Nội dung

Được coi là "hiện tượng" của làng thời trang thế giới, victoria beckham khi lấn sân sang lĩnh vực thiết kế đã gặt hái được thành công vang dội. Năm 2008, khi mới giới thiệu bộ sưu tập đầu tay tại New York Fashion Week, bà beck nhận được nhiều lời nhận xét tích cực như "quá ấn tượng", "đáng khao khát", "thực sự đẳng cấp"... từ các nhà chuyên môn. Đến năm 2013, Victoria tự hào công bố công ty thời trang của mình đã kiếm được trên dưới 50 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với năm 2012.

Victoria beckham từng bị chế nhạo khi lấn sân sang thiết kế

Bà Beck từng bị không ít hãng thời trang yêu cầu không được mặc đồ của họ. Ảnh: Vogue.

Tuy vậy, con đường vươn tới thành công trong nghề thiết kế của vic không chỉ trải hoa hồng. Khi trả lời phỏng vấn với Business of Fashion, cô tâm sự: "Trong một thời gian dài, tôi từng bị coi là trò cười". Bất chấp mong muốn bước chân vào làng mốt một cách nghiêm túc của bà Beck, những người trong giới lại tỏ ra không mấy chào đón. Khi ấy, người ta chỉ nhớ tới cô với tư cách "một nửa" của David Beckham. Không chỉ nhạo báng bầu ngực căng mẩy, cách tạo dáng chụp ảnh cho đến mái tóc bob nhuộm vàng hoe của Vic, một số nhà mốt còn yêu cầu cô không được phép mặc trang phục của họ.

"Trong khi người ta mải mê cười cợt, tôi tìm cách đặt nền móng cho mọi thứ mình có hôm nay", bà Beck tâm sự. Việc đầu tiên cô làm là hợp tác với hàng loạt hãng mốt khác, ví dụ Linda Farrow cho kính mắt, đồ denim; Coty cho nước hoa và Samantha Thavasa cho phụ kiện... Những mối hợp tác này không giúp cô tạo ra được các sản phẩm cao cấp nhưng lại giúp Victoria beckham có những kiến thức cơ bản về cách thức hoạt động của ngành thời trang.

Victoria beckham từng bị chế nhạo khi lấn sân sang thiết kế

Vic đã phải mất một thời gian dài để chứng tỏ bản thân trước cái bóng của David Beckham.

Cô tâm sự: "Thời ấy, tôi muốn được thiết kế thời trang và nảy ra ý định sẽ hợp tác cùng những công ty này. Họ có sẵn các nền tảng nên tôi chỉ cần bước vào và trở thành nhà thiết kế . Bản thân tôi cực kỳ thích điều đó. Tại đây, tôi được học rất nhiều thứ, từ quy trình tạo ra sản phẩm cho đến làm thế nào để tạo ra dấu ấn cá nhân trong làng thời trang".

Tuy vậy, các mối hợp tác giữa Vic và những hãng thời trang này chỉ là bước khởi đầu. Sau một thời gian làm việc, bà Beck muốn nhiều thứ hơn một mối quan hệ cộng sinh giữa các công ty thời trang và người nổi tiếng. Cô muốn được trở thành một mắt xích trong chuỗi sáng tạo cũng như tham gia vào các hoạt động kinh doanh khác trong ngành thời trang. Cuối cùng, Vic quyết định khẳng định bản thân bằng cách cho ra mắt thương hiệu riêng mang tên mình.

Victoria beckham từng bị chế nhạo khi lấn sân sang thiết kế

Studio thiết kế của Victoria Beckham. Ảnh: Fairermedia.

Tuy vậy, Vic cũng thừa nhận người nổi tiếng có lợi thế nhất định khi bước chân vào làng mốt. Việc trở thành sao đồng nghĩa mọi lời nói của cô đều được chú ý và lắng nghe. Nếu tận dụng được điều này, bà Beck sẽ không phải tốn quá nhiều chi phí để quảng bá sản phẩm.

Nhưng Victoria không chọn cách này. "Tôi không muốn sử dụng chiêu bài đó thường xuyên. Bản thân tôi thích làm việc chăm chỉ và tập trung cho việc kinh doanh một cách thông minh hơn. Tôi muốn kiểm soát cách công chúng nhìn nhận mình. Và tôi cũng không muốn suốt ngày phải ra ngoài chụp ảnh để quảng bá bản thân". Theo bà Beck, đây cũng là một trong những lý do khiến cô vượt qua được mọi định kiến trước đây để trở nên thành công trong ngành công nghiệp thời trang khắc nghiệt.

Văn phòng chính của Victoria Beckham được đặt tại Battersea, London (Anh). Cô có khoảng 100 nhân viên làm việc ở đây, từ thiết kế, phát triển sản phẩm, kinh doanh, marketing, điều hành cho đến tài chính. Bà Beck tâm sự rằng nơi cô làm việc không cần đến những thứ hào nhoáng, "Không ai coi tôi là người nổi tiếng cả. Mọi người đối xử bình đẳng với nhau".

Thành Trương

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục