Không một giám đốc showroom ôtô nào ở Hà Nội giấu được lo lắng về việc kinh doanh xe hơi trong 2011, khi mà ngay đầu năm, hàng loạt chính sách ảnh hưởng tới giá bán. Chuyện tăng giá áp thuế hầu hết các dòng xe vừa mới thực hiện thì đến ngày 11/2, tỷ giá liên ngân hàng thay đổi từ mức 19.500 lên 20.900.
Với tỷ giá mới, đô-la tự do leo lên 21.600 USD. Một chiếc Nissan Teana nhập khẩu Đài Loan niêm yết 48.000 USD sẽ chịu thêm khoảng 29 triệu đồng so với hồi tháng 12/2010 khi mà giá đô-la ổn định ở 21.000.
Những dòng xe cao cấp hơn như BMW serie 7 hay Mercedes S-class còn tăng nhiều hơn. Khách hàng phải bỏ thêm 144 triệu đồng cho chiếc BMW 750Li (giá 240.000 USD).
Khách hàng mua BMW 750Li có thể phải trả thêm trên trăm triệu đồng với tỷ giá mới. Ảnh: T.N. |
Tuy nhiên, ảnh hưởng của tỷ giá với các nhà nhập khẩu không chính thức được tính làm hai lần. Thay đổi tỷ giá liên ngân hàng tăng sẽ khiến tiền thuế phải nộp tăng lên. Chiếc GL550 có tổng số thuế khoảng 103.000 USD, gồm thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, VAT. Như vậy, doanh nghiệp phải trả thêm 144 triệu đồng. Khoản thuế tăng thêm sẽ được đưa vào giá, khiến GL550 "cõng" thêm 6.700 USD.
Chiếc Lexus RX350 chạy lướt hiện có giá trung bình 127.000 USD, tăng 3.000 USD. Khách hàng mua vào cận Tết Tân Mão trả 2,64 tỷ đồng (tỷ giá tự do 21.300). Sau kỳ nghỉ, họ phải thanh toán 2,74 tỷ, tăng thêm 100 triệu đồng.
Với những khách hàng mua xe phân phối chính hãng, khoản tiền trả thêm cũng không hề nhỏ. Đặt mua Audi Q5 giá 99.000 USD hồi trước Tết với tỷ giá 19.500. Nhưng khi nhận vào tháng 4 tới, anh Hùng, nhân viên một hãng truyền thông tại Hà Nội, sẽ phải chuẩn bị thêm 138 triệu đồng, tương đương 6.500 USD.
Euro Auto, nhà phân phối BMW tại Việt Nam đã chuẩn bị trước tình thế khi công bố giá mới từ tháng 1/1/2011, trong đó tính tới các yếu tố tăng tỷ giá. Vì thế, bảng giá vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, xe nhập về trước ngày 1/1/2011 vẫn được hưởng giá của 2010.
Trong khi giá xe nhập phản ứng ngay với tỷ giá thì một vài liên doanh trong nước vẫn chưa có động thái nào. Toyota Việt Nam đang niêm yết theo VND cho biết đang tính toán phương án điều chỉnh. Hãng cũng niêm yết giá theo VND là Honda chưa có động thái nào. Khó khăn của Honda là cân bằng giữa tăng giá và doanh số. Civic đang sa sút trong khi CR-V không có nhiều đột biến. Nếu tăng giá sẽ khiến hai mẫu xe này rơi vào tình trạng "đóng băng".
Các hãng xe báo giá theo tiền đồng nhưng "thay đổi theo tỷ giá tại ngày thanh toán" thì không có nhiều lo lắng. Bởi thực chất vẫn tính bằng đô-la. Tuy nhiên, tâm lý "mua xe chạy giá" lại xuất hiện ở khách hàng. Có người gọi tới các đại lý từ nam tới bắc, chỉ để tìm nơi bán xe theo tỷ giá cũ. Mức chênh 1.400 đồng tỷ giá khiến chiếc Everest MT 4x2 (giá 37.900 USD) có thể tăng thêm 53 triệu đồng.
Sức ép tăng giá một cách đồng loạt khiến hầu hết các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô lo lắng cho năm 2011.
"Khoảng 70% hợp đồng mua xe có liên quan tới vay ngân hàng, trong khi lãi suất hiện đã lên tầm 18%. Thêm "đòn" tăng giá khiến khách hàng nản lòng. Chúng tôi sẽ mất rất nhiều từ đó", giám đốc một đơn vị kinh doanh ôtô lớn của Hải Phòng nhật xét.
"Năm 2010 đã kém so với 2009. Nhưng sang 2011, mọi thứ còn bi đát hơn. Chỉ công ty nào nhập được xe trước Tết mới còn chút vui đầu năm", ông nói thêm.
Tỷ giá tăng có tính tác động đồng loạt tới các mặt hàng khác trên thị trường , chứ không đơn giản là giá xe. Những lần điều chỉnh thuế hay giá tính thuế trước, ảnh hưởng là không nhiều. Nhưng lần này, ngoài chi phí mua ôtô, khách hàng còn phải lo nhiều cho lãi suất, cho chi phí sinh hoạt, cho việc kinh doanh. Họ khó lòng mạo hiểm để sắm xe.
Năm nay, nghỉ Tết của giới kinh doanh ôtô sẽ dài hơn. "Chắc phải đến tháng 4, tháng 5, mới có việc để làm", nhân viên một showroom trên đường Âu Cơ than thở.
Trọng Nghiệp
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet