Có những chiếc còn khá mới, thậm chỉ vừa rời khỏi showroom vội vã tới đây để có thêm lớp áo chống xước. Giấy mòn thường được chủ xe lựa chọn để che đi lớp sơn đã phai hoặc khi muốn thể hiện cá tính riêng. Cửa hàng quy mô nhỏ, chỉ khoảng 5 tới 10 người nhưng tổ chức chuyên môn hóa: người chuyên chào mời, người tháo lắp, người dán. Hiếm khi chồng chéo nhiệm vụ.
Một chiếc SYM đang được thay áo mới. |
Cửa hàng san sát nên tới đây khách không mất công tìm, chỉ mất công...từ chối. Chỉ cần nhích tí ga là đã thuộc "địa bàn" nhà khác. Tuy vậy vẫn có nơi chẳng cần chào mời mà khách cứ đông. Đó thường là cửa hàng mở lâu năm uy tín, khách đến thường do giới thiệu hoặc quen.
Thỏa thuận diễn ra nhanh chóng. Cần dán gì, chỗ nào, chất liệu, màu sắc, giá cả đều thống nhất nhanh. Việc của khách là ngồi chờ đôi ba tiếng.
Xe mới thì dễ. Xe đã dán rồi thì cần xử lý ban đầu là bóc sạch lớp dán trước đó. Hầu hết dùng giẻ thấm xăng sẽ lau lớp keo bám ngoài. Còn nước rửa chén dùng cho việc làm sạch xăng, bùn đất.
Với những xe dán chống xước, sau công đoạn làm khô, người dán dùng keo đánh bóng lại bề mặt. Theo bác thợ tại cửa hàng Hà Huy, lớp keo làm tăng độ bóng cho bề mặt, xóa đi các vết xước nhỏ nên vuốt nilon dễ hơn. Sau đó từng miếng giấy bóng cắt vừa với chi tiết sẽ được quấn tròn và mở dần ra khi dán. Thợ rất hạn chế dùng nhiều miếng bóng kính trên một chi tiết bởi chúng tạo ra gờ xấu.
Chiếc đang được dán chống xước. |
Hai dụng cụ quan trọng nhất của người thợ dán nilon là máy sấy nóng và khăn lót tay. Một tay miết, một tay giở giấy bóng, miệng dùng để giữ máy sấy. Máy sấy hơ nóng làm mềm nilon, ngón cái nhanh chóng miết tới ép chặt lớp nilon.
Mặt dán không có bọt khí, vết nhăn được coi như đạt yêu cầu. Nếu chỉ dán trên mặt phẳng thì điều này khá đơn giản. Phần khó nằm ở những điểm gấp, mặt gồ ghề. Vị trí này cần làm nilon dẻo, co giãn tốt để lựa theo biến dạng. Có những điểm thợ phải kiên nhẫn lặp lại nhiều lần: hơ nóng, miết, bóc một phần khu vực vừa dán, rồi lại hơ nóng.
Nếu như giai đoạn hơ nóng, miết tay quyết định tới thẩm mỹ của bề mặt thì việc gấp mép lại ảnh hưởng lớn tới độ bền của tấm nilon. "Một phần nhỏ nilon được gấp vào mặt trong của vỏ, như vậy giấy bóng sẽ khó bị bật ra hơn", thợ dán tại cửa hàng Hà Huy nói.
Sau khi dán, các bước thực hiện như một cuốn băng tua ngược so với lúc tháo. Hình hài chiếc xe dần lộ ra với mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn, sáng, bóng và rực rỡ hơn.
So với việc trang trí bằng sơn Airbrush thì dán nilon có phần đơn giản, nhanh và chi phí cũng thấp hơn nhiều lần. Tổng chi để dán toàn thân xe khoảng 300.000 cho đến 1 triệu đồng, tùy loại xe và chất liệu mà khách hàng lựa chọn.
>> Ảnh chi tiết các công đoạn dán nilon |
Thế Hoàng
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet