Khi mới ra đời, cụm từ "blogger" đơn thuần ám chỉ người viết blog cá nhân, chia sẻ sở thích hay những điều riêng tư trong cuộc sống. Ngày nay, blogger trở thành một phần của truyền thông hiện đại. Họ xuất hiện ở mọi nơi, sở hữu một lượng độc giả cũng như khách hàng quảng cáo trung thành. Mỗi bài viết đăng trên trang cá nhân của các blogger nổi tiếng đều có sức ảnh hưởng lớn đến công chúng.
Thời trang là một trong những ngành công nghiệp chịu tác động lớn nhất từ thế lực truyền thông này. Ngoài các sao Hollywood, sự xuất hiện của blogger trên hàng ghế các tuần thời trang quốc tế cũng được coi như sự đảm bảo cho các bộ sưu tập nhanh chóng tiếp cận tới "thượng đế". Đổi lại, các hãng mốt phải chi trả tương xứng cho những lần góp mặt của các ngôi sao trên mạng này.
Mới đây, trang WWD tiết lộ, những tay viết online thu về mỗi năm ít nhất gần một triệu USD (khoảng 21 tỷ đồng). Ngoài các bài viết và dự án thời trang liên quan, mỗi lần tham gia chương trình khai trương, giới thiệu sản phẩm mới, các blogger nổi tiếng được trả trên dưới 50.000 USD (hơn một tỷ đồng). Các tên tuổi kém nổi bật hơn sẽ dừng lại ở mức 10.000-15.000 USD (khoảng 200 triệu đến 300 triệu đồng). Năm 2010, blogger Bryanboy (tên thật Bryan Grey-Yambao), giám khảo America's Next Top Model, từng công bố thu nhập một tháng của anh đạt 100.000 USD (hơn 210 triệu đồng), tương đương 1,2 triệu USD mỗi năm (tương đương 25,4 tỷ đồng).
Ngoài các sao Hollywood và VIP, blogger là một trong những đối tượng đông đảo nhất tại hàng ghế đầu các show thời trang quốc tế. Ảnh: Marieclaire. |
Rachel Parcall, chủ nhân của trang blog Pink Peonies, là một trong những blogger kiếm tiền nhiều nhất hiện nay. Theo số liệu thống kê của công ty quản lý kỹ thuật số Reward Style, Rachel có thể kiếm được ít nhất 960.000 USD (hơn 20 tỷ đồng) một năm chỉ tính riêng chương trình liên kết với các hãng thời trang. Ngoài ra, nguồn thu nhập của cô đến từ việc hợp tác với hai nhãn hiệu TRESemmé và J. Crew.
Một số nguồn tin cho biết hãng Rebecca Minkof từng đề nghị trả 3.000 USD (khoảng 60 triệu đồng) cho Rumi Neely, chủ nhân trang Fashiontoast, cho một tấm ảnh chụp mình đang mặc đồ denim của hãng trên Instagram. Bên cạnh đó, hãng này từng bị đồn là trả 5.000 USD (khoảng 100 triệu đồng) cho chủ nhân blog Song of Style để làm điều tương tự với một mẫu quần short in họa tiết rằn ri.
Với sự giúp sức của những ngôi sao mạng ảo, các nhà mốt không chỉ bán được sản phẩm mà còn khuếch trương được danh tiếng. Calvin Klein từng nhờ hàng loạt sao Hollywood và blogger, trong đó có Leandra Medine với website Man Repeller đông đảo fan, chụp ảnh mình mặc quần lót của hãng và đăng lên mạng. Kết quả là 300 bài viết từ 200 người nổi tiếng của 25 quốc gia đã giúp nhà mốt này thu hút 200 triệu người hâm mộ trên toàn thế giới và tạo nên 6 triệu lượt trao đổi về Calvin Klein trên Internet.
Các blogger thời trang nổi tiếng có sức ảnh hưởng lớn đến xu hướng tiêu dùng trong làng mốt thế giới. Ảnh: Zimbio. |
Nhận được thù lao hậu hĩnh nhưng bản thân các blogger thời trang cũng phải đầu tư không ít cho sự nghiệp. "Thật khó để nói ra con số chính xác nhưng tôi khẳng định những gì mình kiếm được đều được tái đầu tư vào công việc", Bryanboy chia sẻ.
Một trong những danh mục "đau đầu" nhất với các blogger thời trang là nộp thuế. Theo Fashionista, khi tham gia một dự án kéo dài 3 ngày với tiền lương 10.000 USD tại Mỹ, các blogger phải trích ít nhất 30% để đóng thuế liên bang và 7% thuế bang sở tại, tương đương 3.700 USD. Bên cạnh đó, họ còn phải chi trả 20% tiền hoa hồng - tương đương 2.000 USD - cho các công ty môi giới; 10% - khoảng 1.000 USD - cho vẻ ngoài đi dự sự kiện; 6% - khoảng 600 USD - tiền thuê trợ lý và 3% - khoảng 300 USD - tiền ăn ở, đi lại. Số tiền còn lại blogger có được là 2.400 USD. Con số này vẫn chưa bao gồm các khoản lặt vặt như thay mới, sửa máy tính, máy ảnh, điện thoại.
Bryanboy cho biết các tin đồn về việc blogger được nhiều hãng thời trang đài thọ tiền vé máy bay di chuyển giữa các tuần thời trang là không chính xác: "Tôi không bao giờ quên được lần đầu tiên tới Milan Fashion Week. Khi ấy, tôi phải ở nhờ nhà một người bạn vì không thể bỏ ra ít nhất 400 euro để thuê phòng khách sạn cho một đêm". Đến giờ, mỗi khi đặt chân đến các tuần thời trang Milan và Paris, Bryanboy vẫn phải tìm cách thuê chung phòng với các blogger khác để giảm thiểu chi phí ăn ở.
Tuy vậy, quần áo lại là thứ các blogger xếp vào danh mục "không thể tiết kiệm". Bryanboy cho biết, trang phục và phụ kiện không chỉ giúp anh thể hiện phong cách "chất" cùng đam mê thời trang mà còn khẳng định vị thế trong nghề. Thi thoảng, các hãng cũng cho blogger mượn đồ tới sự kiện nhưng điều này không phải thứ Bryanboy hướng tới. "Làm sao bạn có thể tự khẳng định gu thời trang nếu cứ mặc đồ người khác cho hoặc mượn? Thực lòng mà nói, tôi không muốn trở thành Cô bé Lọ Lem thời hiện đại", blogger thẳng thắn.
Là một trong những blogger thời trang "hot" nhất hiện nay, Bryanboy cũng là giám khảo của chương trình America's Next Top Model. Ảnh: Vogue. |
Ngoài ra, các blogger còn phải chăm sóc cho "đứa con" tinh thần là trang blog. Muốn kiếm tiền để nuôi dưỡng niềm đam mê đồng nghĩa với việc họ phải đầu tư, nâng cấp cho trang web thay vì dựa vào những thứ có sẵn và miễn phí. Năm 2006, Phil Oh từng thuê một người bạn để thiết kế lại logo cho trang web. Anh cho biết chi phí bỏ ra khi ấy đều đắt đỏ nhưng nó "xứng đáng với từng đồng tiền bát gạo".
"Giống như mọi ngành kinh doanh khác, bạn có thể đầu tư bao nhiêu tùy thích vào trang blog thời trang để tạo nên môi trường công việc mình mong muốn", Nicolette Mason - cộng tác viên thường xuyên của Marie Claire kiêm chủ nhân trang blog thời trang Nicolettemason chia sẻ.
Thành Trương
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet