- Về thủ thuật, quan niệm và triết lý trong các tác phẩm, cách của anh là gì?
- Cũng tùy từng nhà thiết kế, nhà tạo mẫu chọn lựa. Riêng tôi vẫn ưu tiên số một cho văn hóa Việt Nam truyền thống, mà trong đó áo dài là một điểm nhấn quan trọng. Cách của tôi là kết hợp nguyên mẫu cổ điển, cổ truyền với các biến tấu của mốt thời thượng.
Làm sao để sản phẩm có thể phát triển ra khu vực và thế giới? Chúng ta phải đồng ý một điều rằng: mặc đồ Tây dễ hơn áo dài, vì vậy phải làm sao cho áo dài thêm phần thân thiện, gần gũi với khách quốc tế là điều tôi luôn trăn trở.
Nhà thiết kế Võ Việt Chung. Ảnh: Thế Giới Nghệ Sĩ |
- Chứ không phải do nguồn lợi làm nên thương hiệu Võ Việt Chung từ nước ngoài, nên anh phải lo bảo vệ?
- Đó là một lẽ. Nhưng vấn đề là chúng ta phải hòa nhập được với khu vực và quốc tế để tìm hiểu tiếng nói chung. Tôi bán cho người Việt giá bao nhiêu thì cũng bán cho khách quốc tế như vậy, chỉ cộng thêm thuế. Tôi còn là nhà độc quyền phục hồi, phát triển và quảng bá lãnh Mỹ A, nếu chỉ loay hoay trong thị trường Việt Nam, chắc chắn sẽ không làm được. Bởi thị trường thời trang trong nước đang bão hòa.
- Một vài biểu hiện về bão hòa mà anh nhận thấy là gì?
- Các cuộc thi thời trang cứ giông giống nhau, không có gì thực sự đáng quan tâm. Tính tự chủ, độc lập của các nhà thiết kế, tạo mẫu gần như không có nên sẵn sàng lấy ý tưởng của người khác làm của mình. Tên gọi tác phẩm và các bộ sưu tập thường rất chung chung, rất ít thấy sự đầu tư. Khuôn khổ tác phẩm thì co cụm vào một đề tài "an toàn"... Chính vì thế, trong con mắt người xem hoặc các nhà chuyên môn, thời trang Việt chẳng có gì mới, chẳng có gì nổi bật. Chính những người trong cuộc đang tự giết chết nhau.
- Vì sao anh nói vậy?
- Chẳng những giết nhau trên tác phẩm, trên sàn diễn... mà còn trên báo chí, trên danh tiếng. Còn nhớ trong chương trình Duyên dáng Việt Nam 6, tôi trình làng bộ sưu tập Thiên - Địa - Thủy - Mộc với những bộ áo dài tay ngắn sát nách. Vậy là qua báo chí, rất nhiều nhà thời trang chửi tôi thậm tệ. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, chính họ lại lấy những kiểu áo dài này làm tác phẩm của mình và sống được. Như vậy không giết nhau thì còn gì nữa?
- Theo anh, tại sao lại có tình trạng hổ lốn này?
- Căn bản là do thiếu trường lớp và đội ngũ giáo viên chính quy, có chuyên môn. Từ đây làm cho chính những người phát động các cuộc thi cũng bối rối, không biết làm thế nào là đúng, thế nào là sai. Trong thời trang, xuyên suốt về ý tưởng và kỹ thuật là quan trọng, còn lộn xộn, hổ lốn đồng nghĩa với ngu dốt... Tôi cũng từng dự đoán về khuynh hướng thời trang Việt trong năm này năm kia, nhưng bây giờ thì thôi, vì thấy vô ích quá.
- Nói ra những điều này, hẳn nhiên anh là người có tham vọng lớn?
- Tôi rất tham vọng. Sắp tới tôi sẽ mở thêm thương hiệu tại Australia, Nhật... để sản phẩm có thêm sự chia sẻ từ quá trình hội nhập. Tôi cũng đang cố gắng học lấy bằng thạc sĩ phê bình thời trang tại châu Âu, để ý kiến của mình thêm vững vàng và uy tín.
Tôi làm những việc như khôi phục chất liệu, chế tác mẫu mã, hoàn thiện chỉ số..., nếu không gắn chúng vào hoạt động thời trang quốc tế thì coi như thua thiệt. Làng dệt lãnh Mỹ A bây giờ đã làm việc trở lại, tuy không thịnh vượng như nửa thế kỷ trước, nhưng căn bản đã bảo tồn và phát triển được. Tôi cũng đang hoàn tất hồ sơ để UNESCO công nhận lãnh Mỹ A trong thời gian tới.
(Theo Thế Giới Nghệ Sĩ)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet