Nội dung
Vừa qua sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có văn bản đề xuất với UBND Thành Phố một số giải pháp hạn chế xe máy cá nhân.

Tphcm lại có đề xuất hạn chế xe máy cá nhân
xe máy lưu thông dày đặc tại TP.HCM ​

Cùng với việc phải bỏ tiền mua phương tiện, chủ sở hữu phương tiện còn phải đóng tiền bảo hiểm, các loại thuế, phí..., đặc biệt phải đấu giá và nộp một khoản tiền để được quyền lưu hành xe.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có văn bản đề xuất với UBND TP một số giải pháp hạn chế xe cá nhân. Trước đây TP cũng có một số đề án nhằm giải quyết vấn nạn kẹt xe, trong đó có việc hạn chế xe cá nhân, nhưng hầu như không thành công.

Ông Dương Hồng Thanh - nguyên phó giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP, người thay mặt sở đề xuất chủ trương hạn chế xe cá nhân - cho biết Sở GTVT TP mới trình đề án về hạn chế xe cá nhân với UBND TP, đề án này nằm trong quy hoạch phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025.

Việc đề ra lộ trình thực hiện cần phải có một quá trình nghiên cứu, đặc biệt là cần xem lại cơ sở hạ tầng như thế nào, tham khảo ý kiến người dân để hoàn thiện đề án.

Xe máy cũng phải đăng kiểm

Theo đề án Sở GTVT đề xuất quản lý phương tiện đăng ký mới bằng cách cấp quota (hạn ngạch), trong đó chỉ cho cấp đăng ký phương tiện ở mức giới hạn.

Cùng với việc phải bỏ tiền mua phương tiện, chủ sở hữu phương tiện còn phải đóng tiền bảo hiểm, các loại thuế, phí..., đặc biệt phải đấu giá và nộp một khoản tiền để được quyền lưu hành xe.

Tại khu vực nội ô các TP lớn, điều kiện để sở hữu phương tiện ôtô con là phải chứng minh được có chỗ đỗ xe.

Sở GTVT cũng đề xuất quy định niên hạn sử dụng đối với phương tiện hoạt động tại các đô thị lớn. Trước mắt, sớm ban hành quy định niên hạn sử dụng đối với xe máy. Sau đó, nghiên cứu quy định niên hạn sử dụng đối với phương tiện hoạt động tại các đô thị lớn.

Đồng thời xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật trong công tác đăng kiểm đối với xe máy.

Việc này có thể gây phiền phức và tăng chi phí nhưng thật sự cần thiết để đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường, góp phần làm giảm xe cá nhân.

Cùng với các giải pháp trên, Sở GTVT TP.HCM đề xuất dùng các chế tài về kinh tế như thuế xăng dầu, lệ phí đường và phí đỗ xe, thu phí ra vào khu vực trung tâm TP, tăng phí dịch vụ trông giữ xe để giảm bớt việc đi lại bằng xe riêng.

Bên cạnh đó phải hạn chế phương tiện cá nhân lưu thông trên một số trục chính hoặc trên một số tuyến nhất định vào giờ cao điểm. Sở GTVT còn kiến nghị căn cứ vào biển đăng ký xe để hạn chế xe vào một số khu vực trong một số ngày nhất định trong tuần.

Bản đề xuất của Sở GTVT cũng có đề cập các giải pháp phát triển dịch vụ giao thông công cộng nhằm đáp ứng nhu cầu người dân khi bị hạn chế xe cá nhân.

Tuy nhiên, các đề án này mới chỉ dừng lại ở khâu nghiên cứu.

Tphcm lại có đề xuất hạn chế xe máy cá nhân
Xe máy và ôtô chen nhau trên đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình)
Người nghèo lo ngại

Trước thông tin xe máy sẽ phải đóng nhiều thứ thuế - phí, nhiều người - trong đó phần lớn là người nghèo - cảm thấy băn khoăn nếu những đề xuất này được áp dụng trong thời gian tới.

Anh Nguyễn Duy Phúc (Q.Tân Phú), nhân viên giao hàng cho một công ty tại Khu công nghiệp Tân Bình (Q.Tân Bình), cho biết mỗi ngày anh chạy không dưới 50km. Tính ra, trừ các chi phí mỗi ngày, thu nhập của anh chỉ được khoảng 200.000 đồng.

“Nếu tăng thêm giá giữ xe và các loại phí nữa thì những nhân viên giao hàng như chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều” - anh Phúc nói.

Ông Bùi Xuân Lý (47 tuổi, ngụ Q.6, TP.HCM), chạy xe ôm đưa đón khách cho một hãng xe liên tỉnh trên đường Ngô Quyền (Q.5) nói gia đình ông có năm người thì có tới bốn xe máy.

Ngoài các chi phí vẫn đóng từ trước đến nay, trong năm nay phải đóng khoảng 200.000 đồng tiền quỹ bảo trì đường bộ xe hai bánh. Nếu tăng các phí hoặc thuế nữa, chắc chắn chi phí sinh hoạt của gia đình ông sẽ chật vật hơn.

Ông Hùng, một đồng nghiệp của ông Lý, thắc mắc: “Để giảm quá tải cho đường sá, sao không tính đến chuyện mở rộng đường mà cứ chăm chăm vào việc thu phí và cấm cản người dân. Tôi nghĩ nếu đề án này được duyệt, những người nghèo như chúng tôi rất khó bám trụ lại TP để tiếp tục mưu sinh”.

Phải khảo sát kỹ

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa - nguyên viên trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - cho rằng biện pháp hạn chế xe cá nhân là một chủ trương đúng.

Theo ông Hòa, lẽ ra việc hạn chế phát triển xe cá nhân phải được thực hiện cách đây năm năm với những biện pháp hợp lý, hợp tình.

“Tôi cho rằng cần có sự phân biệt rõ ràng trong cách tính thuế, tính phí đối với ôtô và xe máy. Chẳng hạn ôtô chiếm một diện tích trên mặt đường gấp sáu lần xe máy và có công suất tiêu thụ nhiên liệu gấp 10 lần xe máy thì phải tính thuế, phí gấp 6-10 lần xe máy” - ông Hòa phân tích.

Ông Hòa cho rằng trước khi đưa ra biện pháp cụ thể để hạn chế xe cá nhân cần phải có những bước khảo sát thật kỹ và dựa trên cơ sở khoa học, nhất là phải căn cứ lộ trình phát triển giao thông công cộng.

“Trước mắt TP nên đẩy mạnh đầu tư cho xe buýt. Sớm lắm đến năm 2018 TP mới có một tuyến metro đầu tiên và phải mất nhiều năm sau đó mới có mạng lưới metro” - ông Hòa nhấn mạnh.

Thạc sĩ Phạm Sanh - chuyên gia giao thông - thì nói TP.HCM là đô thị “cực lớn” lại phát triển “cực nóng” nhưng không kiểm soát tốt, hệ thống hạ tầng giao thông quá tải gần hết, lại thiếu trầm trọng đất dành cho bãi đậu xe, nên việc hạn chế xe cá nhân vào trung tâm không có ý nghĩa thực tế.

Ông Sanh còn nói hành vi giao thông và quy luật dòng xe của TP.HCM rất khác thường, người dân TP đi làm một nơi, bàn công chuyện một nơi, con cái đi học nhiều nơi, mua sắm giải trí nhiều nơi... cho nên nhu cầu và thời gian đi lại trên những cung đường khác nhau trong một ngày là khá lớn.

Theo ông Sanh, để giải quyết căn cơ chuyện kẹt xe cần giải quyết ba vấn đề cơ bản gồm: phát triển hạ tầng, phát triển hệ thống giao thông công cộng và kiểm soát tốt quy hoạch đô thị (cụ thể là sử dụng đất).

Muốn làm tốt ba vấn đề này mà không có điều tra phân tích nhu cầu đi lại, không phối hợp tốt giữa các ngành chức năng, không có một đồ án quy hoạch giao thông khoa học, không có lộ trình và tiến độ cụ thể, không có các tiêu chuẩn và quy tắc phù hợp người VN... thì cũng chỉ làm tăng lãng phí xã hội.

TP.HCM có gần 7 triệu ôtô, xe máy

- Năm 2010 TP.HCM có khoảng 4,89 triệu xe cá nhân (0,44 triệu ôtô và 4,45 triệu môtô).

- Năm 2013, gần 6,4 triệu xe cá nhân các loại, trong đó xe máy khoảng 5,87 triệu chiếc, chiếm 91,7% tổng số xe (còn lại là ôtô). Khoảng 98% số hộ gia đình có xe máy.

- Đến tháng 5-2014 xe cá nhân đã tăng lên đến 6,59 triệu xe (0,49 triệu ôtô và 6,1 triệu xe máy).

- Đến tháng 11-2014, Sở Giao thông vận tải cho biết TP đang quản lý tổng cộng 6.953.962 phương tiện, gồm 582.339 ôtô và 6.371.623 môtô.

Nguồn: tuoitre.vn​

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Tìm hiểu Honda Lead 125

Honda Lead 125 - sức hút từ sự cải tiến Động cơ nâng từ 110 lên 125 phân khối, tích hợp công nghệ tắt động cơ khi dừng quá 3 giây, nắp bình xăng tiện dụng khiến Lead thân thiện hơn dù vẫn còn nhược...

Xem thêm  

Honda 67 lạ mắt của thợ độ Việt Nam

Rũ bỏ vóc dáng hiền lành, chiếc 67 trở nên dữ dằn với mặt nạ trước, ống xả vắt cao, và nhiều trang bị hầm hố. Hầu hết các chi tiết của xe đều được làm mới theo phong cách môtô thể thao....

Xem thêm  

Chạy thử Super Dream 2013

Chạy thử Super Dream 2013: Không còn là giấc mơ đẹp Mẫu xe số "siêu giấc mơ" với động cơ 110cc vừa ra mắt của Honda Việt Nam sở hữu thiết kế lai tạp, không bắt mắt và động cơ mới cũng chưa thực...

Xem thêm  

Hình ảnh các thể loại xe đạp

Các thể loại xe đạp: Road bike Mountain bike Touring bike BMX buy Trials Ngoài ra còn một số biến thể khác như Tandem Fixed gear bike (Sài Gòn đang manh nha, hình như Hà Nôi chưa có) ...

Xem thêm  

Cơ bản về xe đạp

Không biết từ bao giờ xe máy đã thành 1 phương tiện ko thể thiếu đối với người Việt Nam.Nhưng không vì thế mà xe đạp mất đi nét đẹp của nó .Và thực sự ở đâu đó xung quanh các bạn vẫn có...

Xem thêm