"Chưa thể thay đổi ngay được. Kinh tế còn khó khăn lắm", ông chủ showroom Đức Quảng Ngãi nhận định. Showroom này chủ yếu kinh doanh môtô phân khối lớn nhập khẩu, tập trung vào dòng Harley Davidson, một trong những loại xe đắt bậc nhất trên thế giới. Từ khi có thông tư 38, người chơi xe vẫn ra vào cửa hàng thường xuyên nhưng không đề cập đến nhiều về vấn đề A2.
"Sở hữu những chiếc xe mà khi về Việt Nam có giá tới cả tỷ đồng, chuyện bằng lái dù mối ngược mối xuôi thế nào họ cũng lo được hết", anh Đức giải thích. Nhưng thời điểm này kinh tế vẫn đang khó khăn, chưa có dấu hiệu khởi sắc vào năm sau nên lượng xe nhập đắt tiền như Harley-Davidson chưa thể phát triển ồ ạt.
bằng a2 vẫn chưa phải là chướng ngại vật cuối cùng cho người chơi xe. Ảnh: Trần Hoàn. |
Ở một phân khúc khác, khoảng 600 phân khối trở xuống, khách hàng lại tỏ ra quan tâm hơn đến vấn đề bằng A2. Showroom môtô của anh Mạnh Dũng chuyên những dòng xe này mấy ngày hôm nay tiếp nhiều khách vào hỏi xe hơn. Nhìn chung đã có những chuyển đổi dần về dung tích động cơ, đặc biệt từ 150 lên 250 phân khối.
Nếu trước đây nhiều người có khả năng mua 250 phân khối nhưng không có bằng lái nên đành chấp nhận mua 150 phân khối thì đến nay họ có thể dễ dàng quyết định. Tuy nhiên theo anh Dũng người mê xe cũng chưa ồ ạt mua xe và thi lấy bằng A2 vào đầu năm sau, khi thông tư 38 có hiệu lực bởi lý do chung cũng vẫn là kinh tế chưa ấm trở lại.
Hiện thị trường phân khối lớn Việt Nam mới có quy mô 1.000 xe mỗi năm, bằng một phần mười Thái Lan và chiếm chưa tới 0,7% quy mô toàn cầu. Phân khối lớn mời dừng lại ở khái niệm "chơi" chứ chưa thành nhu cầu sử dụng hàng ngày. Thông tư 38 mở rộng đối tượng cấp bằng A2 thành mọi đối tượng như A1 (thay vì giới hạn theo quy định của Thủ tướng) là cơ sở để kỳ vọng vào mức tăng trưởng tốt hơn trong tương lai, đặc biệt là các nhà phân phối chính hãng khi bỏ tiền đầu tư showroom và xưởng bảo hành.
Đại diện Ducati Việt Nam chia sẻ bỏ hạn chế cấp bằng lái hạng A2 thực sự gỡ "nút thắt" với giới kinh doanh môtô phân khối lớn. "Một ngày sau khi thông tư 38 công bố, vài khách hàng trước vì ngại thủ tục phức tạp cấp phép A2 đã liên lạc lại hỏi về xe mới".
KTM Việt Nam cũng ghi nhận những dấu hiệu phản ứng của khách hàng. "Không kể trao đổi trên diễn đàn, mạng xã hội, trong buổi sáng 31/10, lượng khách hàng gọi tới đường dây nóng hỏi xe và bằng lái gấp đôi ngày thường. Đến 1/3/2014 mới nới thực sự nhưng rõ ràng đây là thông tin rất tích cực mà chúng tôi mong đợi", một nhân viên chia sẻ.
Gới mê phân khối lớn hiển nhiên coi đây là tin thiết thực và hữu ích nhất trong nhiều năm. Với các quy định hiện tại, mua phân khối lớn đã khó thì để có bằng A2 còn khó hơn. Anh Đức Hải (ngụ tại TP HCM), người vừa mua chiếc Kawasaki Z1000 hồi tháng 9 phấn khởi trước thông tin này. Đăng ký xong, anh làm thủ tục xin cấp bằng A2 thì đúng lúc các Sở giao thông vận tải tạm dừng chờ hướng dẫn mới.
"Đăng ký xong mới biết dừng cấp bằng chờ hướng dẫn mới, mà không biết dừng tới khi nào. Bây giờ có thông tư của Bộ Giao thông vận tải rồi, cũng yên tâm hơn" anh Hải cho biết.
Nới bằng A2, thị trường môtô phân khối lớn có cơ hội, nhưng có thể không "bùng nổ" bởi đây vẫn có nhiều giới hạn. Giá xe vẫn gấp tầm 2 lần giá gốc do thuế cao. Một chiếc Ducati Multistrada 1200S chính hãng có giá khởi điểm tới 633 triệu đồng, bằng mẫu xe hơi Kia K3.
Ngoài ra điều kiện đường sá không tốt, ít nơi để giới mê xe có thể trải nghiệm tốcđộ cũng như cảm giác lái. Chưa kể tới việc Bộ Giao thông mở rộng đối tượng thi A2 như A1 nhưng có thể các đơn vị khác lại ra quy định mới. Chẳng hạn như Bộ Y tế quy định chiều cao, cân bằng đúng chuẩn mới được thi.
"Thông tư 38 chưa có hiệu lực thì chưa nói được gì. Dù thế nào thì phân khối lớn vẫn là phương tiện không được khuyến khích. Các cơ quan vẫn có nhiều cách để hạn chế", Quang Minh, một biker lâu năm nhận định.
Đức Huy - Đức Quang
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet