Trong 40 phút trò chuyện, Võ Việt Chung cho hay: "phóng viên trẻ và phóng viên thường tôi không tiếp". Với Võ Việt Chung, sự cẩn thận toát ra từ những hành vi và sự chuyên nghiệp được anh đề cao trong mọi hoạt động.
Võ Việt Chung và người mẫu BB Phạm trong buổi làm việc với Fashion TV. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
- Trước ý kiến anh "hên" khi lục ra được lãnh Mỹ A, anh thấy sao?
- Tôi thấy không thể gọi là hên! Đó là một vấn đề mà nếu Võ Việt Chung không làm thì có thể 10 năm, 20 năm hay một thế kỷ nữa cũng sẽ có người làm. Nhưng biết đâu càng để về sau, nó sẽ càng mai một? Nếu có may mắn, thì điều đó nằm trong giá trị truyền thống và thư viện nhỏ của gia đình tôi. Tôi hên, khi ông ngoại, bà ngoại giữ gìn truyền thống đó. Cũng có thể may mắn, nhưng còn phải kèm theo sự nắm bắt, lòng yêu nghề, tìm tòi.
Chính trong lúc tôi bi quan nhất thì ánh sáng loé lên. Đó là thời gian tôi học ở Italy, đang rầu vì không biết sử dụng chất liệu nào cho bài tốt nghiệp. Chất liệu phải là truyền thống Việt Nam, nhưng tôi lại không thích các chất liệu khác. Để đưa một giá trị Việt Nam truyền thống mà không bị đụng hàng là vấn đề nan giải. Trong những đêm buồn, nhớ nhà, tôi xem lại những bức hình gia đình mang theo, mới thấy chất liệu nằm trong đó - trong chiếc quần đen của mẹ.
Tôi thấy lãnh Mỹ A được thế giới thích nhất. Chất liệu ấy có truyền thống lâu dài và có một giá trị thăng trầm trong lịch sử. Chọn người lên Fashion TV, họ phải thấy mình có sự chuyên nghiệp, học hành ở đâu, làm như thế nào... Đó là chưa kể quá trình quay, phải mang theo một êkíp rất tốn tiền. Lý do chọn, theo như ông Michael Gleisner, Giám đốc FTV châu Á, đã nhận định: "Bộ sưu tập có một câu chuyện kể, xuyên suốt chiều dài lịch sử hình thành nên văn hóa Việt Nam".
- Vậy anh bị chất liệu này "hớp hồn" như thế nào?
- Khi nhà trường đồng ý, ở nhà gửi qua cho tôi mấy chất liệu cũ, chính là mấy cái quần của má hồi xưa. Má tôi là người đầu tiên đi tìm, đi tới đi lui rất là khó khăn, dệt từng mẻ vải. Khi mẻ đầu tiên được gửi qua trường, người ta nghĩ đó là da. Chu kỳ thời trang mà tôi học là từ 1890-1900. Ở đó, tôi được xem là một học sinh tiêu biểu của trường. Bộ sưu tập tôi làm ra mang tên Mơ về châu Á.
- Đi Tây kha khá, lại còn lên kênh Fashion TV, anh nghĩ gì về chỗ đứng sản phẩm của mình trong làng thời trang quốc tế?
- Muốn bước vào giới thời trang quốc tế không phải một ngày một bữa. Tôi đã mất 6-7 năm trời và bây giờ tôi đang ở bước đầu sự đón nhận của người ta, trong tương lai và rất nhiều dự án trước mắt, nhiều cái hay. Tôi muốn Võ Việt Chung và thương hiệu thời trang Võ Việt Chung - made in Vietnam sẽ gắn bó, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
- Năm 2006 anh đã được ghi nhận là người có công khôi phục, phát triển lãnh Mỹ A. Còn điều gì đó cho lãnh Mỹ A mà anh định làm nữa?
- Còn chiếc áo dài 100 mét định ghi vào kỷ lục Guinness thế giới nữa.
- Anh từng phát biểu: "Hãy tách tên Võ Việt Chung ra khỏi thời trang Việt". Điều đó chứng tỏ làng thời trang Việt rẻ rúng anh, hay anh muốn nói rằng Võ Việt Chung đã lên đến một tầm cao mới và chưa bao giờ có dính dáng đến thời trang Việt Nam?
- Tôi không muốn trả lời câu hỏi này.
- Anh cũng từng nói "Nếu tôi có quyền, như chị Minh Hạnh chẳng hạn, tôi sẽ làm khác". Điều đầu tiên anh sẽ làm nếu "có quyền" là gì?
- Thuở mới vào đời ai cũng có sự tự ái, buồn, nhưng khi phấn đấu, vượt qua rào cản đó mình sẽ thanh thản. Tôi thấy cuộc sống có nhiều điều đáng lo hơn là nghĩ đến việc người ta cần mình hay mình cần người ta.
Thay vì ngồi suy nghĩ như vậy, tôi dành thời gian làm bộ sưu tập đẹp hơn, tìm hiểu văn hóa các nước, bồi bổ kiến thức cho mình. Mấy năm sau này tôi không còn suy nghĩ vấn đề đó nữa. Bản thân tôi đã không còn xem những người ghen tỵ với mình là điều đáng quan tâm. Điểm đến của mình là gì, hãy để tương lai trả lời. Và họ sẽ thấy tôi không còn nằm trong hàng với những nhà thiết kế đó nữa.
- "Thuở hàn vi" của Võ Việt Chung như thế nào?
- Tôi sẽ viết tự truyện đăng thường xuyên trên một tờ báo. Tôi sẽ kể hết tất cả, nhưng không phải như ca sĩ, người mẫu đánh bóng tên tuổi, mà để động viên những người đồng cảnh ngộ. Nên nhớ rằng, dù hôm nay thành công nhưng đã có những ngày hàn vi. Thành công hôm nay chưa chắc đã đúng. Nếu không nhớ tôi như thế nào, xuất thân từ đâu thì thành công cũng sẽ bị lung lay.
- Anh từng nói sợ bị người trong nghề chơi xấu. Anh nghi người ta "ganh" vì tài anh, hay "ghét" vì con người cao ngạo của anh?
- Ồ, tôi nghĩ nếu có người nói như vậy thì họ chưa chắc có cơ hội tiếp xúc với tôi và tôi chưa chắc dành cho họ cơ hội tiếp xúc. Nãy giờ trò chuyện với tôi, bạn thấy tôi là người thế nào? Câu nói khi đó chỉ là một trong những thoáng qua. Không phải lúc nào cũng thành công, nên trong lúc bi quan, chột dạ, tôi phát biểu như vậy.
Đi sâu vào cũng thấy cái gì cũng có mặt trái của nó. Những người từng là thần tượng của mình mà đối xử với mình "buồn" quá, thì tôi bi quan. Trong nghề có sự cạnh tranh, nhưng tôi chỉ chấp nhận cạnh tranh lành mạnh. Và cảm ơn những lần như thế mà tôi mới có được như ngày hôm nay.
- Anh hài lòng với sự độc thân, nó có sức hấp dẫn nào?
- Nguyên tắc của tôi: sự nghiệp là hàng đầu. Tôi không ham tiền, nhưng nếu tôi không làm, không nắm bắt những bảo bối của gia đình, ai sẽ làm? Hơn nữa, tôi còn quá trẻ. Cuộc sống độc thân không tẻ nhạt. Dù cái gì cũng có bề trái của nó. Nhiều lúc tôi cũng buồn, cô đơn, nhưng hiện tại chưa phải lúc. Có vợ, rồi sẽ có con, mà có con thì trách nhiệm gia đình rất nhiều. Nếu tôi lập gia đình sớm liệu tôi có thành Võ Việt Chung hôm nay không?
- Vậy anh thích một gia đình như thế nào?
- Tôi thích cuộc sống như ba mẹ tôi, hai người rất hạnh phúc. Tôi sẽ có những đứa con thật dễ thương. Tôi thích một người vợ bình thường chứ không phải là người mẫu. Khi nào tôi thấy kinh doanh đủ ổn rồi, tôi sẽ lập gia đình.
- Võ Việt Chung ngoài công việc là một con người như thế nào?
- Cuối tuần tôi đi dự tiệc với bạn bè. Tôi rất ít bạn. Chỉ 2-3 người thôi, nhưng chơi với nhau mười mấy năm nay rồi. Cuộc sống không có bạn không làm được gì hết. Những lúc cô đơn không nói được với mẹ, chưa lập gia đình thì phải có những người bạn sát bên. Mình đặt bạn trong trái tim của mình thì mình sẽ có những gì mà họ muốn trao cho mình.
- Anh nghĩ gì về những điều mình đã nói và đã làm?
- Không hối tiếc! Tôi biết làm điều nào đó sẽ ảnh hưởng, nhưng tôi chấp nhận. Nhiều khi biết thua, tôi vẫn làm. Lý do là người khác không làm thì tôi làm. Tôi nhắc lại, tôi không cần giàu. Tôi làm vì thích. Như lãnh Mỹ A, tôi không cần người ta quan tâm, công nhận. Vì ban đầu người ta chửi tôi chỉ đưa chất liệu bậy bạ mà. Tôi làm cho tôi, không cần thiết phải công nhận, phải quan tâm!
(Theo Thể Thao Văn Hóa)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet