Chẳng cần biết con mình có muốn hay không, rất nhiều bậc cha mẹ ở Hàn Quốc đang nô nức đưa con mình đến bệnh viện để tiêm thuốc kích thích não bộ, hay còn gọi là "mũi tiêm thông minh".
Theo Koreatimes, đây là loại thuốc được chiết xuất từ lá bạch quả, pha với nhiều loại vitamin khác nhau. Chi phí cho mỗi mũi tiêm lên tới 60.000 - 120.000 won (1,2 - 2,4 triệu đồng).
Một bà mẹ sống tại khu giàu có Seocho-gu, Seoul đã đưa cậu con trai 8 tuổi đang chuẩn bị cho cuộc thi toán quốc gia đến bác sĩ gia đình ở Jongno-gu để tiêm thuốc thông minh . Theo chia sẻ, cậu bé phải tiêm mỗi ngày một mũi trong vòng 3 ngày liền.
Chuyện học hành đã đè nặng lên người Hàn Quốc từ khi còn nhỏ.
Bà mẹ này cho rằng mũi tiêm sẽ cải thiện được khả năng tập trung của con trai. "Con tôi không thích tiêm", bà mẹ cho biết. Thế nhưng, cậu bé vẫn phải tiêm sau khi người mẹ thấy việc tiêm thuốc rõ ràng có hiệu quả.
7 trong số 10 phòng khám thuộc khu Daechi-dong (một điểm nóng ở Seoul với các bệnh viện tư nhân chen chúc) cung cấp loại thuốc tăng cường trí thông minh này. Các chuyên gia đặt câu hỏi về loại thuốc và cho rằng không có bằng chứng y tế nào chứng tỏ thuốc giúp trẻ tăng cường trí thông minh.
Rất có thể thuốc chỉ mang lại một hiệu ứng giả, do tâm lý phụ huynh. "Hầu hết các thành phần thuốc được thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu và những gì còn lại hầu như không kéo dài sau vài giờ", một bác sĩ gia đình tại bệnh viện Severance cho biết.
Mặc dù chưa tìm thấy bằng chứng chứng tỏ mũi tiêm thông minh tác động tích cực đến trí não nhưng các ông bố bà mẹ tại Hàn vẫn đang phát cuồng về loại thuốc này. Cũng có thể do áp lực từ các kỳ thi và căn bệnh thành tích đã khiến các bậc phụ huynh không còn sự lựa chọn nào khác.
Học sinh Hàn Quốc trở về nhà lúc 23 giờ đêm
"Em chỉ muốn ngủ", đó là mơ ước lớn lao của cậu học sinh thiếu ngủ này.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia đạt điểm cao nhất trong Chương trình đánh giá sinh viên quốc tế (PISA) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Để có thành tích đó là kết quả của những ngày dài học tập vất vả.
Hye-Min Park là học sinh 16 tuổi sống ở quận Gangnam giàu có của thủ đô Seoul. Một ngày học tập của em là một ngày tiêu biểu của học sinh Hàn Quốc. Mỗi sáng em dậy từ 6 giờ 30, có mặt ở trường lúc 8 giờ, tan học lúc 16 giờ (hoặc 17 giờ nếu sinh hoạt câu lạc bộ) và trở về nhà ăn tối. Sau đó, em đi xe buýt tới lớp học thêm hoặc trường tư buổi tối và học từ 18 giờ đến 21 giờ. Sau ca học buổi tối, em ở lại trường 2 giờ để tự học rồi mới về nhà vào lúc 23 giờ. Hye-Min Park thường đi ngủ lúc 2 giờ sáng và lại thức dậy vào 6 giờ 30 để bắt đầu một ngày học mới.
Với lịch học dày đặc, Hye-Min cho biết thường xuyên thấy mệt mỏi nhưng mỗi khi thấy kết quả thi, em lại quên đi những mệt nhọc đó vì kết quả thật tốt. Em nói cũng muốn ngủ nhiều hơn nhưng phải vượt qua điều đó. Muốn có bằng cấp tốt để theo đuổi nghề nghiệp mơ ước là làm giáo viên, em cần học tập chăm chỉ và bản thân cũng thích học những điều mới.
Hye-Min không phải là trường hợp hy hữu. Đối với học sinh Hàn Quốc, đến trường học 2 ca các ngày trong tuần là tất cả cuộc sống của các em. Các bậc phụ huynh Hàn Quốc chi hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho con đi học thêm. Họ không mời gia sư đến nhà dạy mỗi tuần 1-2 buổi mà đăng ký cho con học ở các trường tư có quy mô lớn (gọi là hagwon). Có gần 100.000 hagwon ở Hàn Quốc và khoảng 3/4 học sinh cả nước đi học ở hagwon.
Ở lại trường tới khuya là chuyện không còn lạ lẫm đối với học sinh Hàn Quốc.
“Hàn Quốc có rất ít tài nguyên thiên nhiên, chúng tôi cũng không có nhiều đất đai. Nguồn lực duy nhất chúng tôi có là con người. Vì vậy bất cứ ai muốn thành công đều phải nổi bật hơn người khác. Là mẹ, tôi không thoải mái khi Hye-Min phải học hành vất vả, nhưng chỉ như vậy con bé mới đạt được ước mơ”, cô Hwang Yoon nói, mẹ của Hye-Min, nói.
Được và mất
Sáu học sinh 15-16 tuổi từ trường Trung học Ga-rak làm thử bài thi toán trong kỳ thi lấy Chứng chỉ giáo dục trung học phổ thông (GCSE) được sử dụng ở cả các nước phương Tây phát triển khác. Các em làm xong bài thi chỉ trong một nửa thời gian. Bốn em trong số đó trả lời đúng 100%, hai em còn lại chỉ sai một câu. Kết quả này khiến ngay cả bộ trưởng giáo dục ở các nước phát triển như Anh, Mỹ… phải thán phục và cố gắng xây dựng chương trình học, thi theo mô hình của Hàn Quốc.
Đầu tư lớn cho giáo dục đã giúp nền kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng kỳ diệu từ khi kết thúc chiến tranh 60 năm trước. Họ đã xây dựng lại đất nước hoàn toàn dựa vào lao động vất vả của người dân. Tuy nhiên, thành công của Hàn Quốc cũng phải trả giá đắt. Áp lực khủng khiếp từ học tập và công việc khiến đất nước này có tỷ lệ tự tử cao nhất trong số các nước OECD. Trong số người chết dưới 40 tuổi, tự tử là nguyên nhân phổ biến nhất.
"Em muốn thoát khỏi đây", "Trường trung học Hàn Quốc chẳng khác gì ngục tù".
Chính phủ hiểu áp lực này và năm 2008 đã đặt ra quy định các hagwon chỉ được mở cửa tới 22h với hy vọng giúp lấy lại cân bằng. Giáo sư Ju Ho Lee, cựu Bộ trưởng Giáo dục, cho biết học tập căng thẳng có lẽ phù hợp khi Hàn Quốc còn là nước đang phát triển, nhưng bây giờ cần có chiến lược mới. “Điểm thi có thể là quan trọng trong thời kỳ công nghiệp hóa, nhưng ngày nay không còn quan trọng nữa. Vì vậy, Hàn Quốc cần tìm hướng cải cách hệ thống giáo dục, không dựa trên điểm số mà dựa trên sự sáng tạo, năng lực xã hội và trí tuệ cảm xúc”, giáo sư Lee nói.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet