Thiền Viện Chơn Không – Chùa nổi tiếng miền Nam
Thiền Viện Chơn Không Vũng Tàu được xây dựng vào năm 1969, tọa lạc ở độ cao 80 m trên triền Núi Lớn, Vũng Tàu. Nơi đây nổi bật trên nền cảnh núi đồi hùng vĩ với quần thể các công trình như tháp tổ, chính điện, tháp chuông, thiền đường, khu Tăng ni, nhà khách… tạo thành điểm tham quan thu hút không chỉ Phật tử mà còn đông đảo du khách bốn phương. Đường lên chùa nổi tiếng Vũng Tàu này phải qua một con đường dốc khá cao. Hai bên Thiền Viện Chơn Không là cây xanh quanh năm tỏa bóng mát. Cảnh vật yên tĩnh có thể nghe được tiếng lá rơi xào xạc dưới chân. Cổng chùa nằm giữa chừng con dốc, qua đó là lên đến chính điện quang cảnh thanh bình hiện ra trước mắt. Một không gian thiền tĩnh mịch, an lành.
Từ tháp chuông, du khách hành hương có thể phóng tầm mắt để chiêm ngưỡng thành phố Vũng Tàu hiện ra trước mắt với biết bao đường ngang phố dọc. Phía xa xa là đại dương xanh bao la…Tất cả mang lại cảm giác nhẹ nhàng, thanh thản trước vẻ đẹp thiên nhiên tĩnh tại, hùng vĩ của cả một vùng biển núi Vũng Tàu mênh mông.
Năm 1966, Hòa thượng Thích Thanh Từ đã khai phá vùng đất Hòn Chụp – Núi Tượng Kỳ (Núi Lớn) cất Pháp Lạc Thất, chuyên tu thiền. Đến năm 1968, Hòa thượng tuyên bố khởi đầu công cuộc khôi phục Thiền tông Việt Nam. Đến năm 1970, Hòa thượng cho xây Thiền Viện Chơn Không gồm: ngôi thiền đường, tăng đường, trai đường, nhà khách, thiền viện Bát Nhã (thiền viện cho chư Ni), hồ chứa nước…
Tại thiền viện, Ngài đã mở khóa 1 Chân Không (thời gian 3 năm) vào năm 1971, có 10 thiền sinh tham học. Khóa 2 Chân Không khai giảng vào năm 1974, có hơn 100 thiền sinh tham học. Trước chánh điện Thiền Viện Chơn Không, có nhiều cây kiểng, bách, tùng xanh tươi. Bên trái có tháp chuông, với đại hồng chung nặng khoảng 1 tấn được đúc năm 1998, nhiều du khách hành hương phật giáo ghé đến đây tham quan!
Tuy có nhiều thay đổi, nhưng Thiền viện Chơn Không luôn tôn thờ lý tưởng phụng sự đạo pháp và dân tộc. Thiền viện Chơn không trước đó và hiện nay đang chung tay góp sức cùng các thiền viện khác cố gắng hoàn thành nhiệm vụ khôi phục thiền tông và dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử để ngày càng được phát triển trong cũng như ngoài nước.
Nguồn: Tuoitre
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet