Tháp Po Klong Garai nằm trên ngọn đồi Trầu, phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Là một quần thể gồm tháp Chính, tháp Lửa và tháp Cổng, nơi đây được xem là cụm tháp hùng vĩ và đẹp nhất trong những đền tháp của người Chăm còn tồn tại ở Việt Nam hiện nay.
Du khách men theo những bậc tam cấp để bước lên ngọn đồi, tham quan toàn bộ ngôi tháp Lửa cao hơn 9 m. Theo quan niệm của người Chăm, đây là nơi an nghỉ và chứa đồ vật cho những nghi lễ xưa kia.
Tháp Cổng cũng là nơi dừng chân nghỉ ngơi, tĩnh tâm trước khi vào tháp Chính.
Tháp Chính là trung tâm của cụm tháp, cao hơn 20 m, có một lối ra vào. Năm 1979 cụm tháp được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích Lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật điêu khắc Chăm.
Trong ngôi tháp Chính thờ vua Po Klong Garai (1151 - 1205) với biểu tượng Mukha - Linga. Ngài là người có công trạng to lớn trong việc xây dựng hệ thống dẫn thủy nhập điền phục vụ nông nghiệp của người Chăm trong vùng. Công trình của vị vua nổi tiếng này vẫn được sử dụng cho đến ngày hôm nay là đập Nha Trinh và kênh Chàm.
Cây me cũng là một điểm nhấn trong cụm tháp này. Theo truyền thuyết Chăm, cây me chính là nơi dựa lưng của vua Po Klong Garai lúc còn trẻ trong một chuyến đi buôn. Truyền thuyết khác lại cho rằng cây me là vị thần trấn giữ và bảo vệ vị vua trong ngôi tháp cổ này.
Vào cuối tháng 10 hàng năm, người Chăm Ninh Thuận thường hành hương đến tháp vào dịp lễ hội Kate. Đến đây mọi người cùng cúng tế và cầu nguyện cho mùa màng bội thu. Trang phục rực rỡ của các thiếu nữ cùng sắc màu đỏ trắng độc đáo của chức sắc Chăm là một trong những điểm thu hút của lễ hội này.
Dưới chân ngọn đồi Trầu là một loạt công trình phụ trợ nhằm phục vụ du khách tham quan như khu trưng bày sách, ảnh văn hóa Chăm, vật dụng truyền thống Chăm và các món quà lưu niệm.
Trong khu trưng bày du khách có thể tìm thấy nhiều vật dụng xưa kia của người Chăm còn hiện hữu như: cối xay lúa, nhạc cụ truyền thống và các trang phục của tu sĩ Chăm. Trong đó, xe trâu là một trong những vật dụng đặc trưng còn sót lại. Bánh xe và các vật dụng khác được làm hoàn toàn bằng gỗ. Các mối nối được được đục đẽo và đóng sao cho vừa khít mà không cần dùng đến vật phụ trợ khác. Ngày nay chỉ còn tồn tại 3 chiếc và chủ yếu dùng để trưng bày trong các nhà văn hóa.
Túi xách, ví cầm tay, khăn choàng xinh xắn được bày bán trong khu nhà trưng bày. Tuy nhiên giá cả cao hơn so với làng dệt truyền thống Mỹ Nghiệp cách đó khoảng 10 km theo hướng nam.
Ngoài ra, gốm Bàu Trúc cũng được trưng bày và bán với nhiều mẫu mã đa dạng. Du khách có thể chọn những mẫu tháp Chàm thu nhỏ với giá 50.000 - 80.000 đồng làm quà lưu niệm hay tặng cho người thân.
Lưu ý: Du khách vào đền tháp ăn mặc lịch sự, không viết, vẽ bậy lên gạch, không đốt nhang và để tiền trong lòng tháp vì không phù hợp với tôn giáo, văn hóa Chăm.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet