Kể từ đó, cái tên Honda đã in đậm vào tâm trí người Việt Nam đến mức cho đến tận bây giờ, chúng ta vẫn quen gọi xe máy là xe Honda. Tuy vậy, Honda vẫn là Honda, và chắc chắn rằng nó vẫn là nhiềm tự hào, sự kiêu hãnh của người Nhật, dù chiếc xe có “made in Vietnam” hay được sản xuất ở bất kỳ đâu.
Những chiếc máy ảnh Canon, Nikon cũng chẳng có cái nào được sản xuất tại Nhật, vì nó đã được gia công ở nhiều quốc gia khác. Nhưng Canon và Nikon vẫn được nhắc đến như niềm tự hào của đất nước mặt trời mọc.
Hay như chiếc điện thoại Samsung ngày nay được sản xuất từ bất cứ nơi nào trên toàn thế giới, nhưng ai cũng biết đó là đại diện của Hàn Quốc.
Nói vậy để thấy rằng, thời đại toàn cầu hóa, “made in ở đâu” cũng không còn là vấn đề quan trọng nữa.
Trở lại với câu chuyện của chiếc smartphone “made in Vietnam” đang gây bão dư luận trong những ngày qua. Người khen bphone nhiều, và người chê Bphone cũng nhiều không kém.
Dễ nhận thấy rằng, người ta khen Bphone bởi vì đây là “sản phẩm của người Việt Nam”, “made in Vietnam”, và thông điệp được truyền tải mạnh mẽ nhất: “Bphone là niềm tự hào của Việt Nam” ... Tóm lại lòng tự hào dân tộc đã được truyền thông tận dụng triệt để.
Tự hào dân tộc, bất cứ người dân Việt Nam nào chẳng có, nhưng niềm tự hào đó có được đặt đúng chỗ hay không mới là vấn đề cần xem xét.
Qua sự kiện hoành tráng của Bphone, chúng ta thấy những gì?
Thực tế, chúng ta chưa thấy Bphone có gì khác so với QMobile, Bluefone, Mobiistar, hay F-Mobile… ngoài 1 lễ ra mắt hoành tráng, và độ “chịu chơi” của BKAV.
Một chiếc smartphone “made in Vietnam”, đúng.
Một chiếc smartphone hạng sang tiêu chuẩn thế giới, quá tuyệt vời!
Một chiếc smartphone có thiết kế đẹp “không thể tin được” hơn cả iPhone, tạm tin là vậy đi.
Chất lượng của Bphone chắc chắn là hơn hẳn đa số smartphone có mặt trên thị trường. Nhưng có một vấn đề là bên trong chiếc smartphone đó có bao nhiêu % là trí tuệ của Việt Nam?
Ngày nay, việc tạo ra một chiếc điện thoại di động không còn là điều gì mới mẻ trên thế giới, ngay cả những xưởng gia công ở Trung Quốc cũng có thể sản xuất ra một hãng điện thoại riêng.
Toàn cầu hóa dạy cho chúng ta rằng đừng quá coi trọng "made in" mà chỉ nên coi trọng thương hiệu. “Made in Vietnam" như Honda hay như Samsung - một thương hiệu điện thoại toàn cầu và rất nhiều sản phẩm khác, không có nghĩa đó là sản phẩm đại diện cho quốc gia Việt Nam.
Nếu cứ lấy một dòng chữ “made in Vietnam” ghi trên thân máy làm chuẩn rồi lấy đó là niềm tự hào dân tộc có lẽ là “hơi buồn cười”.
Vậy chúng ta nên quan tâm đến điều gì? Việc BKAV có nhà máy ở Việt Nam là đúng, nhưng có ai biết được cụ thể dây chuyền sản xuất của họ thế nào, bộ phận thiết kế ra sao không?
Quan trọng hơn cả là bộ phận R&D (Nghiên cứu và Phát triển) như thế nào, họ đã thực sự nghiên cứu ra sao? Vì chỉ khi 2 bộ phận này thật vững, thật tốt thì anh có thể thuê bất cứ ai sản xuất cho anh giống Apple, chỉ thế anh mới thực sự khác biệt.
Nếu không chứng minh được, người ta có quyền cho rằng Bkav thực ra chỉ làm các công đoạn thiết kế hình dáng, đưa ra các tính năng sản phẩm và nhập linh kiện từ Trung Quốc về ráp lại hoàn chỉnh ở nhà máy của họ, chứ không có gì gọi là “cao siêu” trong sản xuất cả.
Nghi ngờ cũng phải, bởi khi xem những hình ảnh ít ỏi về nhà máy được “tiết lộ” ra bên ngoài, trong đó không có hình ảnh nào khác ngoài công đoạn lắp ráp sản phẩm.
Bởi vậy, thay vì so sánh Bphone với iPhone, lẽ ra BKAV phải đưa những thứ bên trong nhà máy của họ lên bàn cân so sánh với Apple hay Samsung. Chẳng phải như vậy sẽ thuyết phục hơn?
Ủng hộ hay ca ngợi Bphone, không có gì sai.
Nhưng, xin hãy khoan gọi đó là “Niềm tự hào dân tộc”, chỉ vì mấy chữ "Made in Vietnam". Bởi cho dù Bphone có là "made in China" hay "made in Laos" thì cũng chẳng phải vấn đề gì to tát.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet