Singapore, một trong những quốc gia đầu tiên có hệ thống giao thông hiệu quả nhất thế giới, thực hiện việc thu phí đường bộ từ năm 1975. Trước tiên là theo phương pháp thủ công (dựng trạm với nhân viên bán vé giấy), sau đó là hệ thống thu phí điện tử ERP. Mới đây nhất, quốc đảo này đưa vào thử nghiệm hệ thống thu phí giao thông tự động mới thay thế cho hệ thống ERP đã có tuổi đời 13 năm.
Hệ thống thu phí đường bộ ERP tại Singapore. Ảnh: mhi. |
Mức thu phí hiện nay tại Singapore dao động trong khoảng 50 cent đến 3,5 SGD (tương đương 8.000 đến 57.000 đồng) mỗi phương tiện tính trên một lượt đi qua các cổng ERP. Mức phí sẽ thay đổi 30 phút một lần theo mật độ lưu thông trên đường. Sau 3 tháng, cơ quan quản lý giao thông đường bộ Singapore kiểm tra lại mức giá thu một lần để điều chính cho hợp lý.
Tuy nhiên, ERP lại bị liệt vào 5 điều tệ nhất khi lái xe ở Singapore. Nhiệm vụ của hệ thống này là giảm ách tắc giao thông trong giờ cao điểm ở những con đường huyết mạch. Nhưng chính nó cũng gây ra vấn đề khi ai cũng buộc phải đi qua một chỗ vào cùng một thời điểm. Nhiều người cho mượn xe, dùng phương tiện giao thông công cộng hoặc đi xe chung, nhưng giờ cao điểm vẫn tắc. Còn với những người "lách luật", khi đưa xe vào các đường nhỏ hơn nhằm tránh đi qua cổng ERP, lại gây ra cảnh ách tắc tại các tuyến đường nhỏ.
Hong Kong (Trung Quốc) thử nghiệm ERP từ năm 1983 đến 1985 với những kết quả tích cực. Tuy nhiên, biện pháp giảm ách tắc này không được áp dụng do ý kiến phản đối của người dân.
Chính phủ Anh đã tính đến việc thu phí phương tiện giao thông từ những năm 1960. Nhưng đến năm 2002, thành phố cổ Durham ở vùng Đông Bắc Anh mới là nơi đầu tiên áp dụng. London thực hiện với khu vực trung tâm từ năm 2003. Lúc đó, mức phí là 5 bảng mỗi lần (khoảng 164.000 đồng), rồi tăng lên 8 bảng (khoảng 262.000 đồng) vào tháng 7/2005. Trốn nộp phí, mức phạt sẽ là 50 bảng (tương đương 1,6 triệu đồng).
Durham, thành phố đầu tiên áp dụng thu phí phương tiện giao thông tại Anh. Ảnh: Đình Chính. |
Thành phố Stockholm (Thụy Điển) áp dụng hệ thống thu phí kể từ ngày 1/8/2007, sau 7 tháng thử nghiệm. Trung tâm thành phố là khu vực bị thu phí. Mọi lượt ra-vào đều được kiểm soát với hệ thống nhận diện biển số tự động. Mọi xe ra vào khu vực này đều phải trả từ 10 đến 20 SEK (tương đương 30.000 đến 60.000 đồng), tùy thuộc vào khoảng thời gian trong ngày, từ 6h30 đến 18h29.
Trao đổi với VnExpress.net, một kỹ sư Việt kiều ở TP HCM từng sống nhiều năm tại Đức và các nước châu Âu cho biết, thông thường ở châu Âu, với mạng lưới giao thông công cộng phát triển, mức thu đối với phương tiện cá nhân khá cao. Mục tiêu nhằm hạn chế lượng xe cá nhân, đặc biệt khi lưu thông vào khu vực trung tâm, nơi mà hệ thống giao thông công cộng bao gồm xe buýt, tàu điện ngầm hay taxi đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân.
"Tại Anh, mức phí 8 bảng cho giờ cao điểm đối với xe cá nhân vào thành phố là bởi mạng lưới giao thông tại Anh rất phát triển. Ví dụ, khi tới thủ đô London, anh có thể mua vé đi xe buýt mỗi lần với giá rất thấp, sử dụng được trong vòng 24 giờ, đi khắp nơi trong thành phố và có thể chuyển đổi qua phương tiện khác là tàu điện ngầm. Nhân viên công sở, ngân hàng tại đây có thể đi làm bằng phương tiện công cộng với giá rẻ, đi và đến đúng giờ, phục vụ 24/24 giờ”, anh này chia sẻ thêm.
Ngoài ra, mức giá 8 bảng cho giờ cao điểm không quá cao bởi mức thu nhập trung bình của họ cao hơn mức thu nhập trung bình của người dân Việt Nam. Hiện nay, tại các thành phố lớn của Việt Nam, các tuyến xe buýt chằng chịt, chất lượng phục vụ chưa cao, cộng với vấn nạn ách tắc thì việc thu phí xe cá nhân vào trung tâm nếu không nghiên cứu kỹ, phương tiện công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển thì dễ xảy ra tình trạng chuyển kẹt xe từ trung tâm thành phố ra các khu vực giáp ranh.
Anh cũng cho biết thêm, tại Mỹ, phí lưu hành được thu thông qua phí thu trên bảng số xe, với mức từ 100 USD đến 150 USD, tùy từng bang. Nhưng tại Đức, phí lưu hành được chính quyền thu thông qua dung tích xi-lanh, và mức độ đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường của phương tiện giao thông. Với các phương tiện có dung tích xi-lanh phù hợp, đạt các tiêu chuẩn về khí thải thì mức thu thấp, thậm chí những loại xe “xanh” được khuyến khích bằng cách miễn phí lưu hành trong vòng 2 năm. Ngược lại, những xe tiêu tốn nhiều nhiên liệu, không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường sẽ bị áp dụng mức thu cao hơn.
Đã có đề xuất thu phí vào giờ cao điểm nhằm giảm ách tắc tại các thành phố lớn ở Việt Nam. Ảnh: Tiến Dũng. |
Tại Việt Nam, phí bảo trì đường bộ, dự kiến được thu dựa trên kiểm tra định kỳ về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Loại phí này từng được Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ trong báo cáo bổ sung Nghị định Quỹ bảo trì đường bộ vào đầu năm 2011.
Ngày 30/12/2011, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng có tờ trình gửi Thủ tướng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết bổ sung phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm.
Phí lưu hành được đề nghị thu theo dung tích xi-lanh với ôtô, thấp nhất 20 triệu đồng và cao nhất 50 triệu đồng mỗi năm. Với môtô, xe máy tại 5 thành phố lớn (Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng) phải đóng 500.000 đồng cho xe có dung tích dưới 175 cm3 và 1 triệu đồng cho xe có dung tích lớn hơn.
Với loại phí giờ cao điểm, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất thu đối với ôtô, áp dụng tại khu vực nội đô thành phố với mức dự kiến là 30.000 đồng một lượt xe ôtô đến 7 chỗ và 50.000 đồng với các loại ôtô còn lại.
Hiện các phương tiện giao thông tại Việt Nam mới chỉ phải nộp một loại phí đường bộ, mỗi khi đi qua một công trình cầu, đường nào đó mới xây xong, với mục đích hoàn trả vốn xây dựng.
Minh Thủy - Đức Quang
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet