Nội dung

Việc “độ” xe ngày nay đã trở nên dễ dàng, nhưng cũng như bao thú chơi khác của giới trẻ, chơi xe “độ” luôn có những hiểm nguy rình rập dù là dân chơi xe lâu năm hay người mới bắt đầu.

* Những chiếc xe phá cách

Ngắm nghía chiếc xe vừa được thay đổi dàn đèn, tay thắng, kính chiếu hậu…, anh Nguyễn Văn Tòng (ngụ xã Nhân Nghĩa, huyện Cẩm Mỹ), một thợ “độ” xe có 5 năm kinh nghiệm, cho hay “độ” xe có 2 loại là “độ” ngoại thất (thay đổi dáng xe cho đẹp, bắt mắt) và “độ” máy móc để nâng cao tốc độ, cải thiện sức máy. “Độ” ngoại thất phổ biến hơn, được nhiều người chọn lựa. Người chơi có thể “khoác” cho chiếc xe một kiểu “áo mới” thể hiện cá tính của bản thân. Với kiểu “độ” này, từ những loại xe đời mới cho đến những xe đã xuất xưởng hàng chục năm đều được đem ra “độ” lại. Tùy mục đích đi “phượt”, tham gia các giải đua, hoặc đơn giản chỉ là muốn thể hiện cá tính…, cũng như sở thích và yêu cầu của người chơi mà người thợ sẽ tư vấn các linh kiện phù hợp. Tuy nhiên, “độ” theo cách nào cũng ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng và tuổi thọ của xe.

Thú chơi xe máy độ
Thợ đang tiến hành “độ” một chiếc xe trong khuôn khổ một cuộc thi.

“Đơn giản nhất là việc thay thế một số bộ phận bên ngoài của xe bằng những phụ tùng bắt mắt, tạo sự chú ý của người đi đường; hoặc đầu tư mạnh hơn bằng cách can thiệp vào máy móc, sử dụng những phụ tùng khác để xe chạy nhanh hơn, tiếng máy phát ra mạnh mẽ hơn. Dù “độ” theo cách nào thì người chơi cũng muốn thể hiện cái tôi thông qua chiếc xe. Phụ tùng thay thế có muôn vàn mức giá, hàng “xịn” có, hàng thường có… Nếu muốn thể hiện “đẳng cấp”, người chơi dùng hàng có chất lượng tốt và giá thành cao, nhiều xe chỉ tính tiền “độ” đã đắt hơn tiền mua chiếc xe” - anh Tòng chia sẻ.

 

Việc xử lý hành vi “độ” xe thường phải căn cứ vào thiết kế ban đầu của nhà sản xuất. Một số hành vi dễ bị phát hiện và xử lý, như: thay đổi màu sơn, bóng đèn, đặc biệt là việc thay đổi vị trí, kích thước, màu sắc của biển kiểm soát… Mức xử phạt hành vi “độ” xe được quy định tại các khoản 1 và 3, Điều 30 của Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

 

Anh Nguyễn Phúc Nên, thợ sửa xe máy ở xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất), cho biết nếu chỉ “độ” một chiếc xe ở mức cơ bản thì thợ sửa xe nào cũng có thể làm được. Nhưng muốn chiếc xe mang phong cách độc đáo, “có một không hai” thì phải tìm đến những thợ có tay nghề cao và đặt làm phụ tùng riêng với mức giá không hề rẻ. Nhiều người chơi có thể vung tiền để có được chiếc xe ưng ý, nhưng cũng không hiếm người chỉ muốn có một chiếc xe khỏe, chuyên dùng cho những chuyến “phượt” dài ngày ở địa hình hiểm trở. Khi đó, người thợ phải có tay nghề cao mới đảm nhận được yêu cầu của chủ xe.

 

Thợ “độ” xe phải là một thợ sửa xe máy có tay nghề. Sau khi nắm vững quy tắc và thiết kế cơ bản của từng dòng xe thì người thợ mới có thể học cách “độ” xe. Những yêu cầu “độ” xe cơ bản không khó với các thợ “độ” xe, nhưng muốn thu hút nhiều khách hàng, muốn có tên tuổi trong giới chơi xe thì thợ phải có một chiếc xe “độ” để đời. Tự hào nhất là khi có người nhìn thấy chiếc xe sẽ nhắc ngay tới người thợ “độ”, giống như cha mẹ tự hào khi có một đứa con giỏi” - anh Nên bộc bạch.

* Rủi ro khi chơi xe “độ”

Bất kỳ chiếc xe máy nào khi đã có bàn tay thợ “độ” can thiệp vào thiết kế gốc cũng đều ảnh hưởng đến tuổi thọ của xe, chưa kể một số người chơi chấp nhận những rủi ro, thay đổi nhiều chi tiết nguyên bản của xe để có một chiếc xe đẹp, độc, lạ. Tuy là thú chơi của những người yêu xe máy, nhưng những chiếc xe “độ” quá đà đang gây nhiều nguy hiểm với chủ xe và người đi đường, thậm chí là vi phạm pháp luật giao thông. Theo một số người chơi xe “độ”, nhiều chiếc xe “độ” được dùng để đua xe trái phép với tốc độ cao, thời gian tăng tốc ngắn và tiếng máy gầm rú gây sự kinh hoàng cho người đi đường. Từ các dòng xe cũ, như: Honda 67, Suzuki Sport đến những chiếc mới ra mắt, như: Yamaha Exciter các đời…, hễ tham gia đua là phải “độ”.

Pháp luật Việt Nam chưa có quy định nào cho phép chủ xe can thiệp vào thiết kế ban đầu do nhà sản xuất xe đưa ra. Khoản 2, Điều 55 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: “Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo, hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”. Việc thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế ban đầu được chế tạo và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là hành vi trái với quy định của pháp luật.

Thú chơi xe máy độ
Những chiếc xe máy được “độ” tham gia một giải đua xe.

“Biết rõ chỉ cần sử dụng kính chiếu hậu khác với thiết kế của hãng đã có thể bị xử phạt, nhưng vì đam mê chơi xe “độ” nhiều người chấp nhận vi phạm các quy định của pháp luật. Thậm chí, việc dán tem trùm kín hết màu sơn của xe, dù tem vẫn giữ nguyên tên xe và hãng sản xuất xe cũng bị xử lý như việc tự ý thay đổi màu sơn xe không đúng với giấy đăng ký. Trước đây tôi cũng mê những chiếc xe “độ” phá cách, tiếng máy xe gầm rú, nhưng sau nhiều sự cố xảy ra tôi đã bỏ thú chơi xe “độ”. Giờ có khách đến nhờ “độ” xe, tôi đều đề nghị họ cân nhắc thật kỹ vì chắc chắn chiếc xe “độ” của họ sẽ gặp rắc rối với cảnh sát giao thông khi bị kiểm tra” - anh Nên cho biết.

Bất cứ chiếc xe máy nào được đưa ra thị trường đều được nhà sản xuất nghiên cứu kỹ lưỡng về thiết kế, độ an toàn nên “độ” xe ít nhiều làm thay đổi chất lượng, độ an toàn của xe. Việc chơi xe “độ” cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ rủi ro, có thể xảy ra tai nạn giao thông bất cứ lúc nào. Trên thực tế, việc “độ” xe thường được thợ làm bằng kinh nghiệm, chứ không được qua đào tạo bài bản nên nhiều trường hợp do lắp ráp không đúng cách đã dẫn tới xe gặp sự cố, gây tai nạn cho người điều khiển. Đối với những phương tiện đã được chủ xe thay đổi ống pô, ống xả làm tiếng máy phát ra quá lớn, khiến nhiều người cùng tham gia giao thông hoảng hốt, giật mình tự ngã xe. Có trường hợp sau khi tự ngã đã bị phương tiện khác chèn qua người dẫn đến tử vong, hậu quả vô cùng thương tâm.

Theo Đăng Tùng/Báo Đồng Nai

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Tìm hiểu Honda Lead 125

Honda Lead 125 - sức hút từ sự cải tiến Động cơ nâng từ 110 lên 125 phân khối, tích hợp công nghệ tắt động cơ khi dừng quá 3 giây, nắp bình xăng tiện dụng khiến Lead thân thiện hơn dù vẫn còn nhược...

Xem thêm  

Honda 67 lạ mắt của thợ độ Việt Nam

Rũ bỏ vóc dáng hiền lành, chiếc 67 trở nên dữ dằn với mặt nạ trước, ống xả vắt cao, và nhiều trang bị hầm hố. Hầu hết các chi tiết của xe đều được làm mới theo phong cách môtô thể thao....

Xem thêm  

Chạy thử Super Dream 2013

Chạy thử Super Dream 2013: Không còn là giấc mơ đẹp Mẫu xe số "siêu giấc mơ" với động cơ 110cc vừa ra mắt của Honda Việt Nam sở hữu thiết kế lai tạp, không bắt mắt và động cơ mới cũng chưa thực...

Xem thêm  

Hình ảnh các thể loại xe đạp

Các thể loại xe đạp: Road bike Mountain bike Touring bike BMX buy Trials Ngoài ra còn một số biến thể khác như Tandem Fixed gear bike (Sài Gòn đang manh nha, hình như Hà Nôi chưa có) ...

Xem thêm  

Cơ bản về xe đạp

Không biết từ bao giờ xe máy đã thành 1 phương tiện ko thể thiếu đối với người Việt Nam.Nhưng không vì thế mà xe đạp mất đi nét đẹp của nó .Và thực sự ở đâu đó xung quanh các bạn vẫn có...

Xem thêm