sở thú hay các trung tâm bảo tồn động vật hoang dã ngày nay không chỉ hoạt động theo hình thức truyền thống “người ngoài – thú trong” nữa mà trở nên thú vị hơn, mạo hiểm hơn khi… đảo ngược vị trí của thú và người. Hình thức này không chỉ mang lại trải nghiệm siêu thực tế cho khách tham quan mà còn giúp con người thấu hiểu cuộc sống đằng sau song sắt của những người bạn hoang dã.
1. Sở thú Lujan, Argentina
Sở thú Lujan nằm phía đông thành phố Buenos Aires, Argentina, từng gây tranh cãi khi những bức ảnh chụp cảnh du khách vào hẳn bên trong chuồng thú, ôm ấp, sờ những động vật hung dữ như hổ, sư tử, gấu, báo đốm… một cách vô tư như đối xử với thú cưng được chia sẻ rộng rãi.
Khách tham quan thoải mái chụp ảnh cùng chú hổ dữ như đang ở cạnh một "bạn mèo" hiền lành. (Ảnh: Internet)
Hình thức tham quan mới của sở thú này trái với luật pháp của Argentina, khi cho phép khách tương tác với những con thú trong các công viên hoặc khu bảo tồn động vật hoang dã. Nhà chức trách cho rằng khi những hình ảnh này lan truyền trên mạng xã hội, nó sẽ tạo tiền lệ cho hàng trăm du khách đổ về đây vì trải nghiệm với thú dữ. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không ít đến sức khỏe tinh thần của những động vật này.
Nhân viên sở thú cho biết họ thuần hóa những động vật này theo quy trình huấn luyện đặc biệt và hoàn toàn tự nhiên chứ không sử dụng thuốc. (Ảnh: Internet)
Theo như những nhân viên của sở thú, họ thuần hóa những động vật này theo quy trình huấn luyện đặc biệt và hoàn toàn tự nhiên chứ không sử dụng thuốc. Trước khi các du khách vào tham quan, những con thú sẽ được cho ăn no để tránh nhầm lẫn du khách là miếng mồi ngon. Bên cạnh đó, trong quá trình du khách vào chuồng tham quan và tiếp xúc với động vật, sẽ có một nhân viên sở thú quan sát để phòng tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Người ta e sợ rằng những hình ảnh này sẽ tạo tiền lệ cho hàng trăm du khách đổ về đây, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của các con thú. (Ảnh: Internet)
2. Công viên cá sấu Crocosaurus Cove, Úc
Được mệnh danh là sát thủ đầm lầy, cá sấu là nỗi ám ảnh cho nhiều loài động vật khác và cả con người, bởi chiếc hàm khổng lồ với chiếc răng sắc nhọn khôn cùng. Vậy mà tại công viên cá sấu Crocosaurus Cove ở Úc, khách tham quan sẽ có dịp được bơi lặn và ngắm cá sấu ở khoảng cách chỉ… vài xen-ti-mét.
Trải nghiệm khó quên với sát thủ đầm lầy. (Ảnh: Internet)
Khi đến với công viên này, du khách sẽ vào trong một bể chứa trong suốt cao gần 3m, làm từ chất liệu acrylic dày 15,5cm, được bịt kín rồi thả vào trong hồ nước – ngôi nhà của chú cá sấu dữ tợn. Trong khoảng thời gian 20 phút, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến cá sấu nhai và nuốt trọn những tảng thịt lớn trong khi cảm giác thèm ăn được kích thích bởi... sự xuất hiện của con người.
Du khách sẽ vào trong một bể chứa trong suốt cao gần 3m, làm từ chất liệu acrylic dày 15,5cm, được bịt kín rồi thả vào trong hồ nuôi cá sấu. (Ảnh: Internet)
Được biết, chú cá sấu nước mặn này có tên Chopper, dài 5,5m và nặng 369kg. Mặc dù đã 86 tuổi nhưng Chopper vẫn còn khá nhanh nhẹn, thích đến gần chiếc lồng trong suốt và thỉnh thoảng còn muốn đớp cả con người bên trong lồng. Người ta thường cho chú cá sấu này ăn thịt trâu, thịt gà, tim bò và cá.
Chú cá sấu Chopper tuy đã 86 tuổi nhưng vẫn còn khá sung sức. (Ảnh: Internet)
3. Sở thú “ngược” Lehe Ledu, Trung Quốc
Vừa xuất hiện gần đây, thu hút sự chú ý của truyền thông và du khách trên khắp thế giới là sở thú “ngược” Lehe Ledu ở Trùng Khánh, Trung Quốc. Sở dĩ nơi này nhận được sự quan tâm lớn là bởi thay vì nhốt thú trong chuồng hoặc cũi sắt, người ta sẽ nhốt khách tham quan và… thả rông thú dữ.
Sở thú “ngược” Lehe Ledu ở Trùng Khánh, Trung Quốc. (Ảnh: Internet)
Bước vào sở thú, bạn sẽ thấy ngay những chiếc xe tải lớn, đằng sau là chuồng sắt được khóa cẩn thận và một số du khách đứng bên trong. Khi chiếc xe chạy dọc sở thú, sẽ có những con thú dữ ven đường đi như gấu, sư tử trắng, hổ… trèo hẳn lên nóc chuồng để… xin ăn. Du khách sẽ dùng que nhọn để đưa thức ăn cho những con thú háu ăn đứng bên ngoài và phải thật cẩn thận, để bàn tay... không bị mất ngón nào.
Hình thức tham quan này được đánh giá là sáng tạo và có tính nhân văn trong việc bảo tồn động vật hoang dã. (Ảnh: Internet)
Hình thức tham quan này được đánh giá là sáng tạo và thể hiện tính nhân văn trong bảo tồn động vật hoang dã. Khi đứng trong một chiếc lồng – đồng nghĩa với việc mất tự do, và bị những sinh vật có thể gây nguy hại cho mình vây lấy, quan sát và phát ra những âm thanh kì lạ… con người mới thật sự thấu hiểu cảm giác của những con thú suốt đời bị giam cầm sau song sắt sở thú.
Đứng sau song sắt, con người sẽ thấu hiểu sự cô đơn, sợ hãi và bất lực của những người bạn hoang dã bị nhốt trong sở thú. (Ảnh: Internet)
4. Lặn biển ngắm cá mập ở Nam Phi
Mặc dù là sát thủ đại dương, cá mập luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho con người khi có hàng trăm bộ phim kinh dị được dàn dựng công phu, với nhiều câu chuyện phong phú về nó. Đánh trúng trí tò mò của con người về tay sát thủ đại dương này, người ta đã tổ chức một tour du lịch lặn biển để “chơi đùa” với cá mập ở Nam Phi.
Đại dương sâu thẳm với hàng chục con cá mập vây quanh không phải là chuyến tham quan phù hợp với người yếu tim. (Ảnh: Internet)
Tour lặn biển ngắm cá mập này được tổ chức tại bờ biển phía đông ở Hermanus. Du khách không cần phải biết lặn sâu vẫn có thể tham gia trải nghiệm mạo hiểm này, bởi họ sẽ được trang bị bình dưỡng khí rồi chui vào một chiếc lồng gắn với thuyền máy. Những con cá mập hung tợn sẽ vây lấy và cố gắng đớp vào chiếc lồng sắt này khi đánh hơi được con người.
Du khách không cần phải biết lặn sâu vẫn có thể tham gia trải nghiệm mạo hiểm này. (Ảnh: Internet)
Cá mập táo tợn chen qua khe hở của chiếc lồng nhốt du khách. (Ảnh: Internet)
Không chỉ Nam Phi mới có hình thức trải nghiệm cùng cá mập mà một số nơi như đảo Holbox ở Mexico, vùng biển Bahamas ở Caribe, rặng san hô Ningaloo phía Tây Úc, vịnh Donsol thuộc Philippines, khu vực Protea Banks tại Nam Phi hay đảo Koh Tao ở Thái Lan cũng hút khách nhờ dịch vụ "hú hồn" này.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet