Hết giờ làm, Mai – một nhân viên công sở trên đường về nhà liền tạt vào một cửa hàng bánh trung thu để mua một hộp bánh biếu bố mẹ. “Chưa đến trung thu nhưng mình mua một hộp biếu bố mẹ ăn trước cho có không khí.” – Mai nói.
Sự lựa chọn của Mai không giống những người khác, cô hỏi mua những chiếc bánh trung thu ăn kiêng. “Mua bánh ăn kiêng không phải để giảm cân mà vì mẹ mình bị tiểu đường, không ăn được các loại bánh bình thường” – Mai chia sẻ.
Mai không phải là trường hợp ít trong số những khách hàng mua bánh trung thu ngày nay. Khi mà số lượng người Việt Nam mắc bệnh tiểu đường ngày một nhiều lên, giới trẻ cũng có nhu cầu ăn kiêng để giữ gìn dáng vóc, những chiếc bánh trung thu ăn kiêng ngày càng được ưa chuộng.
“Bánh trung thu ăn kiêng hiện tại dù chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng doanh số bán ra nhưng tăng trưởng rất đều, trung bình mỗi năm tăng 15%” – ông Lê Ngọc Huy, đại diện công ty Bánh mứt kẹo Hà Nội cho biết.
Giờ đây, bạn có thể dễ dàng mua được những chiếc bánh trung thu ăn kiêng ở hầu hết các thương hiệu bánh lớn như Bánh mứt kẹo Hà Nội, Kinh đô, Bibica, Givral với nhiều hương vị từ truyền thống như đậu sen, hạt sen, trà xanh cho tới tảo isomalt. Thậm chí cả dòng bánh thập cẩm cũng đã có sản phẩm ăn kiêng dành riêng cho người bị tiểu đường hoặc có nhu cầu ăn kiêng.
Tuy nhiên, để cho ra những chiếc bánh trung thu sử dụng đường ăn kiêng, ít ai biết rằng các công ty sản xuất đã phải tốn khá nhiều công sức nghiên cứu. Bởi thực tế bánh trung thu là loại bánh mang đậm “màu sắc” truyền thống nên việc thay đổi thành phần, kết cấu đều buộc các nhà sản xuất trong nước phải tự tìm tòi do không có “tiền lệ” ở nước ngoài.
Chia sẻ về cách làm ra những chiếc bánh trung thu ăn kiêng, Công ty CP Bánh mứt kẹo Hà Nội - công ty đầu tiên ở phía Bắc cho ra bánh trung thu ăn kiêng và cũng là công ty duy nhất sản xuất bánh thập cẩm ăn kiêng cho biết, đã phải mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện sản phẩm này.
Để cho ra những chiếc bánh trung thu sử dụng đường ăn kiêng isomalt, nhóm kỹ sư của Công ty đã phải phối hợp với Viện công nghiệp thực phẩm tiến hành chế thử, test mẫu ở quy mô phòng thí nghiệm rất nhiều lần. Sau đó phải xây dựng thành đề tài khoa học và chuẩn bị hồ sơ đăng ký tiêu chuẩn chất lượng. Sau 2 năm, hộp bánh trung thu Isomalt mới ra đời.
Đó là đối với các loại bánh trung thu nhân nhuyễn (đậu xanh, hạt sen), còn đối với dòng bánh thập cẩm, công ty Bánh mứt kẹo Hà Nội cho biết phải mất tới 3 năm mới nghiên cứu xong công thức ăn kiêng cho loại bánh được nhiều khách hàng yêu thích nhất này.
Chia sẻ về sự kỳ công trong nghiên cứu và hoàn thiện công thức bánh nướng thập cẩm Isomalt, bà Nguyễn Thu Hương – trưởng phòng Khoa học kỹ thuật Công ty Bánh mứt kẹo Hà Nội cho biết: “Từng nguyên liệu có trong bánh thập cẩm thông thường, trước khi đưa vào phối trộn để làm bánh nướng thập cẩm Isomalt đều phải được sơ chế riêng, do không sử dụng đường saccaroza.
Quá trình xào nhân cũng gian nan vì lượng DHA, FOS bổ sung vào bánh bị bay hơi nhanh, khiến chúng tôi phải làm đi, làm lại rất nhiều lần mới ra được quy trình và công thức chuẩn cho một chiếc bánh thập cẩm ăn kiêng”.
Tuy nhiên, theo các nhà sản xuất khuyến cáo, lượng dùng thích hợp dành cho người bị bệnh tiểu đường hoặc đang cần ăn kiêng được nhà sản xuất khuyến cáo là không quá 120g/ ngày đối với bánh thập cẩm và tảo Spirulina Isomalt và không quá 150g/ ngày đối với bánh đậu xanh Isomalt.
Theo Thùy Linh/ Trí Thức Trẻ