Snapchat có thể bị cấm tại Anh. Ảnh minh họa
Hôm thứ Hai (12/1), Thủ tướng Anh David Cameron cho biết sẽ theo đuổi lệnh cấm các dịch vụ nhắn tin trực tuyến. Tuyên bố của Thủ tướng được đưa ra trong bối cảnh chính trị gia châu Âu đang yêu cầu các hãng Internet như Google, Facebook cung cấp thông tin tốt hơn về hoạt động trực tuyến của người dùng sau một số mối đe dọa khủng bố, trong đó có cả vụ thảm sát tại Paris (Pháp) vừa qua.
Ông Cameron khẳng định nếu được bầu cử, ông sẽ chặn các công cụ liên lạc trực tuyến mã hóa có thể được bọn khủng bố sử dụng nếu lực lượng tình báo không được tiếp cận chúng. Đây là một phần trong luật mới buộc hãng viễn thông và nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) lưu trữ dữ liệu hoạt động của khách hàng nhiều hơn.
Dù vậy, bất kỳ hạn chế nào áp đặt lên các dịch vụ như WhatsApp, Snapchat… sẽ không có hiệu lực trước năm 2016 và hiện vẫn chưa rõ chính phủ Anh sẽ dùng cách nào để ngăn cản mọi người dùng các ứng dụng kể trên.
Bình luận của ông Cameron là diễn biến mới nhất trong cuộc tranh luận tại châu Âu và Mỹ về việc liệu công ty Internet và nhà mạng có phải hợp tác đầy đủ với tổ chức tình báo hay không khi các nhóm khủng bố như ISIS hay ISIL ngày càng tăng cường sử dụng mạng xã hội.
Chẳng hạn, sau cuộc tấn công vào một tòa báo tại Paris, các nhà lãnh đạo châu Âu kêu gọi ISP báo cáo các nội dung độc hại có thể liên quan đến hành động khủng bố. “Chúng tôi lo ngại Internet thường xuyên được dùng để kích động lòng hận thù, bạo lực và chúng tôi muốn bảo đảm Internet không bị lạm dụng cho mục đích này”, các chính trị gia EU nói trong một phát biểu chung.
Tháng 11/2014, nhà chức trách Anh đổ lỗi cho Facebook vì không thông báo cho các nhà chức trách về lời đe dọa của hai người đàn ông trên mạng trước khi chúng giết một người lính tại Luân Đôn năm 2013.
Du Lam (Theo NYT)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet