi tiết kiệm lại được gần 20.000 đồng, bằng một tô phở. Nhưng nhớ có đợt xăng tăng, rau, củ quả, cá thịt gì cũng tăng, mỗi tháng vợ chồng tôi ít nhất tăng thêm 100.000 đồng tiền chợ, chưa kể, bà chủ nhà lấy cớ xăng tăng, lương tăng mà tăng tiền phòng, tiền điện, tiền nước. Tổng cộng các thứ phải gánh theo giá xăng tăng cũng gần 300.000 đồng. Mà giá tăng rồi, dễ gì mà giảm, có giảm thì cũng nhích từng chút một. Tính ra, gia đình tôi vẫn phải gánh phần tăng thêm rất nhiều”, anh Hùng phân tích.
Chỉ sợ giá không giảm theo xăng mà lại tăng theo…Tết
Trong lúc đang ngóng giá cả hàng hóa giảm từng ngày thì công nhân đang đối mặt với nỗi lo cuối năm, Tết đến giá cả hàng hóa, giá vé xe lại tăng mạnh.
“Năm nào cũng vậy, chuẩn bị vào mùa Giáng sinh là hàng hóa bắt đầu tăng cho đến Tết nguyên đán. Hàng hóa thì nhích dần từng chút một, mình phàn nàn xăng giảm nhưng sao giá cả hàng hóa không giảm thì họ viện lý do thời tiết, ít người trồng, cuối năm, Tết đến hút hàng…. Muốn dành dụm mua cho đứa con gái nhỏ ở quê tấm áo lạnh cũng phải đắn đo, vắt óc ra mà tính. Không biết có cơ quan nào bắt giá cả phải giảm, phải ổn định không? Chứ thấy xăng giảm, mọi người rộn ràng, mừng rỡ nhưng thực tình mình có được lợi hay không thì chẳng biết được”, chị Tho, công nhân Cty Việt Tiến, Tân Bình chia sẻ.
“Tôi nghe báo đài nói liên tục là xăng dầu giảm thì giá cước vận tải phải giảm. Cả năm nay, xăng giảm giá đến 12 lần rồi, hy vọng Tết năm nay vé xe cũng rẻ đi được đôi chút, đừng tăng nhiều quá, chịu không nổi”, anh Hùng trình bày.
Công nhân mong muốn cơ quan chức năng điều tiết để giá cả hàng hóa giảm hợp lý
Để hỗ trợ cho công nhân, nhiều Cty hỗ trợ thêm cho công nhân chi phí xăng xe, khi giá xăng giảm mạnh, các Cty cho biết cũng không có ý định giảm hoặc cắt đi chi phí này. Anh Nguyễn Thái Dương Đông, Chủ tịch CĐ Công ty Yujin Vina - KCX Linh Trung 1 (quận Thủ Đức) cho biết, Cty có phần phụ cấp xăng xe cho CN từ 70.000 đồng – đến 120.000 đồng/tháng.
Trong lúc đang ngóng giá cả hàng hóa giảm từng ngày thì công nhân đang đối mặt
với nỗi lo cuối năm, Tết đến giá cả hàng hóa, giá vé xe lại tăng mạnh.
“Khoảng tiền không nhiều nếu so với khi giá xăng cao nhưng trong năm nay, giá xăng đã giảm tổng cộng là 12 lần với tổng số tiền giảm gần 8.000 đồng/lít thì đó là số tiền hỗ trợ của Cty cũng đỡ được phần nào cho anh chị em công nhân, nhưng đối với công nhân, chi phí đi lại chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số tiền chi cho sinh hoạt. Điều chúng tôi mong muốn là khi xăng giảm thì giá cả hàng hóa, sinh hoạt cũng phải giảm theo, chỉ có như vậy, công nhân mới thật sự được hưởng lợi từ việc giảm giá xăng dầu”, anh Đông chia sẻ.
Nguồn Lao Động
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet