Nhà thiết kế Vũ Thu Giang. |
- Bí quyết trong phong cách thiết kế của chị?
- Các mẫu sáng tác của tôi phụ thuộc nhiều vào cảm giác, tâm trạng. Vui buồn, cáu giận đôi khi cũng làm nên một điều hay, để lại dấu ấn trong mẫu thiết kế mới. Thường thì, gam màu nóng ấm, đường nét đơn giản mà sâu lắng không quá phức tạp, cầu kỳ nhưng kỹ lưỡng nhấn mạnh đến các chi tiết, họa tiết được tôi sử dụng nhiều. Thêm nữa, còn là sự khéo tay của những người thợ vì toàn bộ sản phẩm thêu, kết cườm trong các bộ mẫu đều được làm bằng tay, rất ấm áp, có thần, làm nổi bật cái hồn của trang phục.
- Là nhà thiết kế uy tín, chuyên nghiệp, theo chị, thời trang của VN đang ở "tầm" nào?
- Thời trang những năm gần đây đã có những bước tiến đáng kể, tuy nhiên, nếu đem so với mặt bằng chung của thời trang thế giới, xem ra ngành công nghiệp này của VN còn nghiệp dư lắm. Phần vì tuổi đời của thời trang VN còn chưa nhiều. Thêm nữa, một số nhà thiết kế vẫn dừng lại ở lối sáng tạo cầm chừng, thi thoảng mới tung ra giới thiệu một vài mẫu, rồi thôi. Mà thời trang VN muốn phát triển quy mô hơn cần một sự định hướng nghiêm túc, thường xuyên và nhất là một tư duy có chiều sâu. Hiện nay vẫn thiếu sự kết nối, nếu không muốn nói là rời rạc giữa các công đoạn: công nghệ dệt, nhà thiết kế, sản xuất.
Một thiết kế của Vũ Thu Giang.
- Ưu điểm trong thiết kế mẫu của VN là gì?
- Mình không thể so với những nước tiên tiến có truyền thống về công nghệ, chất liệu, nhưng thời trang VN lại thu hút khách nước ngoài bởi ý tưởng, nét thần thái Á Đông độc đáo và tình cảm. Theo tôi, hàng thêu tay là điểm mạnh của thời trang VN. Nhưng trăn trở của các nhà thiết kế hiện nay là chất liệu trong nước chưa thật phù hợp với các mẫu thiết kế. Các nguyên liệu phổ thông thì khó sử dụng bởi chất lượng kém, còn các mặt hàng lụa, tơ tằm đẹp thì giá lại quá cao, giữ gìn bảo quản khó khăn.
- Mối bận tâm hàng đầu của chị, một người vừa làm thiết kế vừa sản xuất thời trang chuyên nghiệp?
- Tôi quan niệm, văn hóa mặc không chỉ là một góc nhỏ phản chiếu tâm hồn mà còn biểu hiện trình độ nhận thức, phông văn hóa của mỗi người. Tôi nghĩ, là người Việt, hơn ai hết mình hiểu tâm lý, hiểu rõ những mặt mạnh trong tâm thức văn hóa Việt, vậy tại sao lại không thể vận dụng một cách hiệu quả lợi thế đó vào sáng tạo, đưa ra một phong cách, một thương hiệu VN. Mong muốn của người làm thiết kế còn là để làm sao người nước ngoài hiểu thế nào là văn hóa VN qua trang phục của người VN.
(Theo Lao Động)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet