Ngoài Bến Tre, tam quan nổi tiếng là nơi có nhiều dừa ở Việt Nam. Từng nghe câu ca dao rằng: "Công đâu công uổng công thừa/ Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan".
Dừa được người dân trồng ở khắp nơi, chủ yếu là giống dừa ta trái to và cơm dày, rất thích hợp để làm bánh tráng nước dừa.
Vùng đất dừa Tam Quan. Ảnh: Duyên Mới. |
Cách làm bánh tráng nước dừa cũng khá đơn giản. Gạo sau khi được xay ra đem trộn với nước cốt trái dừa và cả xác dừa, thêm vào đấy một ít mè, ít tiêu hột, vài củ hành tím xắt lát thật mỏng, một chút xíu muối và sau đó đem đi tráng trên bếp trấu nóng. Khi bánh chín thì mang ra phơi nắng khoảng một ngày là thành thành phẩm. Nếu không có nắng thì phải phơi 2-3 ngày bánh mới khô. Khác với các loại bánh tráng ở các vùng miền khác, bánh tráng nước dừa Tam Quan được có kích thước to hơn hẳn và được tráng thành lớp dày.
Bánh tráng nước dừa là đặc sản của xứ Tam Quan. Ảnh: Yesvietnam. |
Vì bánh quá dày nên không thể nhúng nước ăn được mà phải nướng. Kích thước của bánh to nên khi nướng phải lật đều, nướng kỹ và phải nướng bằng lửa than thì bánh mới ngon, giòn đều. Chiếc bánh gặp lửa, phồng lên và vàng ươm mùi hành phi quyện với mùi béo của mè và nước dừa sẽ kích thích thính giác và vị giác của bạn đến tận cùng. Bánh có thể ăn không hoặc kèm với nước chấm như xì dầu, nước mắm gừng đều ngon.
Các lò bánh thường xếp bánh tráng sau khi đã phơi khô thành từng chồng 20 cái và dùng dây chuối hoặc dây nilong buộc lại thành hình chữ thập (dân địa phương gọi là ràng), rất thuận tiện để vận chuyển đi xa.
Bánh tráng dày dặn, hương vị thơm ngon. Ảnh: Ngoisao. |
Khách phương xa đến thăm quê hương bình định , đi ngang qua vùng đất Tam Quan hãy nhớ dừng chân ghé lại mua vài ràng bánh tráng nước dừa về làm quà cho người thân. Hương vị của bánh tráng nước dừa thơm ngon sẽ làm bạn nhớ mãi..
Duyên Mới
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet