Ca đầu tiên xuất hiện vào giữa tháng 2 tại trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3, TPHCM). Sau đó, liên tục từ ngày 22 đến 26/2, có thêm 9 học sinh nữa mắc bệnh. Trong đó, có đến 8 ca học chung lớp với ca đầu tiên.
Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đã tổ chức giám sát, khử khuẩn toàn trường và vệ sinh lớp học mỗi ngày, đồng thời truyền thông cho phụ huynh cách phòng ngừa, cách ly. Cho tới hôm qua, 4/3, trường THCS Lê Quý Đôn chưa phát hiện thêm ca mới.
Trẻ mắc thủy đậu đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM
Về vấn đề vắc xin thủy đậu đã hết từ khá lâu, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng thành phố - cho biết, Trung tâm cũng chỉ mới nhận được công văn của Cục Quản lý dược thông báo rằng Cục đã làm việc với công ty nhập vắc xin. “Trong thời gian sớm nhất sẽ có vắc xin, nhưng chưa biết khi nào mới có. Thành phố không thể chủ động mua được, vì việc nhập vắc xin phải được cấp VISA từ Cục Quản lý dược”, ông Dũng nói.
Theo bác sĩ Dũng, chỉ còn biện pháp giữ gìn vệ sinh chung là cách phòng chống thủy đậu và nhiều bệnh truyền nhiễm khác.
Tính từ đầu năm đến nay, thành phố đã có 214 ca thủy đậu, cao hơn cùng kỳ năm 2013 là 138 ca. Ngoài ra, đã có ca đầu tiên tử vong do sốt xuất huyết và não mô cầu tại TP.HCM trong năm nay.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet