Công nghệ phát triển giúp cuộc sống của con người ngày càng tiện lợi hơn, chẳng hạn một cuộc gọi để nói chuyện với nhau từ nửa vòng trái đất, một tin nhắn để hẹn ăn trưa... Tuy nhiên, không chỉ trong ứng xử đời sống đơn thuần mà việc sử dụng smartphone cũng cần có văn hóa riêng.
1. Người khác nhắn tin, chớ vội gọi lại
Khi người khác gửi tin nhắn tới, bạn cần đánh giá kỹ tình huống trước khi gọi lại. Thực tế, nhiều người chọn cách nhắn tin vì đang trong tình huống không thể gọi điện, như ở nơi ồn ào hay họ đang muốn nhờ giúp đỡ một vấn đề tế nhị mà ngại nói chuyện trực tiếp.
2. Tắt chuông trong giờ họp, hội thảo
Chuông điện thoại bỗng nhiên reo lên trong một không gian nghiêm túc của cuộc họp, hội thảo, giờ học sẽ gây cảm giác khó chịu cho những người xung quanh. Có thể người dùng lấy lý do quên tắt chuông, nhưng sau đó điện thoại lại tiếp tục reo lên lần thứ 2, thứ 3 là thực tế thường thấy trên giảng đường Đại học tại Việt Nam. Trên hết, mỗi người cần phải nghiêm túc và cực kỳ chú ý trong vấn đề này, đừng để người khác nghĩ bạn đang khoe mẻ chiếc iPhone hay muốn gây sự chú ý.
3. Dẹp điện thoại sang một bên khi gặp gỡ bạn bè
Nhiều người cùng ngồi trong một bàn nhưng không ai nói chuyện với ai mà lại tập trung vào màn hình điện thoại là một hình ảnh tiêu cực của công nghệ hiện đại. Hãy cứ giữ điện thoại trong túi quần hoặc cặp sách để nhận cuộc gọi, trả lời tin nhắn khi có, chứ không nhất thiết phải ôm điện thoại khư khư trước mặt mọi người.
4. Mượn điện thoại thì đừng vọc bậy
Một số người có thói quen thiết lập điện thoại của người khác như điện thoại của mình, hoặc tự ý đăng xuất tài khoản Facebook, Zalo của chủ nhân điện thoại để đăng nhập bằng tài khoản của mình. Đây là một thói quen không nên. Mặc dù các thiết lập đối với bạn là tiện dụng, nhưng có thể sẽ rất xa lạ với người khác. Còn việc đăng xuất tài khoản của người khác để họ phải đăng nhập lại về sau có thể để lại một sự ức chế lớn.
>> Xem thêm: Điện thoại di động chi phối con người dù không sử dụng
5. Tập thói quen đi vào vấn đề khi gọi điện thoại
Đó là lưu ý mà nhiều chuyên gia tâm lý từng khuyến cáo người gọi điện thoại. Một ví dụ đơn giản, khi gọi điện thoại cho một người bạn thân và nghe đúng giọng nói của họ nhưng bạn vẫn hỏi lại xem phải họ không thì là một câu hỏi dư thừa. Trong một tình huống khác, khi gọi tới một công ty, nhân viên đã chào bằng câu "Công ty ABC nghe ạ!" thì tốt hơn hết bạn nên đi thẳng vào vấn đề.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet