Cứ mỗi độ thu về, khi những cây lúa chín dần ngả sang màu vàng trên những thửa ruộng bậc thang vùng Tây Bắc thì những cung đường lại tấp nập khách du lịch. Nếu có dịp lên Tây Bắc mùa này, hẳn bạn sẽ ngỡ ngàng trước một vùng rộng lớn rực lên với sắc vàng mê mải của lúa chín trên nền trời xanh trong vắt, chen lẫn với những bộ trang phục nhiều màu sắc của bà con các dân tộc vùng cao.
Ruộng bậc thang ở Mù Căng Chải
Thảo nguyên xanh Mộc Châu
Mộc Châu là cao nguyên rộng lớn và xinh đẹp nhất vùng núi phía Bắc thuộc tỉnh Sơn La. Nằm trên cung đường Tây bắc nổi tiếng với những cảnh quan kỳ vĩ, những ngôi làng xinh xắn ven đường với những mùa hoa cải, hoa mận ngút trời… Mộc Châu luôn được xem là thiên đường cho những du khách thích du lịch bụi (dân phượt).
Đến Mộc Châu, du khách đắm chìm với cảnh sắc đầy thơ mộng và lãng mạng của rừng thông bản Áng, thác Dải Yếm, những đồi chè xanh mướt như một thảm lụa xanh kéo dài bất tận, và ngôi nhà nhỏ nằm ẩn mình dưới những tán rừng chứa đựng cả một không gian văn hóa của người H'Mông, người Dao, rồi cả những món ăn đặc sản miền sơn cước, hay những sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang đậm bản sắc văn hóa lâu đời.
Thảo nguyên Mộc Châu với đặc trưng nổi bật là những đồi chè xanh chạy dài hết quả đồi này đến quả đồi kia. Hay những đồng cỏ xanh mướt mắt trải dài tít tắp, thi thoảng, bắt gặp trên đó những đàn bò sữa, đàn trâu nhẩn nha gặm cỏ, ngơ ngác ngẩng đầu nhìn người lạ.
Mộc Châu lúc nào cũng có vẻ tươi mới, lạ lẫm khiến du khách không chán, đặc biệt là vẻ đẹp của cỏ hoa thiên nhiên. Mùa xuân ngắm hoa đào, hoa ban nở, mùa hè trốn nóng, mùa thu êm đềm tận hưởng không khí mát mẻ và ngày đầu đông ngắm những cánh đồng hoa cải trắng bạt ngàn. Đến Mộc Châu, ngoài thưởng ngoạn thiên nhiên, bạn cũng đừng nên bỏ qua những món ngon nổi tiếng tại xứ sở này như bê chao, sữa chua, thịt lợn cắp nách, gà đồi, nếp nương…
Bên cạnh những địa danh vốn quen thuộc với khách du lịch, còn có một địa điểm nổi tiếng nhưng ít người đặt chân tới, được mệnh danh là “nóc nhà của Mộc Châu” - đỉnh Pha Luông gắn liền với bài thơ Tây tiến nổi tiếng của nhà thơ Quang Dũng. Núi Pha Luông hay còn gọi là Bờ Lung (trong tiếng Thái có nghĩa là núi lớn) có độ cao gần 2.000 mét ở khu vực biên giới Việt – Lào, phía đông của huyện Mộc Châu.
Những cô gái người Thái đi thu hoạch lúa
Địa danh Pha Luông in đậm trong tâm trí người dân Mộc Châu với những đỉnh núi sừng sững, những ngôi nhà vách gỗ, mái lợp tranh ẩn hiện trong sương mù giữa lưng chừng núi. Để leo lên được đỉnh Pha Luông, du khách phải vượt qua những con dốc khá cao, xuyên qua khu rừng tre xanh ngắt mát rượi như trong cảnh quay của các bộ phim cổ trang Trung Quốc, băng qua thung lũng rộng lớn như những thảo nguyên bát ngát của Mông Cổ.
Đi qua một đồng cỏ rộng lớn lên cao, du khách lại bắt gặp một rừng già nhiệt đới rậm rạp nhiều cây lớn. Con đường đi khó khăn là thế nhưng khi đặt chân lên đỉnh núi, du khách sẽ cảm nhận được một cảm giác tuyệt vời: không khí trong lành, những đám mây như vờn xung quanh, xa xa là những cột khói bốc lên từ những mái nhà của người dân tộc. Tất cả cảnh sắc đều thu vào trong tầm mắt của du khách.
Mai Châu bình dị
Cách Hà Nội 130km, Mai Châu (thuộc tỉnh Hòa Bình) hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp tự nhiên, bình dị và những người dân hiếu khách thân thiện. Đứng trên đỉnh dốc Cun, thung lũng Mai Châu như một bức tranh thủy mặc, đôi khi là màu vàng óng của lúa chín, hay xanh mướt của cây cối, thấp thoáng là những nếp nhà sàn nhỏ xinh, ẩn hiện trong khói lam chiều.
Thung lũng Mai Châu còn là nơi tập trung sinh sống của đồng bào dân tộc Thái trắng của tỉnh Hòa Bình. Người Thái nơi đây vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc của họ như nhà sàn, những điệu múa điệu xòe truyền thống. Thật không khó để bắt gặp một cô gái Thái trong trang phục truyền thống đang e ấp bên khung cửi dệt thổ cẩm hay các chàng trai miệt mài với công việc chế tạo công cụ săn bắn, lao động.
Mai Châu về đêm không hề buồn tẻ, trái lại du khách sẽ được hòa mình trong tiếng chiêng, tiếng trống rộn rã của đội văn nghệ bản Lác với những chàng trai, cô gái Thái, những điệu xòe, điệu quạt cùng nhiều bài hát bằng tiếng Thái. Bạn sẽ khó từ chối lời mời vào nhảy sạp hay nối rộng vòng tay cho dẫu bạn có vụng về.
Đêm Mai Châu còn là những đêm lửa trại, bên ánh lửa bập bùng du khách cùng nắm tay nhau nhảy múa hay đôi khi ngồi quây quần tâm sự ôn lại những kỷ niệm đã qua. Cái lạnh cũng khá dịu dàng, trong sự thinh lặng của màn đêm Mai Châu, vị ngọt rượu cần theo du khách vào giấc ngủ ấm áp có chăn sui, gối cỏ, trên chiếc sàn tre mộc mạc, đưa du khách vào những giấc mơ tuyệt vời nơi bản Lác nguyên sơ.
Nằm ở phía Tây Nam của thị trấn Mai Châu, hang Chiều nằm trên dãy núi đá vôi Pù Khà dọc theo hướng Bắc che chắn cho thị trấn Mai Châu. Gọi là hang Chiều vì mỗi khi chiều về, ánh mặt trời chiếu vào lòng hang, soi sáng thạch nhũ tạo nên vẻ đẹp như chốn bồng lai. Từ chân núi lên cửa hang khoảng 1.200 bậc, tuy dài nhưng đường dễ đi. Từ cửa hang du khách có thể chiêm ngưỡng thị trấn Mai Châu trù phú, thơ mộng phía dưới.
Mù Căng Chải hùng vĩ
Vào mùa thu, huyện Mù Căng Chải (Yên Bái) tựa như một bức tranh giữa núi rừng Tây Bắc với những thửa ruộng bậc thang hút tầm mắt, vàng óng một màu ẩn hiện trong mây. Nhắc đến Mù Căng Chải là người ta nhớ ngay đến một địa danh xa xôi, hẻo lánh nhất với những cung đường quanh co đầy nguy hiểm như những “con đường tử thần”.
Những ruộng lúa bậc thang là nét đẹp độc đáo của vùng Tây Bắc
Từ thị xã Yên Bái, ven theo quốc lộ 32 ngược vào Mường Lò, du khách sẽ đến được Suối Giàng - nơi nổi tiếng với những cây chè cổ thụ trăm tuổi, thưởng thức hương vị thơm nồng của chén trà shan tuyết. Đến Suối Giàng, du khách sẽ được ngắm nhìn cảnh quan kỳ vĩ một màu xanh của núi rừng và những ngôi nhà của người Mông nằm dưới những vòm cây yên ả.
Lên đến Mù Căng Chải, du khách sẽ bị hút hồn bởi những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ đẹp mê hồn như những cung đàn, nốt nhạc trải dài bên sườn núi. Ruộng bậc thang là Mù Căng Chải là di tích danh thắng được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Nếu đi bằng xe máy, du khách sẽ được thưởng thức vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc khi đứng trên đèo Khau Phạ - nơi được mệnh danh là một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam.
Nếu đã quá quen thuộc với những cung đường quanh co và ngắm nhìn những thửa ruộng vàng óng, du khách có thể “đổi hướng” sang thác Mơ để thấy được hết vẻ đẹp hùng vĩ của vùng sơn cước. Thác Mơ nằm giữa đỉnh Nả Háng A và Nả Háng B thuộc địa phận xã Mồ Dề (huyện Mù Cang Chải). Từ quốc lộ 32, đi bộ khoảng 30 phút, du khách sẽ vào đến chân thác.
Ngồi trên các bè mảng thả trôi, du khách sẽ cảm thấy như đang lạc vào cõi bồng lai tiên cảnh với những dòng thác chảy dài trong suốt, bọt tung trắng xóa, phía dưới là dòng nước trong vắt, trên cao là khoảng trời xanh với muôn màu hoa rừng nở. Đi tiếp đến điểm thác một tầng, dòng nước chảy theo hình xoắn ốc - là điểm lý tưởng để thưởng thức dòng nước sạch trong mát. Du khách có thể dùng lực chảy của dòng nước để mát-xa đôi bàn chân sau một chặng đường dài đi bộ.
Tiếp tục đi bộ ngược theo dòng thác Mơ, du khách sẽ đến được điểm thác 4 tầng. Tầng thứ nhất của điểm thác 4 tầng trải dài khoảng trên 30 mét, dòng nước đổ từ trên cao xuống như những dây kim cương chảy mãi khiến người ta bị mê hoặc bởi cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Tầng thứ hai dàn trải như một hồ nước nhỏ bọt tung trắng xóa - đây là điểm lý tưởng nhất để du khách có cảm giác mạnh nếu có nhu cầu thả mình theo dòng thác để thư giãn. Tầng thứ 3 thắt lại giống hình miệng phễu khiến cho khung cảnh thật huyền ảo, cuốn hút lòng người. Tầng thứ 4 như một rèm cửa trong cung điện nguy nga, đổ từ trên cao 5 mét xuống.
Điểm thác 4 tầng này là nơi ấn tượng nhất để du khách có thể lưu lại những hình ảnh đẹp có một không hai khi lên Mù Căng Chải. Dừng chân ở nơi đây có cảm giác như mưa xuân đang rơi nhè nhẹ: những giọt nước bay man mát trước mặt chính là do sự va đập của dòng thác từ trên cao vào những tảng đá, tạo cho du khách một cảm giác tuyệt vời, mọi mệt mỏi đều tan biến hết.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet