Mỗi khi tụ tập cùng bạn bè hay đi ra ngoài một thời gian, điều đáng sợ nhất đối với tôi là phải hét lên: "Chiếc điện thoại chết tiệt lại hết pin!". Không cần mất thời gian cho một cuộc khảo sát, tôi tin rằng đó cũng là nỗi ám ảnh chung của tất cả người dùng smartphone hiện nay.
Smartphone thực sự được chú ý và sử dụng rộng rãi kể từ thời điểm năm 2007, khi Apple giới thiệu chiếc iPhone thế hệ đầu tiên. Hàng loạt thương hiệu nhảy vào cuộc đua sản xuất điện thoại thông minh với đủ mức giá, và chiếc điện thoại để nghe gọi giờ đây có thể kiêm được nhiều công việc của máy tính cồng kềnh. Bên cạnh việc nâng cấp cấu hình, dung lượng pin của smartphone cũng được tăng lên, tuy nhiên con số tăng không đáng kể so với những gì một chiếc smartphone phải gánh vác.
Để giải quyết tạm thời vấn đề trên, người dùng tìm tới những chiếc sạc dự phòng. Không khó để bắt gặp hình ảnh một người ngồi quán cafe lướt web trong khi điện thoại đang được sạc thông qua một viên pin dự phòng. Thậm chí một người bạn còn nói với tôi rằng: Dùng smartphone mà không có sạc dự phòng thì chưa gọi là dùng, nó bình thường như chuyện ở huyện!
Đồng ý rằng sạc dự phòng giúp chúng ta liên tục online mà không lo cạn pin, tuy nhiên nếu chưa có đủ thông tin, bạn không nên xách ví lên và đi ra cửa hàng yêu cầu họ bán cho một cục sạc. Có quá nhiều loại với đủ chất lượng, nếu không cẩn thận rất có thể sạc sẽ dẫn tới chai pin, cháy nổ,... hãy tìm hiểu kỹ trước khi mua và đừng chết vì thiếu hiểu biết.
Thị trường sạc dự phòng: Thượng vàng hạ cám
Dạo qua một vòng các cửa hàng bán loại sản phẩm trên, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều thương hiệu được bày bán với đủ mức giá. Các dòng sản phẩm cao cấp như iGo, Anker, Arctic có độ hoàn thiện tốt, hiệu suất sử dụng cao, vật liệu cao cấp với bộ tự chuyển đổi dòng điện, chip quản lý dòng,... Hiệu suất của các cục sạc này có thể lên tới 85%. Nhưng chính vì giá bán cao (chịu thêm thuế nhập khẩu) nên rất ít cửa hàng bày bán và cũng ít người dùng chấp nhận bỏ ra vài triệu đồng để mua sản phẩm chỉ phục vụ sạc.
Trái ngược với dòng sản phẩm cao cấp, thị trường sạc dự phòng tới từ các nước châu Á và đặc biệt là Trung Quốc sôi động hơn bao giờ hết. Ở bài viết này tôi tạm chia chúng thành hai dòng: Sản phẩm phổ thông và sản phẩm nhái.
Sản phẩm sạc dự phòng giả, sạc nhái có thể dễ dàng bắt gặp tại các cửa hàng phụ kiện nhỏ. Nhiều chiếc sạc thậm chí không có thương hiệu, không có vỏ hộp, trên vỏ chỉ ghi duy nhất dòng chữ "sạc dữ phòng" theo tiếng anh là Power Bank làm nhiều người nhầm tưởng đó là sản phẩm của thương hiệu cùng tên.
Những chiếc sạc nhái này có thiết kế giống với sản phẩm có tiếng, phần lớn sử dụng dung lượng pin công bố rất cao nhưng hiệu năng thực tế thấp, dòng không ổn định và khó có thể đảm bảo độ bền. Theo tìm hiểu của GenK từ một cửa hàng chuyên bán buôn phụ kiện điện thoại, nếu nhập theo thùng 100 chiếc sạc loại dung lượng 5.200 mAh thì giá chỉ là 50.000 đồng/chiếc, khi về Việt Nam, chúng được độn giá lên tới trên 400.000 đồng với nhiều lời quảng cáo có cánh.
Với dòng sạc phổ thông, phần lớn cũng có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng tới từ các thương hiệu có tiếng trên thị trường mà chúng ta hay gọi với cái tên "Hàng trung ương". Có thể kể tới một số cái tên quen thuộc như Tuxedo (Nhật Bản), Yoobao, Romoss hay hãng sản xuất điện thoại nổi tiếng Xiaomi. Đây cũng là những sản phẩm có mức tiêu thụ cao nhất trên thị trường. Theo chia sẻ từ một cửa hàng bán lẻ, có ngày họ bán được tới gần 100 chiếc sạc.
Sạc dự phòng của Xiaomi và các thương hiệu Trung Quốc đã phá giá thị trường xuống chỉ còn khoảng 300.000 đồng/sản phẩm.
Ưu điểm của dòng sản phẩm này là mức giá hợp lý, dung lượng pin lớn nhưng vẫn đảm bảo yếu tố an toàn và linh kiện chính hãng. Điển hình nhất là sản phẩm tới từ Xiaomi, vốn nổi tiếng với những smartphone cấu hình khủng giá bình dân, công ty này tiếp tục ra mắt dòng sạc dự phòng dung lượng cao 5.200 mAh và 10.400 mAh với cell-pin của LG/Samsung và chip quản lý dòng Texas Instruments. Hiệu suất của những cục sạc này thường đạt từ 60-80%. Giá bán dao động trong khoảng 300.000 - 500.000 đồng.
Điểm trừ của dòng sản phẩm phổ thông đó là thời gian sạc đầy pin khá lâu. Với cục sạc 10.400 mAh tôi đã phải mất tới hơn 12 giờ đồng hồ để sạc đầy 100%, trong khi đó dòng sản phẩm cao cấp thường có cổng sạc jack cắm riêng với dòng cao hơn, giảm thời gian sạc.
Những điều cần biết khi lựa chọn sạc dự phòng
Hãy bỏ ngoài tai dung lượng mAh mà người bán cố nhồi nhét vào đầu bạn, nó giúp đánh giá nhưng chỉ là một phần nhỏ trong chất lượng cục sạc. Chúng ta cần quan tâm tới
1. Loại pin sử dụng
Đây là yếu tố quyết định nhiều tới chất lượng của sạc dự phòng. Có ba loại pin đang được sử dụng:
- Pin sử dụng lõi Lithium-Polymer (Li-po). Đây là loại tốt nhất thường được dùng trên các cục sạc dự phòng cao cấp (như iGo của Mỹ) và smartphone như iPhone, iPad hay thậm chí là MacBook. Nó có khả năng lưu trữ năng lượng tốt nhất, giảm thiểu tối đa việc suy giảm khả năng lưu điện sau một thời gian không sử dụng. Với pin này người dùng có thể cắm sạc bất cứ khi nào mà không cần lo ngại nhiều vấn đề chai pin.
- Pin Lithium-ion (Li-ion). Đây là loại pin được dùng phổ biến, có thể thấy chúng được sử dụng trên cả các smartphone có thể tháo rời pin của Nokia hay Samsung. Li-on là thế hệ trước của Li-po, nó đủ tốt để dùng nhưng số lần sạc và độ bền đều kém hơn Li-po.
- Pin sử dụng lõi cell. Phần lớn sạc dự phòng đang bán tại Việt Nam sử dụng lõi pin này, nó gồm nhiều cục pin nhỏ (giống pin tiểu) hình trụ ghép lại với nhau, đây là một dạng khác của pin Li-on. Những sạc dự phòng dùng lõi cell thường dày, có dung lượng cao và giá rẻ nhưng lại kém bền nhất, hiệu suất không thực sự ổn định.
2. Dòng ra của sạc dự phòng
Phần lớn smartphone cao cấp đều có khả năng tự điều chỉnh dòng, tuy nhiên đây cũng là yếu tố chúng ta cần quan tâm vì nhiều smartphone phổ thông chưa được hỗ trợ tính năng trên. Đa số dòng ra của sạc dự phòng đạt 1A, phù hợp với dòng sạc của smartphone.
Tuy nhiên có loại sạc sử dụng hai cổng kết nối riêng cho điện thoại và máy tính bảng với hai dòng điện ra khác nhau. Nếu không lưu ý, bạn có thể cắm nhầm sạc smartphone vào dòng ra cho tablet, gây hiện tượng chai pin và nóng máy. Ngược lại, nếu cắm sạc tablet vào dòng ra cho smartphone thì thời gian sạc rất chậm, thậm chí không thể sạc.
3. Dung lượng và hiệu suất sử dụng
Tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng, bạn nên lựa chọn loại sạc dự phòng có dung lượng phù hợp. Nếu cần dùng để đi du lịch thì dung lượng từ 5.000 mAh trở lên là lựa chọn hợp lý, còn nếu chỉ cần giúp smartphone sống sót qua một ngày làm việc thì lựa chọn cục pin ngang hoặc gấp đôi dung lượng pin của smartphone là đủ.
Dòng sản phẩm cao cấp như thường ít được lựa chọn dù chất lượng tốt vì đều có giá hàng triệu đồng tại Việt Nam.
Nhưng đừng quá tin tưởng vào quảng cáo dung lượng, bạn phải quan tâm tới cả yếu tố hiệu suất. Nên nhớ cục sạc dự phòng dung lượng 5.200 mAh không có nghĩa nó có thể cung cấp đủ 5.200 mAh cho bạn, còn nhiều yếu tố khác khiến hiệu suất không thể đạt 100%. Tuy khó có thể kiểm chứng hiệu suất khi đi mua sản phẩm nhưng cũng đừng quên hỏi người bạn hoặc xem thông tin in trên vỏ.
Thông thường sạc dự phòng loại tốt có thể đạt từ 70-85% hiệu suất, các sạc phổ thông như YooBao, Xiaomi, SSK đạt 60%. Đối với loại sạc mua theo lô, sạc nhái mà tôi nói phía trên, hiệu suất thậm chí chỉ đạt 30% (có nghĩa cục sạc 10.000 mAh loại nhái chỉ có thể cung cấp cho bạn 3.000 mAh, bằng 01 lần sạc đầy chiếc Galaxy Note 3).
Nhiều sạc dự phòng đánh vào tâm lý, thiết kế đẹp bên ngoài nhưng chất lượng kém.
4. Kiểm tra nguồn gốc sản phẩm
Với phần lớn sạc chính hãng, kể cả sạc Trung Quốc như YooBao, Xiaomi cũng đều cung cấp website để kiểm tra hàng chính hãng. Do sạc dự phòng hiện đang là sản phẩm hot trên thị trường nên kể cả dòng sản phẩm Trung Quốc "trung ương" cũng đã xuất hiện hàng nhái. Khi mua sản phẩm nên yêu cầu người bán cho kiểm tra ngay tại cửa hàng trước khi quyết định mua.
theo genk.vn
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet