Con trai đi học xa nhà, hằng đêm điện thoại về để “báo cáo” tình hình trong ngày với ba mẹ. Trước khi kết thúc câu chuyện, tôi không quên dặn dò, mẹ nghe thông tin trên ti vi, Sài Gòn nắng nóng lắm, con nhớ giữ gìn sức khỏe, uống nhiều nước mát...”, ở quê mình mấy ngày nay mưa rồi con ơi, mưa xuống thật dễ chịu và là niềm vui không tả xiết của người nông dân quê mình.
Bỗng giọng con chùng xuống: “Mẹ biết không hồi nhỏ con thích nhất là mùa mưa, được nghỉ hè về ngoại chơi thoả thích, rồi còn được ăn ngon nữa chứ. Sao hồi đó bà ngoại nấu món nào ăn cũng ngon hết sẩy vậy mẹ?”. Ngày xưa, những chiều trời đổ mưa, con với thằng Long, thằng Phát con dì hai tắm mưa xong chạy vô nhà, bụng đói cồn cào, bà ngoại hối tụi con thay đồ nhanh nhanh kẻo lạnh, rồi bà lật đật vào bếp xúc cho mỗi thằng một tô cơm to đùng nóng hổi, chan nước thịt vịt kho gừng, vài cục thịt với một trái dưa leo non.
Trời ơi! chỉ một loáng đứa nào đứa nấy “quất” sạch tô cơm, trán rịn mồ hôi luôn đó mẹ, dù vừa trải qua cơn lạnh run vì dầm mưa”. Tự nhiên con nhớ ngoại, thèm được món ăn do ngoại nấu...
Ngập ngừng, con cười he he ghẹo mẹ “con nói mẹ đừng giận nha, giờ cũng những món như vậy nhưng mẹ nấu con ăn không thấy ngon bằng ngoại đâu”…
Đúng quá đi chứ!. Mảng bếp núc mẹ và mấy dì con tuy có chút ảnh hưởng từ bà ngoại, nhưng không thể nào sánh nổi với tài nghệ nấu nướng của ngoại con đâu.
Nguyên liệu cho món vịt kho gừng (Ảnh: Khampha.vn)
Những món ngoại nấu chẳng cao lương mỹ vị, rất dân dã vậy chớ món nào ăn cũng thật tuyệt vời. Có lẽ, một phần do sự pha phối món ăn của bà ngoại khéo léo, một phần do hồi xưa tất cả các nguyên liệu đều do nhà tự nuôi trồng nên độ tươi ngon hơn hẳn hàng mua từ chợ như bây giờ. Thứ nữa ngoại làm thức ăn cũng tùy theo tình hình thời tiết: trời nắng nóng bà thường nấu canh chua giải nhiệt, khi trời mưa gió ngoại làm món gì mằn mặn đậm đà ăn vào cho ấm áp…
Món thịt vịt kho gừng thường xuất hiện ở gian bếp nhà ngoại vào mùa mưa. Ngoại chọn những chú vịt vừa ăn, không quá già không quá tơ cắt tiết nhổ lông, rửa kỹ với muối và gừng để khử mùi hôi của vịt. Chặt từng miếng vừa ăn, rồi ướp với chút hành tỏi băm nhuyễn, cùng với đường, nước mắm, nước màu dừa trộn đều … để chừng 30 phút cho thịt thấm gia vị. Bắc nồi lên bếp rồi cho dầu ăn và hành tỏi băm vào phi thơm, đổ vịt đã ướp vào đảo nhanh tay cho đến khi miếng thịt xăn lại, rồi cho gừng cắt sợi vào. Tiếp đến cho thêm nước lọc vô nồi lấp xấp miếng thịt, để lửa liu riu đảo thịt cho ngấm đều gia vị. Đun cho đến khi nước trong nồi còn sền sệt, thịt vịt chín mềm, nêm lại cho vừa miệng rồi cho tiêu xay vào rồi tắt bếp.
Vịt nhà ngoại nuôi cho ăn toàn là lúa, được thả rong nên thịt nhiều và săn chắc ít mỡ, ăn vào không ngấy chút nào, miếng thịt thơm ngọt, từng thớ thịt rất đậm đà hòa quyên vị cay cay của gừng… dọn ra ăn cơm trắng, nó bắc cơm hết biết.
Thật bất ngờ, một thằng con trai trông rất “menly”, có vẻ như chẳng để tâm vào chuyện gì, mà bỗng dưng tuôn một tràn cảm xúc về thời thơ dại, bất giác làm mẹ cũng rưng rưng vì nhớ ngoại, nhớ những ngày xưa ấy ...
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet