Đã là hoa hậu thì phải dao kéo!
Eva Ekvall kể rằng khi 17 tuổi, cô ấy khá hom hem, ngực lép và mơ ước có đủ tiền để mua một chiếc xe hơi đời mới. Vì vậy cô đã tham gia vào một cuộc thi sắc đẹp tại Venezuela. Phẫu thuật thẩm mỹ là điều mà cô chưa bao giờ từng nghĩ tới.
Và cô tìm gặp Osmel Sousa, ông trùm của các hoa hậu tại cường quốc sắc đẹp Venezuela. Chỉ ba tháng qua tay đào tạo của Osmel Sousa, cô đã tăng được thêm 10 kg, mũi gọn, và ngực lớn hơn. Sự thay đổi ấy giúp Eva Ekvall đoạt được ngôi Á hậu của cuộc thi Hoa hậu Venezuela.
venezuela giành được chiến thắng trong các cuộc thi sắc đẹp toàn cầu nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác. Điều đáng ngạc nhiên là hầu hết mọi chiếc vương miện của đất nước Nam Mỹ này đều do của phù thủy Osmel Sousa tạo nên. Ông ta dạy họ từ cách đi đứng, cười nói, cho tới kỹ thuật ăn uống và cả tư vấn chọn hình thức phẫu thuật thẩm mỹ phù hợp.
Osmel Sousa là một người gốc Cuba, điều hành cuộc thi Hoa hậu Venezuela từ năm 1981. Ông là một người cho rằng sắc đẹp hoàn hảo phải có sự trợ giúp của mỹ phẩm và dao kéo.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2008, ông đã khẳng định với phóng viên: “Hoa hậu không phải cuộc thi tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên. Nó là cuộc thi sắc đẹp và khoa học giúp hoàn thiện sắc đẹp. Vì thế chẳng có gì là sai trái khi các thí sinh được quyền dao kéo.”
Nhan sắc tự nhiên không bao giờ lọt được vào các cuộc thi sắc đẹp ở Venezuela
Công nghệ sản xuất hoa hậu kỳ công
Ines Ligron – Giám đốc của tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Nhật Bản ca ngợi: “Venezuela có dây chuyền sản xuất hoa hậu rất đặc biệt. Mọi thứ đều được tính toán. Tất cả những người đẹp của họ chuẩn như tượng và phải trải qua quá trình tập luyện cực kỳ khắt khe.”
Tuy nhiên, ngành công nghiệp sản xuất hoa hậu ở Venezuela cũng gặp phải vô số chỉ trích. Arthur Caplan, giám đốc của trung tâm nghiên cứu sinh học thuộc đại học Pennsylvania cho rằng: “Thật vô đạo đức khi ép các cô gái trẻ, mới 17, 18 tuổi phải bơm ngực để đáp ứng các cuộc thi sắc đẹp”
Osmel Sousa thường xuyên tổ chức ra những chương trình thu hút các “gà” để ông đưa vào lò luyện hoa hậu. Để lọt vào mắt xanh của Osmel, các thí sinh phải gây được ấn tượng nhờ thành tích tham gia vào hàng trăm show diễn thời trang hoặc lịch sử từng tham gia bao nhiêu cuộc thi sắc đẹp.
Vào khoảng tháng 3 hàng năm, khoảng 300 cô gái tham dự vào Hoa hậu Venezuela sẽ thẳng tiến tới biệt thự màu hồng cá hồi nổi tiếng của Sousa để tiến hành một chiến dịch luyện tập khắc nghiệt dưới sự giám sát của ông trùm, chuyên gia về nha khoa Moises Kaswan, bác sĩ thẩm mỹ Peter Romer. Những đánh giá của ba người này là yếu tố quan trọng để cuộc thi Hoa hậu Venezuela tìm được người chiến thắng.
Các cô gái trẻ 15 - 17 tuổi đã can thiệp thẩm mỹ với hy vọng thành danh ở các cuộc thi sắc đẹp
Với mái tóc bạc và đôi mắt xanh, Sousa được miêu tả như một người đàn ông sở hữu giọng nói nhẹ nhàng nhưng lại rất nghiêm khắc.
Chỉ có khoảng 60 người trong số 300 cô gái được lựa chọn sẽ tham gia vào khóa huấn luyện chính thức kéo dài 3 – 6 tháng. Họ sẽ học tiếng Anh, kỹ năng trình diễn thời trang, nhảy múa, giao tiếp.... Họ được Sousa trả cho mọi chi phí nhưng đổi lại, sẽ mất 20% phần thưởng từ chiến thắng của mọi cuộc thi sắc đẹp sau khóa đào tạo.
“Cô trông dễ thương nhưng mũi lại gồ ghề”, “Chúng ta cần sửa lại răng của cô này”… là những câu cửa miệng của Sousa. Đối với Sousa, không một sắc đẹp tự nhiên nào hoàn hảo. Tất cả đều phải được chỉnh sửa. Và sau khi người đàn ông này thốt ra bất kỳ lời nhận xét nào về ngoại hình, những cô gái sẽ nhanh chóng lên bàn phẫu thuật để trùng tu cơ thể. Có những trường hợp nâng ngực từ năm 14 – 15 tuổi.
Ngoài một số ca phẫu thuật thông dụng để biến vịt thành thiên nga như sửa mũi, cắt lợi, chỉnh nha, hút mỡ, sửa đầu gối, bơm mông… thì người ta không khỏi giật mình khi để có được thân hình săn chắc, ngoài việc luyện tập, một số học viên còn phải khâu màng nhựa vào lưỡi để hạn chế sự thèm ăn.
Dayana Mendoza, Hoa hậu Hoàn vũ cũng là một sản phẩm hoàn hảo của Osmel Sousa. Cô từng tham gia vào lò luyện của Sousa từ năm 2007 và dao kéo rất nhiều bộ phận như nâng ngực, sửa mũi, hút mỡ ở chân…. “Ông ấy đã thay đổi cuộc đời tôi” – Dayana cho biết.
Dayana là một sản phẩm hoàn hảo của lò luyện hoa hậu
Từ hoa hậu tới nỗi ám ảnh về ngoại hình của phụ nữ Venezuela
Các cuộc thi sắc đẹp đã trở thành một phần trong văn hóa của Venezuela. Không chỉ thế nó còn là niềm hãnh diện của quốc gia. Tại quốc gia này, mỗi năm có hàng nghìn cuộc thi hoa hậu lớn bé, trong nhà tù, trường học, doanh trại quân đội. Bởi vậy, ngành công nghiệp sản xuất hoa hậu của họ luôn hoạt động hoàn hảo, không được phép có một sai phạm nào, dù nhỏ nhất.
Bản thân các cô gái Venezuela cũng lớn lên với quan niệm nhan sắc là công cụ để đổi đời.
“Ở nơi này, xấu xí là điều bất hạnh nhất” – Rivero, quản lý một mỹ viện chia sẻ. Tại đất nước của sắc đẹp nhân tạo, thẩm mỹ trở thành một nỗi ám ảnh. Venezuela là đất nước có tỉ lệ phẫu thuật thẩm mỹ cao nhất thế giới.
Mặc dù là đất nước còn đói nghèo và chỉ được xếp vào hàng “đang phát triển” xong người Venezuela vẫn chi mạnh tay cho phẫu thuật thẩm mỹ.
Lúc sinh thời, cố tổng thống Hugo Chavez luôn phản đối điều này bởi ông cho rằng thật phi lý khi những người nghèo khổ lại có thể bỏ hàng đống tiền cho việc sửa ngực. Cô Mieles – một người dọn dẹp, sẵn sàng bỏ ra gần 7000 đô la (140 triệu đồng) tương đương với tiền sinh hoạt cả năm của gia đình cô để nâng ngực.
Thậm chí manocanh ở Venezuela cũng phải sở hữu một bộ ngực khổng lồ
Một điều hài hước ở Venezuela là các manocanh ở đây cũng sở hữu cơ thể “được cho là hoàn hảo”, đó là thân hình mảnh mai nhưng bộ ngực lại to gấp ba lần manocanh bình thường. Nó thể hiện khát khao cải thiện ngoại hình bằng silicon của đại đa số phụ nữ nơi đây.
Điều này cũng kéo theo nhiều hiểm họa. Hàng trăm phụ nữ đã chết vì các ca bơm silicon vào cơ thể và hàng ngàn phụ nữ ở xứ sở hoa hậu phải quằn quại chịu đựng những cơn đau từ biến chứng sau thẩm mỹ.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet