Theo Đông y, đu đủ có tên mộc qua, tính hàn, vị ngọt mùi hơi hắc, có tác dụng thanh nhiệt, bổ tỳ, làm mát gan, nhuận tràng, giải độc... Cây đu đủ rất đặc biệt, theo dân gian bộ phận nào của cây cũng có thể chữa bệnh. Lá non chữa sỏi thận, nụ hoa thì trị ho, nhựa làm bớt chai gót chân, cọng lá dành cho chứng viêm tuyến tiền liệt.
Còn trong ẩm thực, đu đủ hầm chân giò lợn là món mà bất cứ bà mẹ quê nào cũng nấu cho con dâu, con gái mong có nhiều sữa nuôi con nhỏ. Còn với tôi, đu đủ hầm sườn non là món không thể thiếu trong những ngày đầu năm mới.
Nguyên liệu gồm:
- Một quả đu đủ to cỡ chén ăn cơm. Phải chọn quả chín hườm, không quá xanh và cũng không quá chín vàng. Gọt vỏ, cạo cơm tơ bên trong, xắt lát bằng ngón tay cái người lớn.
Đu đủ chín hườm
- Khoai lang ruột vàng: 1 củ nhỏ bằng nắm tay. Cạo vỏ, xắt như đu đủ.
Khoai lang cạo vỏ
- Sườn non: 400g. Chặt miếng to bằng 2 ngón tay.
- Lá lốt: 1 nắm nhỏ. Xắt cỡ 1cm.
Lá lốt
- Hành tím 4 củ, tỏi 5 tép. Băm nhỏ.
- Tiêu xanh: 3 nhánh. Tách hạt, giã dập đôi
Tiêu xanh
- Gừng: 1 củ nhỏ
- Gia vị: dầu ăn, muối, hạt nêm, nghệ bột.
Củ hành, tỏi, gừng và nghệ
Chế biến:
- Chần sườn qua nước sôi có gừng.
- Đun nóng dầu ăn trên chảo nhỏ. Cho hành tỏi, 1/4 thìa cà phê nghệ bột vào khử cho thơm, tiếp theo cho sườn vào xào áp chảo (tức xào lửa lớn cho cháy xém mặt ngoài).
Sườn non xào áp chảo
- Vớt sườn ra xoong vừa, sâu đáy, cho thêm nước, nêm một thìa cà phê muối, một thìa cà phê bột nêm, tiêu xanh. Đun sôi cùng với đu đủ tầm 20 phút thì cho khoai lang ruột vàng vào, tiếp tục đun sôi. Trong quá trình đun lấy vá lớn vớt bỏ bọt trên mặt.
- Khi đu đủ, khoai lang mềm thì cho lá lốt vào; nhỏ lửa khoảng 5 phút là dùng được.
Sườn non hầm đu đủ
Món đu đủ hầm sườn non có vị ngọt thanh, rất bổ dưỡng. Món này phù hợp cho những ngày tết trong tiết trời se se lạnh và đa số chúng ta thường lười cơm vì tiệc tùng tiếp khách liên miên.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet