Vẫn là chuyện xe với trẻ con những năm 80 của thế kỷ trước và chuyện người lớn với siêu xe bây giờ... Thời đấy, xe con là một thứ cực kỳ xa xỉ ở Việt Nam. Và volga là tột cùng xa xỉ. Phải cỡ hàm bộ trưởng mới được đi, bố bảo thế.
Khách vào nhà đi một chiếc Volga trắng. Nó đứng hiên ngang cạnh xe, tay gác lên capô hờ hững một cách có chủ ý, chỉ đợi đám trẻ khác xông ra sờ vào là lên giọng oai vệ: "Xe vào nhà tao đấy, đừng có sờ!".
Có hôm bác khách tốt bụng trước khi về xoa đầu và bảo: "Cho mày ngồi một cái". Sướng đến ngạt thở! Nó rón rén cọ chân vào nhau để cho rơi bớt đất cát rồi mới khẽ khàng đặt mông vào ghế. Lúc đó, nếu như có lũ bạn quê ở ngoài thèm thuồng nhìn vào thì nó nghĩ đến vua chúa cũng chỉ sướng đến mức vậy; còn nếu không có ai nhìn, nó sẽ thấy bất bình vì lẽ ra cả thiên hạ phải nhìn thấy nó được ngồi Volga mới phải.
lamborghini Aventador trên đường đua Sepang. Ảnh: Hải Kar. |
30 năm sau. Tại trường đua Sepang, Malaysia trong một ngày nắng đổ lửa tháng 5, nó đang cầm trên tay chìa khóa của siêu xe 700 mã lực Aventador – mẫu đắt nhất của Lamborghini, không tính các xe đặc biệt và đơn lẻ. Dù không phải chờ đặc ân "Cho mày ngồi một cái", nó có hẳn một ngày thỏa sức với siêu xe 700 mã lực trong trường đua, nhưng cảm giác khoái trá của thằng bé 10 tuổi ngày xưa hình như chẳng có gì thay đổi.
Và tôi là thằng bé đó. Dù hay viết về xe, nhưng một trong những vấn đề tôi hay gặp là các mẫu xe thông thường có rất ít chất liệu để khai thác. Nhưng với một siêu xe như Aventador, câu chuyện lại khó theo hướng khác: Có quá nhiều thứ để viết!
Ví như về hướng công nghệ chế tác. Bạn hãy nghĩ xem, toàn bộ thân xe liền khối bằng vật liệu carbon của Aventador chỉ nặng có 229,5 kg, trong đó riêng khoang lái, sàn và mui xe chiếm 147,5 kg. Nỗ lực "giảm cân" đó khiến Aventador chỉ nặng ngang một chiếc Camry hay Accord, trong khi công suất lại cao gấp 5 lần! Chỉ riêng thông số này và câu chuyện đằng sau nó đã đủ làm nên một bài viết lớn.
Còn công nghệ động cơ? Mọi người có để ý đến dòng chữ khiêm tốn "Nạp khí tự nhiên" chỉ loại động cơ không dùng kiểu nạp khí cưỡng bức (turbo hay superchager) trên xe Lamborghini? Đó là chỉ dấu cho quy ước ngầm trong trận chiến mã lực giữa các mác siêu xe. Một siêu xe ngồi "chiếu trên" có động cơ nạp tự nhiên thường đạt tỷ lệ 1 lít dung tích xi-lanh cho ra trên 100 mã lực. Tuy nhiên, cuộc tỷ thí sức mạnh có vẻ đi đến hồi kết khi ngay cả tay chơi như Ferrari mới đây cũng đã bỏ cuộc và chuyển sang dùng turbo cho mẫu California T và tới đây sẽ là mẫu 458 Italia. Liệu Lamborghini còn ngồi chiếu trên được bao lâu? Chuyện hay đấy chứ?
Một loạt Aventador xếp hàng ở đường pit chờ thể hiện sức mạnh trên đường đua. Ảnh: Hải Kar. |
Hay nói về khả năng chuyển số nhanh như chớp của Aventador. Mỗi lần chuyển số mất 50 milli giây có nghĩa gì? Một chớp mắt của chúng ta mất 300 milli giây, như vậy chỉ trong một chớp mắt Aventador có thể chuyển số lần lượt từ số 1 đến số 7. Nếu muốn nhanh hơn, bạn chỉ có thể chọn xe F1 với 30 milli giây.
Nhưng có lẽ tôi sẽ nói về chuyện khác, vì một điều đơn giản: ngày bé, không ai nói cho tôi biết rằng, Volga chỉ là một mác xe cà tàng Liên Xô. Mãi đến năm 16 tuổi tôi mới biết rằng ôtô con của Liên Xô không có tên trong bản đồ xe hơi thế giới – ít nhất là trong cuốn sách ôtô đầu tiên của tôi: "Ôtô các nước phát triển".
Do vậy, tôi sẽ chỉ kể cho các bạn nghe một siêu xe như Aventador tăng tốc từ 0 lên 100 km/h hết 2,9 giây sẽ như thế nào và tại sao tôi đã không thể lên được đến số 6 tại đường đua Sepang. Đơn giản quá chăng? Quả thực, thời gian tôi đạp ga tăng tốc từ 0 lên đến 255 km/h chỉ mất 15 giây – xấp xỉ thời gian bạn đọc 4 dòng trong bài viết này, nhưng cảm xúc đó không thể gói gọn trong một bài viết.
Trước hết, chúng ta cũng phải nói đôi chút về xe. Hộp số 7 cấp của Aventador có 3 chế độ cài đặt. Strada, để chạy phố, có bước chuyển số chậm và êm; Sport chuyển số tự động, nhanh và gắt; Corsa là dành cho đường đua – người lái phải tự chuyển số - có bước chuyển số nhanh và gắt nhất. Đặc biệt ở chế độ Sports và Corsa, bộ vi sai trung tâm tự động điều chỉnh lực kéo của cầu trước và sau tùy theo cách lái của người sử dụng. Tuy nhiên, người lái phải hiểu xe và có khả năng đẩy xe tới giới hạn mới có thể tận hưởng sự khác biệt giữa Sport và Corsa.
Chúng ta cũng nên biết hai thuật ngữ căn bản nói về đặc tính của xe khi ôm cua tốc độ cao. Đó là Understeer và Oversteer. Understeer là khi bạn vào cua với tốc độ quá cao và đầu xe sẽ bị đẩy ngang ra ngoài. Understeer thường xảy ra với các xe dẫn động cầu trước. Oversteer xảy ra khi người lái ôm cua quá nhanh khiến đuôi xe văng ngược ra trước. Oversteer thường có ở các xe cầu sau. Mặc dù cả hai đều nguy hiểm, nhưng dân chơi xe luôn yêu thích Oversteer vì nó cho cảm giác thú vị và thách thức hơn. Còn khi một xe vừa bị Understeer vừa Oversteer thì ta nên gọi nó là thảm họa!
Chính vì vậy, Lamborghini sử dụng hệ dẫn động 2 cầu tự động điều chỉnh lực kéo để kiểm soát Oversteer, triệt tiêu Understeer và gia tăng độ bám.
Ở chế độ Sport, khi vào cua với tốc độ cao, lực kéo có thể dồn 90% cho cầu sau khiến người lái phải ra tay sửa lái vì đuôi xe dễ dàng quăng ngang (drift). Còn ở chế độ Corsa, lực kéo lớn nhất dành cho cầu sau chỉ là 80% – đây là tỷ lệ tối ưu cho kiểu chạy tốc độ. Bạn muốn có cảm giác mạnh và thách thức bản thân, chọn Sports; muốn nhanh nhất có thể, chọn Corsa.
Ảnh: Hải Kar. |
Tôi chọn Corsa. Khi lựa chọn Corsa và tắt hệ thống ổn định điện tử ESC, chế độ kiểm soát độ bám khi tăng tốc (Thrust Mode) sẽ tự kích hoạt khi chân trái người lái tì bàn đạp phanh và chân phải đạp ga – tốc độ động cơ sẽ tự động dừng lại ở ngưỡng 4.500 vòng/phút. Ngay khi người lái bung chân phanh, sức mạnh động cơ 700 mã lực của Aventador sẽ lập tức "sút" bạn đi như một trái bóng!
Hãy tưởng tượng, chỉ trong tích tắc xe lên hết số 1 với tốc độ trên 90 km/h. Có cảm giác như máu dồn ra sau gáy vì gia tốc, tai bạn ù đi vì tiếng thét bạo liệt của động cơ V12 ở ngay sau lưng. Chỉ còn lại vài phần trăm giây trước khi vòng tua động cơ chạm đến vạch đỏ 8.250 vòng/phút. Vẩy tay phải. Bang! Lên số 2. Như một trái bóng đang bay ở tốc độ gần 100 km/h bị bồi thêm một cú vô-lê bắn lên 140 km/h.
Chưa kịp định thần sau cú đá khốc liệt đã thấy vòng tua chạm ngưỡng 8.000 vòng/phút. Vẩy tay phải. Bang! Số 3. 180 km/h. Bang! Số 4. 220 km/h. Bang! Số 5, 8.200 vòng/phút. 255 km/h. Theo phản xạ, định vẩy tay lên số tiếp, chợt tấm biển báo 200 m trước cua lao vụt qua kính, buông ga và ngay lập tức chuyển sang chân phanh vừa lúc biển báo 150 m trước cua vụt tới. Với tốc độ 255 km/h, chỉ còn vài tích tắc trước khi xe nuốt hết quãng đường 150 m và lao vào góc cua 70 km/h! Tay trái vẩy số trong khi chân phải siết phanh muốn thủng sàn xe.
Vrum! Vrum! Tiếng nổ xăng thừa ở họng xả khi xe về số gây khiếp đảm, liệu xe có về được dưới 100 km/h trước khi vào cua không? Vrum! Vrum! Tiếng nổ bạo lực khi vẩy số từ 3 về 2. Chiếc xe như bị một bàn tay vô hình kéo giật lại, mắt như thể muốn lồi ra! Tiếng rít chói tai của lốp và đĩa phanh carbon không còn làm rợn tóc gáy. 90 km/h và cách đỉnh cua 10 m. Phù! Lại phải nới phanh một chút để đi dạo qua cua với tốc độ 70 km/h…
Đúng như slogan tuyệt hay của hãng lốp Pirrelli: "Sức mạnh không là gì nếu thiếu sự kiểm soát"... Lamborghini trao ra một con thú hoang dại nhưng vẫn không quên kèm theo một chiếc vòng kim cô để chế ngự. Khoan khoái với ý nghĩ đó khi trở về đường pit, tôi chợt nhận ra là mình đã định chụp rất nhiều ảnh và video cho một bài review hoành tráng, nhưng hóa ra cả ngày tôi chỉ bận bịu với việc lái "như thể vừa cướp được xe" – như bài hát có tên "Drive it like you stole it".
Nhưng tôi cũng hiểu rằng Aventador chắn chắn không phải là mẫu xe hoàn hảo. Nhược điểm đầu tiên có thể thấy là mức giá "trên trời": bản tiêu chuẩn giá 400.000 USD, khi về Việt Nam sẽ phải ở trên mức 1 triệu USD.
Rồi nữa, dù Lamborghini cố gắng để chủ nhân có thể lái hàng ngày, nhưng với độ cao gầm không thể vượt qua nổi một bao thuốc lá dựng đứng, Aventador vẫn chỉ là một thứ đồ chơi xa xỉ cho người lớn. Tuy nhiên, sứ mệnh của Lamborghini không phải làm ra một mẫu xe cho số đông. Điều Lamborghini luôn làm tốt đó là tạo ra một siêu xe có thể mang lại cảm hứng cho tất cả mọi người – từ những fan hâm mộ siêu xe (nhưng cưỡi xe đạp điện) cho tới những đại phú có thể mua được cả mặt trăng.
Và quan trọng hơn cả, Lamborghini Aventador sinh ra để làm cho tất cả những người yêu xe đều có thể trở thành một cậu bé của ngày xưa. Tôi nghĩ đó là điều lớn nhất mà siêu xe này mang lại. Còn đánh giá hay cảm nhận ư? Tôi sẽ chờ cơ hội để lái Aventador hàng ngày, hàng tuần, thậm chí hàng năm nữa để tìm ra câu trả lời.
Hải Kar
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet