Trong lộ trình số hóa của Chính phủ, đến năm 2020, cả nước sẽ hoàn toàn sử dụng công nghệ truyền hình kỹ thuật, thay thế cho công nghệ truyền hình analog đã lỗi thời. Theo quyết định số 2451/QĐ-TTg, ngày 27/12/2011, 5 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội (vùng chưa mở rộng), TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ sẽ đi đầu trong lộ trình số hóa truyền hình với mục tiêu hoàn thành việc chuyển đổi công nghệ từ analog sang truyền hình số trước 31/12/2015. Điều này đồng nghĩa là công nghệ truyền hình analog ở 5 tỉnh, thành phố trên sẽ chỉ còn hơn 1 năm sử dụng.
Tiến sĩ Trần Đăng Tuấn – Phó Chủ tịch HĐQT Truyền hình An Viên - đại diện cho Truyền hình An Viên trao tặng đầu thu cho các hộ nghèo ở Hà Nội
Việc chuyển đổi công nghệ này đang được các tỉnh, thành phố triển khai quyết liệt để hoàn thành đúng mục tiêu đề ra. Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong việc chuyển đổi công nghệ truyền hình. Ngoài việc xây dựng hạ tầng truyền dẫn riêng để kịp thời chuyển đổi thì thành phố còn nhận được sự hỗ trợ từ các đơn vị truyền dẫn phát sóng khác. Bà Phan Lan Tú - Giám đốc Sở Thông Tin Truyền Thông - cho biết: “Thành phố phối hợp với 3 đơn vị được cấp phép toàn quốc trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng truyền dẫn, phát sóng số là Truyền hình An Viên, VTV, VTC để hỗ trợ việc chuyển đổi công nghệ đồng thời thành lập một công ty được cấp phép truyền dẫn, phát sóng số để triển khai lộ trình số hóa truyền hình. Ngoài ra, tất cả người dân phải chuyển đổi, có đầu thu, công nghệ để tiếp cận với truyền hình số”.
Như vậy, việc xây dựng hạ tầng truyền dẫn của các nhà đài, đơn vị truyền dẫn phát sóng mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là người dân cần phải có thiết bị tương thích để tích hợp được công nghệ truyền hình số. Đó là đầu thu DVB-T2, là tivi tích hợp sẵn công nghệ DVB-T2 để có thể thu được các kênh truyền hình quảng bá, các kênh truyền hình trả tiền của các đơn vị cung cấp dịch vụ.
Bộ thiết bị đầu thu truyền hình số mặt đất (DTT) của Truyền hình An Viên
Để hỗ trợ người nghèo của thành phố Hà Nội có điều kiện xem được truyền hình số, Truyền hình An Viên mới đây đã trao tặng cho toàn bộ hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn thành phố 50.000 đầu thu kỹ thuật số Truyền hình An Viên. Nói về sự hỗ trợ này, ông Trần Đăng Tuấn - Phó Chủ tịch HĐQT Truyền hình An Viên cho biết: “Việc đồng hành cùng TP Hà Nội số hóa phát sóng truyền hình mặt đất là một trong những hoạt động của Truyền hình An Viên nhằm tích cực hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, kế hoạch của TP Hà Nội trong việc quảng bá lộ trình số hóa và chủ động giúp đỡ người dân làm quen với truyền hình kỹ thuật số”.
Với thiết bị nhỏ gọn, không cần đi dây nhiều gồm đầu thu và ăng ten thu sóng, bộ thiết bị truyền hình số mặt đất của Truyền hình An Viên thực sự là món quà ý nghĩa với người dân Hà Nội. Bộ thiết bị này có thể xem là đại diện tiêu biểu cho thiết bị truyền hình không dây - kết quả của công nghệ truyền hình kỹ thuật số mang lại.
Không chỉ đem đến chất lượng hình ảnh sắc nét, âm thanh trung thực, số kênh phong phú trên một kênh tần số và loại bỏ dây truyền dẫn, tăng mỹ quan, truyền hình kỹ thuật số là công nghệ truyền hình của thế giới, là xu hướng tất yếu cần chuyển đổi và sẽ thay thế công nghệ truyền hình analog trong kỉ nguyên truyền hình mới.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet