Á hậi Trịnh Chân Trân. |
Có lẽ ít ai biết được từ năm lên 6 tuổi, tôi đã bắt đầu vào chùa học đạo, và theo học ở đó suốt 12 năm cho đến khi ra nước ngoài du học. Hôm nay là ngày giỗ của thày tôi, ni sư Thích nữ Trí Hải, tôi muốn có đôi lời tri ân, hoài niệm đến thày. Tôi đã may mắn có được một người thày thật tuyệt vời với nhân cách đáng kính. Thày đã dạy cho tôi tất cả những gì tinh túy nhất của đạo Phật và cả đạo làm người. Trong đó một lời dạy mà tôi rất tâm ý: "Tài sản vô giá nhất của con người chính là sức khỏe và trí tuệ". Vì thế mà trong bao năm qua tôi đã không ngừng "học, học nữa, học mãi" cả trong trường học và ngoài trường đời, tự trang bị cho mình trí tuệ lành mạnh. Thày tôi từng nói, khi chúng ta có một trí tuệ thì phải biết dùng cái "tâm" để khống chế cái "trí", hướng đến những điều cao đẹp, phục vụ cho lợi ích của con người và cả cuộc đời, đừng nên vì chữ "tham" mà làm lu mờ trí tuệ ấy. Ngày tôi ra đi bắt đầu cuộc sống tự lập nơi đất khách quê người, những lời thày dạy là thứ hành trang quý báu nhất mà tôi luôn mang theo bên mình.
Khi sang Singapore học đại học, tôi phải thuê nhà dân để ở, đó là một gia đình bốn người, hai vợ chồng và hai cô con gái xinh xắn. Sau một thời gian chung sống, tôi được biết cô chị 10 tuổi học khá kém, nhất là môn Toán, thế là tôi đã tình nguyện dạy kèm miễn phí cho cô bé 2 giờ đồng hồ mỗi tối tan trường. Với sự nhiệt tình hướng dẫn của tôi, cô bé đã đạt loại giỏi trong kỳ thi cuối năm học, một kết quả chưa từng có đối với cô bé. Gương mặt rạng ngời niềm hạnh phúc của cha mẹ cô bé chính là phần thưởng quý giá mà tôi có được. Một thời gian sau, do việc học tập của tôi ngày càng trở nên căng thẳng, bận rộn, tôi phải dùng hết năng lực của mình cho những cuốn sách dày cộm trong thư viện cùng những chuyến đi tham khảo thực tế, tôi thấy mình không đủ sức tiếp tục dạy kèm cho cô bé. Tôi đã bày tỏ nỗi niềm của mình với hy vọng và mong đợi một sự cảm thông hơn là một thái độ lạnh lùng quay lưng. Thế là những lời chào hỏi mỗi khi tôi đi học về đã thôi không còn nữa. Thiết nghĩ trẻ con sẽ không biết đến những phản ứng gay gắt như vậy nếu không có sự tác động của người lớn, và tôi tự hỏi tại sao bậc làm cha mẹ lại đang tâm hủy hoại đạo đức còn rất non dại ấy của con thơ. Tôi đã hết lòng dạy dỗ cho cô bé không phải với chữ "tài" mà là bằng chữ "tâm" của mình, bởi thày tôi từng nói chỉ khi nào mình dùng cái "tâm" ra để làm việc thì mới mong có được kết quả tốt đẹp.
Trong một lần khác vừa từ thư viện về đến nhà, cô chị hớt hải chạy ra nước mắt nhạt nhòa nói với tôi rằng cô em bị sốt nặng, cha mẹ lại vắng nhà, gọi điện thoại thì không được nên em không biết phải làm sao. Tôi vội vã bế cô em đang mê man chạy đi tìm bác sĩ. Thú thật, đối với những du học sinh như chúng tôi mỗi khi có bệnh tật gì thì cũng chỉ uống vài viên thuốc rồi cố gắng lướt cho qua bệnh chứ có bao giờ dùng đến từ ngữ sang trọng là "đi bác sĩ" đâu, vì thế đến khi cần thì không biết bác sĩ ở đâu mà tìm. Tôi đã bồng cô bé trên đôi tay mình, lúc mỏi quá thì lại cõng trên lưng, cứ thế gần suốt 2 tiếng đồng hồ trong đêm tối chạy qua rồi chạy lại tìm bác sĩ. Cuối cùng thì cũng đến được một phòng mạch gia đình. Sau khi được tiêm thuốc, sắc mặt cô bé dịu xuống phần nào và tôi lại bế em trở về. Giao cô bé lại cho người mẹ và dặn dò thuốc thang cẩn thận, đổi lại tôi nhận được câu nói vỏn vẹn của bà chủ nhà "làm phiền cô, để tôi gửi tiền thuốc lại". Tôi trở về phòng ngồi vào bàn máy vi tính bắt đầu làm bài, nhìn đôi tay mình run run, mỏi nhừ lướt đi một cách khó nhọc trên bàn phím, tôi lại nhớ về thày. Dẫu biết lời dạy năm xưa "làm ơn thì chẳng mong người trả ơn", nhưng sao tôi vẫn thấy đau một cách kỳ lạ, nỗi đau không phải ở đôi tay nữa mà hiện hữu đâu đó trong tâm khảm và trái tim tôi.
Còn nhiều lắm những chuyện vô tình nhạt nhẽo đời thường trong cuộc sống tự lập, như một sự thách thức đến lòng "nhân từ" mà thày đã cố công rèn luyện cho tôi. Đôi khi tôi chỉ muốn được thu nhỏ mình trước thế giới bên ngoài, bởi tôi sợ lòng "nhân từ" ấy cứ phải tiếp tục bị tổn thương. Tôi cố gắng làm quen dần với phong cách "chỉ nói những gì cần nói và làm những gì cần làm". Nhưng chính thái độ giúp tôi tự bảo vệ mình nơi xứ người, thì dường như lại phản tác dụng trên chính quê hương mình. Trong quá trình tham gia Hoa hậu Việt Nam, tôi được dịp đến thăm trại trẻ mồ côi ở Quảng Ninh. Tại đây tôi đã gặp một bé trai 13 tuổi thông minh, học giỏi và lễ phép. Tôi và bé rất quý nhau, tôi đã nhận làm chị đỡ đầu để bé có thể nương tựa vào nếu gặp chuyện khó khăn cả trong học tập cũng như cuộc sống. Tôi cũng biết bé còn có một người mẹ tật nguyền mất khả năng lao động, tôi thực sự thương xót bằng cả tấm lòng mình và tỏ chút thành ý giúp đỡ. Tôi làm tất cả những việc đó vì tôi thấy bản thân mình cần phải làm vì tình người mà không cần phải nói cho ai biết.
Đôi lúc, tôi ước gì thày vẫn còn đây để tôi có thể hỏi thày rằng những lời thày dạy tôi năm xưa về cách làm người có còn phù hợp với thời đại ngày nay nữa không. Thày từng nói, trước khi muốn làm một việc gì thì hãy tự đặt mình vào vị trí của người khác để suy nghĩ xem hành động và lời nói của mình có làm tổn thương đến người khác hay không rồi mới thực hiện. Nếu tôi cứ tiếp tục sống theo lời dạy của thày, cũng là lý tưởng của riêng tôi, thì liệu tôi có bị cô độc lắm không giữa cuộc đời này?
Trịnh Chân Trân
(Theo Thanh Niên)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet