Rối loạn tâm thần (loạn thần) ở tuổi thiếu niên là một trong những vấn đề y tế đáng lo ngại hiện nay ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới.
Ảnh hưởng môi trường gia đình lẫn xã hội
Một thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết hằng năm, nước này có đến 13%-20% trẻ từ 17 tuổi trở xuống mắc phải những vấn đề về tâm thần. Trong đó, nhiều nhất là hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (6,8%), rối loạn trầm cảm (3%), rối loạn lo âu (2,1%). Đây còn được coi là một trong những yếu tố chính dẫn đến hiện tượng tự tử - vốn là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ hai của trẻ 12-17 tuổi ở Mỹ trong năm 2010.
Tại Việt Nam, tuy chưa có con số thống kê chính thức nhưng qua một số khảo sát nhỏ lẻ cũng cho thấy tỉ lệ mắc các vấn đề về tâm thần ở trẻ trong độ tuổi trung học khoảng trên 10%.
Các bạn trẻ tham gia một buổi sinh hoạt về cách ứng phó với stress
Theo ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP HCM, rối loạn tâm thần ở lứa tuổi vị thành niên ngày nay thường xuất hiện ở các nhóm đối tượng: Bị bạo hành, lạm dụng chất kích thích, nghiện game, mâu thuẫn gia đình dẫn đến bỏ nhà đi bụi, bị ảnh hưởng bởi xu hướng tình dục hóa, bị áp lực học quá nặng nề.
“Mới đây, chúng tôi giám định cho một thanh niên 25 tuổi, bị bắt vì hành vi cướp giật, đã hơn 10 năm nghiện game và bị hàng xóm cho là “khùng khùng” từ hồi còn thiếu niên. Kết quả giám định cho thấy cậu ta quả thật có vấn đề. Tại Mỹ có định nghĩa về “hội chứng nghiện game” khiến người ta xa rời thực tại và tựa như rơi vào không gian ảo, dẫn đến mất ngủ, trầm cảm, rối loạn hành vi và thậm chí loạn thần. Nếu bị từ giai đoạn niên thiếu như trường hợp trên, cố nhiên sự phát triển tâm thần, việc học hành bị tác động nặng nề, dẫn đến gây án vì không kiểm soát được hành vi do bệnh hay không thể tự làm việc nuôi thân…” - BS Quang giải thích.
Theo BS Quang, các yếu tố nghiện game, lạm dụng chất kích thích, xu hướng tình dục hóa có thể coi là những nguyên nhân mang tính thời đại. “Tại các bệnh viện (BV) chuyên khoa, số trẻ vị thành niên đến khám vì rối loạn stress, rối loạn lo âu, trầm cảm… cũng dần tăng cao”- BS Quang cho biết.
BS Lâm Hiếu Minh, Phó trưởng Khoa Khám trẻ em và BV ban ngày thuộc BV Tâm thầm TP HCM, nhấn mạnh: “Ở giai đoạn dậy thì, trẻ có sự biến đổi về cơ thể lẫn tâm sinh lý mạnh mẽ nhất, nhân cách cũng chưa hoàn thiện nên thường dễ bị tác động về mặt tinh thần nhất. Trẻ vị thành niên bị rối loạn tâm thần tìm đến chúng tôi thường là bị các chứng rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn hành vi nhiều nhất”.
BS Minh cho rằng ngoài tác động từ xã hội, những trẻ này cũng thường gặp các vấn đề từ trong gia đình. “Ngày nay, trong nhiều gia đình ít có sự nâng đỡ như những thế hệ trước. Cấu trúc gia đình lỏng lẻo, cha mẹ bị cuộc sống cuốn đi, ít quan tâm đến con cái… Đây là những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các vấn đề về tâm thần ở trẻ” - BS Minh lo ngại.
Rất dễ mất kiểm soát
Theo BS Quang, rối loạn tâm thần ở tuổi vị thành niên còn nguy hiểm ở chỗ dễ khiến người bệnh có các hành vi bột phát. Trong nhiều trường hợp, rối loạn tâm thần ở người trẻ thường có biểu hiện rất mãnh liệt, triệu chứng rõ ràng, gia tăng hành vi xung động, kích động, thậm chí dẫn đến xu hướng toan tự tử và tự tử.
Xu hướng này đang tăng cao ở nhiều nước song song với tỉ lệ thanh thiếu niên mắc rối loạn tâm thần. Đặc điểm của nhóm bệnh nhân này là dễ rơi vào cơn hoảng loạn do không đủ bình tĩnh để đối diện với các biến cố, sang chấn, dẫn đến những hành động gây hại cho người xung quanh và kể cả bản thân mình. Vì thế, việc được bảo đảm một môi trường gia đình, một nền giáo dục tốt và cho trẻ có điều kiện được hướng dẫn, rèn luyện kỹ năng sống, cách đối diện với stress là những cách có thể giúp phòng ngừa rối loạn tâm thần ở lứa tuổi này.
Bị rối loạn tâm thần vì lạm dụng chất kích thích càng nguy hiểm hơn. Nhiều vụ án đau lòng từng xảy ra khi hung thủ đã có sẵn bệnh, lại bị tác động bởi chất kích thích và gặp ảo giác cấp. Các loại ma túy tổng hợp sau này, thông dụng nhất là “hàng đá”, có nguy cơ gây ảo giác cao hơn rất nhiều so với các dạng chất kích thích thế hệ trước.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet