Tỉ trọng thanh toán trực tuyến rất thấp
Thương mại điện tử (TMĐT) là một thị trường tiêu dùng lớn, có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Theo kết quả khảo sát của Cục Thương mại điện tử và cntt năm 2015, doanh số TMĐT theo hình thức B2C (doanh nghiệp - khách hàng) đạt khoảng 4,07 tỷ USD - tăng 37% so với năm trước, chiếm khoảng 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Trong khi đó, tỉ trọng này tại Mỹ và Trung Quốc tương ứng là 10% và 15%.
Thanh toán điện tử là xu hướng của thương mại điện tử. (Ảnh minh họa: Internet)
Thực tế, thanh toán điện tử chưa tương xứng với tiềm năng. Thanh toán tiền mặt vẫn chiếm phần lớn ở các webiste thương mại điện tử. Cụ thể, chỉ có 53% website có chức năng đặt hàng trực tuyến và 17% website chấp nhận thanh toán trực tuyến.
Mặc dù vậy, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định: Việc sử dụng các hình thức chi trả trực tuyến như thẻ tín dụng, ví điện tử sẽ ngày càng tăng. Đặc biệt, trong những năm gần đây, thu nhập của người dân dần tăng lên, nhu cầu mua sắm, du lịch cũng ngày càng phát triển.
Theo thống kê, tổng lượng thẻ ngân hàng đang lưu hành trên thị trường Việt Nam là hơn 102 triệu thẻ (cao hơn cả dân số Việt Nam hiện nay - hơn 90 triệu người), trong đó thẻ quốc tế là trên 6 triệu thẻ. Bên cạnh đó, lượng khách hàng thanh toán bằng chuyển khoản khi mua hàng qua mạng đã tăng từ 14% lên 48% trong năm 2015. Đây chính là những cơ sở cho việc phát triển thanh toán trực tuyến ở Việt Nam.
16 công ty đã được cấp phép thanh toán trung gian
Trước xu hướng đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT đã và đang chú trọng hơn vào việc cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến, thu hộ, chi hộ và ví điện tử. Vào ngày 8.4 vừa qua, Công ty Ví FPT đã trở thành công ty thứ 16 chính thức được Ngân hàng nhà nước Việt Nam cấp phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán.
Dịch vụ này khi đi vào hoạt động hứa hẹn giúp cho các khách hàng thêm một lựa chọn thanh toán nhanh chóng và tiện lợi hơn. Dự kiến, trong thời gian tới, khách hàng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ khác như Internet, dịch vụ lưu trữ dữ liệu trực tuyến, quảng cáo trực tuyến,… cũng có thể sử dụng được dịch vụ này.
Chia sẻ tại lễ cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán cho công ty thứ 16 tại Việt Nam, ông Bùi Văn Tiên - Vụ trưởng Vụ thanh toán (Ngân hàng nhà nước Việt Nam) cho rằng, chúng ta đang đứng trước cuộc cách mạng về công nghệ.
Ông Bùi Văn Tiên - Vụ trưởng Vụ thanh toán, Ngân hàng nhà nước Việt Nam.
"Khi công nghệ thay đổi, chúng ta phải có cơ chế hoạt động theo đúng chính sách, đi sâu vào đời sống của người dân, chú trọng vào an ninh, an toàn, bảo mật, phải thay đổi quy trình nghiệp vụ cũng như các thao tác so với các dịch vụ truyền thống trước đây. Đồng thời, phải phối hợp chặt chẽ với các công ty liên quan trong quá trình hoạt động".
Ông Trần Hải Linh, Tổng Giám đốc Công ty Ví FPT cho biết, một trong những khó khăn trong việc phát triển thanh toán trực tuyến là nhiều người chưa tin tưởng vào hình thức thanh toán trực tuyến trung gian. Cũng theo ông Linh, thói quen người dùng Việt Nam là thường thanh toán điện tử đối với các đơn hàng có giá trị dưới 1 triệu đồng. Khi cần mua hàng hóa giá trị cao, phần lớn vẫn chọn phương thức thanh toán tiền mặt.
Về sự cạnh tranh giữa 16 công ty được cấp phép cung cấp dịch vụ thanh toán trung gian, ông Linh đánh giá: "Giai đoạn đầu, tôi nghĩ chưa có sự cạnh tranh nhiều vì các lĩnh vực rất đa dạng, và mỗi công ty thường có các đề án cụ thể, khác nhau, như chuyên về chuyển tiền, thẻ, thanh toán trực tuyến, ví điện tử hay di động,...".
Được biết, hiện, Payoo cũng là một trong những công ty cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán mạnh tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực thu hộ tiền điện, nước, cước internet,... Về thị trường này, ông Linh khẳng định: "Ví FPT sẽ tìm những mảng thị trường chưa có người phục vụ để phát triển dịch vụ của mình, chứ không cạnh tranh với công ty nào trong giai đoạn này".
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet