Liệu lần này nhà chức trách có triệt tận gốc được vấn nạn SIM rác, thuê bao ảo vốn hoành hành những năm qua ngày càng thêm trầm trọng? Sở dĩ đặt lại câu hỏi muôn đời này vì trong những năm qua, sau hết những chiến dịch này đến những đợt kiểm tra nọ, SIM rác vẫn như “đầu Phạm Nhan” chặt hoài không hết nổi, nó không chỉ sống khỏe mà còn càng mọc thêm nhiều đầu hơn.
SIM rác và thuê bao ảo
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến cuối tháng 9-2016, tổng số thuê bao di động tại Việt Nam là 129 triệu (tăng 6% so với cùng kỳ năm trước). Đây lại là một con số ấn tượng nữa nếu so sánh với dân số Việt Nam hiện nay khoảng 92 triệu người. Và nếu trừ đi khoảng 20 triệu người dưới 15 tuổi, độ vênh càng lớn hơn, rõ ràng là số thuê bao ảo không hề nhỏ.
Thực tế thuê bao ảo chính là hệ quả của SIM rác. Và đây là điều khiến cho việc xóa sổ SIM rác gặp khó khăn, trước hết ngay từ các nhà mạng - nơi sản sinh ra SIM rác.
Ở Việt Nam và một số nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi, SIM trả trước bị biến tướng trở thành SIM rác khi bị nhà mạng sử dụng làm vật khuyến mãi để thu hút khách hàng. Họ bán những loại SIM này thật rẻ nhưng lại có giá trị cước dịch vụ nạp sẵn rất cao, có khi cao hơn nhiều lần. Người ta mua SIM này, có số điện thoại riêng cho từng SIM, xài hết cước chứa sẵn trong đó thì quẳng SIM đi, mua SIM mới xài tiếp. Và cứ mỗi lần bán ra một SIM mới được kích hoạt, nhà mạng lại kiếm thêm được một thuê bao mới. Đó là lý do các nhà mạng trước đây chạy đua nhau về số lượng thuê bao với những con số tăng trưởng hoa cả mắt. Ở đây là một hiệu ứng dắt dây, có số lượng thuê bao đông thì càng dễ quảng cáo để thu hút thêm thuê bao mới.
Bán SIM rác vừa có doanh thu vừa có thêm thuê bao mới, đó là lý do nhà mạng khó lòng từ bỏ SIM rác. Trong khi đó người tiêu dùng xem đây là một giải pháp tiết kiệm chi phí khi dùng các dịch vụ điện thoại.
Ở các nước tiến bộ thì thông tin bị quản lý rất chặt nên không có SIM rác. Ảnh: INTERNET
Vì đâu nên tội?
Thật ra SIM rác lâu nay vẫn là một công cụ gây án của bọn tội phạm. Những lần qua Đài Loan, tôi không thể mua được SIM trả trước vì nhà chức trách chỉ cho phép bán loại SIM này cho các công dân thường trú. Một trong những lý do được giải thích là để đề phòng kẻ xấu dùng SIM rác không có dấu vết hòng làm những chuyện phạm pháp.
Trong khi đó thuê bao ảo (chủ yếu phát sinh SIM rác) gây rối loạn thị trường viễn thông, cho ra những con số không thực tế gây nên vô số hệ lụy liên quan. Các nhà quản lý viễn thông buộc tội thuê bao ảo chiếm dụng kho số di động về lâu dài khiến kho số này bị cạn kiệt, buộc cơ quan chức năng phải mở thêm những đầu số mới. Thực tế là trong các số thuê bao di động đã kích hoạt và được coi là tồn tại, có vô số tài khoản không còn được sử dụng nữa.
Tại sao Mỹ và nhiều nước khác vẫn có SIM trả trước mà lại không có vấn nạn SIM rác? Điều cơ bản là nhà chức trách quản lý thuê bao chặt chẽ. Cho dù người dùng mua SIM qua mạng, việc quản lý thông tin vẫn chặt chẽ khi thanh toán qua thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng, đặc biệt là khi tiến hành kích hoạt SIM qua điện thoại hay Internet. SIM cũng được bán với giá chẳng hề rẻ và đó là SIM trắng, chưa có số điện thoại mà chỉ có mã số, cho dù có loại nạp sẵn một số tiền. Một SIM trắng như vậy của nhà mạng T-Mobile giá 20 USD. Một số nhà mạng tặng SIM trắng cho khách hàng nhưng thu phí, có thể là 10 USD, khi kích hoạt SIM. Chỉ khi nào tiến hành kích hoạt SIM trắng này, thuê bao mới có thể được chọn một số điện thoại mới hay lấy lại số đang xài của mình.
Đành rằng SIM rác gắn liền với lợi ích tức thời của người dùng và vì sự sinh tồn của mình, các nhà mạng cũng sẽ tìm ra những chiêu thức mới để chiêu dụ khách hàng mà thôi. Mấu chốt vấn đề cuối cùng vẫn quay về hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động viễn thông. SIM trả trước sẽ không thể biến thành SIM rác nếu như việc kích hoạt được làm đúng quy trình và tuân thủ việc đăng ký thông tin thuê bao.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet