Tại Nhật Bản có những quán trọ hay khách sạn gọi chung là ryokan. Khi đã chọn nghỉ dưỡng tại những ryokan có tắm onsen (tắm khoáng nóng), du khách sẽ được phục vụ cả bữa tối và sáng trọn gói và không kèm đồ uống.
Nhiều du khách thường chọn chân núi Phú Sỹ để nghỉ chân và tắm onsen, còn lần đầu tiên đến Nhật tôi được đưa đến Gero Onsen Yunoshimakan nằm ngay trung tâm tỉnh Gifu trên đảo Honshu, cách Tokyo khoảng 400 km về phía tây nam.
Sau những con đường ngoằn ngoèo, khách sạn hiện ra lấp ló giữa hàng cây cao. Chỉ vừa bước vào, vài nhân viên người Nhật đã nhanh chóng có mặt, tươi cười chào khách lạ với câu irraisaimase quen thuộc. Trong khách sạn, du khách sẽ sử dụng dép đi trong nhà được trang bị sẵn và giày được các nhân viên cất giúp. Ngạc nhiên hơn nữa là chẳng cần thẻ giữ đồ và hôm sau khi check-out tôi đã thấy đôi giày của mình nằm gọn gàng ngay lối ra. Dịch vụ của người Nhật quả là danh bất hư truyền.
Phần sảnh trước của Gero Onsen Yunoshimakan được làm hòan toàn từ gỗ mang đậm nét cổ kính.
Mỗi du khách được phát một chiếc ba lô mỏng, trong đó để 2 tấm khăn, một to một nhỏ. Khăn to để lau người còn khăn nhỏ để mang vào khu tắm tập thể. Còn chưa kịp định thần thì anh bạn người Nhật - Takehiro bảo tôi cởi quần áo để đi tắm…chung. Gần 10 năm trước với một cậu sinh viên như tôi thì việc này khá xấu hổ. Takehiro hướng dẫn tôi cách mặc yukata, bộ áo choàng dài mà thoạt tiên bạn sẽ tưởng nó là kimono mỏng.
Tại ryokan, có khu vực tắm dành riêng cho nam và nữ. Trước cửa vào sẽ có bảng chữ để phân biệt cùng với tấm rèm che màu xanh là của nam và màu đỏ của nữ. Riêng tại khách sạn Gero Onsen Yunoshimakan còn có cả phòng dành cho gia đình, nơi đây mọi người có thể dùng chung một bể tắm nhỏ. Thoải mái trong “trang phục Adam”, từ cậu bé 7 tuổi đến cụ già 70 tuổi, mọi người tự do đi lại trong khu vực thay quần áo.
Để lại tất cả đồ đạc trong ngăn tủ chỉ mang theo chiếc khăn nhỏ, tôi khúm núm dùng tấm vải quý giá đấy để che đằng trước, còn đằng sau thì đành chịu chết. Sau này nghĩ lại tôi vẫn còn thấy buồn cười vì hình ảnh của chính mình.
Tắm onsen khá thú vị trong đó có yêu cầu bạn phải diện “trang phục Adam” toàn diện và không được mang theo máy ảnh.
Ngó nghiêng xung quanh chỉ có một vài người, tôi thở phào nhẹ nhõm nhanh chóng ngồi luôn lên chiếc ghế và quay mặt vào vòi hoa sen. Trước khi ngâm mình vào bể nước nóng, mọi người đều tắm gội sạch sẽ. Có sẵn sữa tắm, dầu gội đầu, dầu xả, đá kỳ chân tại mỗi ô. Ryokan mà tôi đến nghỉ khá rộng, riêng bể ngâm có hẳn hai khu trong nhà và ngoài trời.
Tắm gội đã xong, tôi lại tiếp tục e dè khe khẽ theo chân Takehiro lên bậc thang ra bể ngâm ngoài trời. Tháng 12 lạnh tê tái mà thân không một mảnh vải, trong khi các bác đầu bạc vẫn hiên ngang qua lại cười nói thì hai hàm răng tôi bắt đầu va lập cập. Ấy vậy mà khi vừa nhúng chân đến đầu gối tôi lại chỉ muốn đi ngược ra vì nước quá nóng.
Toan nhón bước thì anh bạn tôi không nhịn được cười nữa phải bật lên thành tiếng và bảo: “Nóng phải không, cậu phải đứng một chút cho cơ thể quen rồi hãy nhúng cả người xuống”. Tôi cứ nghĩ chắc cũng phải 60 độ C nhưng anh lại cười bảo: “Thế thì chín cả kintama (nói vui theo tiếng nhật có nghĩa là “trứng vàng”) của mọi người hết à!”.
Quả đúng thế thật, chỉ khoảng chưa đầy một phút cơ thể quen dần và tôi đã có thể ngâm cả người xuống làm nước khoáng ấm áp. Làn khói bay lảng vảng trên bề mặt rồi cuốn vào bầu trời hoàng hôn. Quang cảnh thật thanh bình, bể tắm được quây bằng đá rất gần gũi với thiên nhiên, xung quanh là rừng thông xanh thẳm, tiếng gió vi vu thổi xe lẫn âm thanh trò chuyện ríu rít của các chị em phụ nữ bên kia bức tường.
Nước nóng làm cơ thể tỏa nhiệt, mồ hôi cùng hơi nước bắt đầu đọng trên trán, lúc này tôi mới hiểu tại sao mọi người thường đặt chiếc khăn lên đầu như trong truyện Doraemon khi đi tắm tập thể.
Những miếng sashimi được xếp khéo léo như một tác phẩm nghệ thuật. Ảnh: yunoshimakan.co
Lúc mọi người đang say sưa ngâm mình và trò chuyện thì bất ngờ tuyết rơi. Khung cảnh lãng mạn và liêu trai mà có lẽ tôi không bao giờ có thể quên. Những bông tuyết nhỏ trắng muốt khe kẽ hạ cánh xuống mép bể. Số còn lại nhanh chóng tan đi trong làn nước nóng. Mọi người kéo nhau trở vào trong nhà bởi không khí này rất dễ làm bạn bị nhiễm lạnh.
Tắm onsen thường làm bạn đói run và khát khô cổ họng. Bữa tối đã được chuẩn bị sẵn khi chúng tôi trở về phòng. Mặt bàn không còn một chỗ trống với những miếng sashimi (cá sống) được bài trí hết sức tinh tế, có cả một nồi cơm nhỏ xíu bằng nắm tay với gạo sống để sẵn, chỉ đến khi nào khách ăn đến gần cuối mới nhóm lửa cồn và khoảng chưa đầy 10 phút là đã có cơm nóng hổi.
Những ly rượu sake mát lạnh chảy qua cổ họng đi đến đâu biết đến đó cùng bao món thức ăn tươi ngon đã cho tôi một trải nghiệm đáng nhớ trong những ngày đầu tiên du hành xứ phù tang.
Khách sạn Gero Onsen Yunoshimakan nằm giữa cánh rừng thông thanh bình của tỉnh Gifu.
Bể nước khoáng nóng ngoài trời để du khách đi dạo có thể dừng ngâm chân.
Bên ngoài khung cửa sổ, khuôn viên khách sạn đẹp như một bức tranh
Một góc bữa tối rất tinh tế mà tôi lần đầu được nếm thử.
Bữa sáng được chuẩn bị sẵn với rất nhiều món và cả bịch rong biển bao bên ngoài có dòng chữ “chào buổi sáng”
Trong từng phòng còn có cả bể tắm dẫn nước khoáng nóng từ bên ngoài vào.
Bên trong khách sạn bài trí khá nhiều đồ gốm cổ và mặt nạ từ thời Edo.
Bài và ảnh: Hoài Nam
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet